Trong báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Nội vụ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho biết có sự chồng chéo, trùng lặp về chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ GD-ĐT quy định.

Bộ Nội vụ vừa đề xuất bỏ đi 13/20 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên cả nước.

Thực tế từ nhiều năm nay, việc phải chạy đua theo hàng loạt các văn bằng chứng chỉ đã tạo ra nhiều áp lực không đáng có cho giáo viên, trong khi hiệu quả thực tế lại không như kỳ vọng, nặng tính hình thức. 

Thầy Nguyễn Viết, một giáo viên có gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục tại một huyện ngoại thành Hà Nội chia sẻ, trong suốt quá trình công tác, việc chạy đua để lấy đủ các loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khiến bản thân thầy cũng như nhiều đồng nghiệp khác cảm thấy mệt mỏi, chán nản.

“Không phải giáo viên lười không muốn học muốn thi muốn năng cao năng lực trình độ của bản thân. Mà thực tế những chứng chỉ này không có tính thực tiễn. Lương giáo viên thấp, tiền học phí bỏ ra không phải là nhỏ, nếu là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng 2 là 2,5 triệu đồng/chứng chỉ, học trong khoảng 3 tháng, mỗi tuần học 2 buổi hoặc học dồn tập trong khoảng 10 chuyên đề, 10 buổi là kết thúc. Sau mỗi đợt học như thế, hầu hết chỉ học lấy lệ, chứ không thể tiếp thu được kiến thức gì mới”, thầy Viết nói.

Lý giải thêm, thầy Viết cho biết, để đứng lớp mỗi giáo viên đều được đào tạo trong các trường sư phạm, trải qua các kỳ thực tập, thường xuyên có các kỳ bồi dưỡng nâng cao năng lực và có các đợt kiểm tra đánh giá kết quả, chất lượng đào tạo của giáo viên.

Hơn nữa, việc đi học tại các lớp bồi dưỡng để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp về cơ bản chỉ mang tính hình thức, nhiều nội dung đào tạo chồng chéo, giáo viên đã được học trong trường sư phạm hoặc qua các lớp bồi dưỡng thường xuyên. 

“Học và lấy chứng chỉ theo cách hiện nay không đem lại lợi ích trong quá trình giảng dạy mà chỉ đem lại lợi ích cho các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ. Đào tạo hàng loạt mang tính hình thức, chất lượng của những chứng chỉ này thử hỏi bao năm nay có ai kiểm chứng? Bản thân giáo viên nhiều người dù khó khăn vẫn phải chắt chiu từng đồng đi học chỉ nhằm phục vụ một mục đích duy nhất cho đủ bộ hồ sơ. Nhiều trường hợp giáo viên dạy giỏi, học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi, nhưng nếu chưa có thời gian, kinh tế để đi học thì vẫn ở một mức thấp hơn những giáo viên có thể dạy không tốt nhưng có đầy đủ các chứng chỉ”, thầy Viết nói.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên tại Nghệ An cũng rất vui mừng khi nghe thông tin đề xuất bỏ nhiều chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên. Thầy Hiếu cho rằng, với nhiều viên chức nói chung và giáo viên nói riêng hiện nay, đây là điều cần thiết, một tín hiệu tích cực trong điều chỉnh các chính sách, văn bản bất hợp lý.

Thầy Trần Trung Hiếu chia sẻ, bản thân thầy cũng như rất nhiều giáo viên trong những năm gần đây thực sự chán nản bởi sự thay đổi đến chóng mặt từ các thông tư, văn bản của Bộ GD-ĐT. 

“Nói không quá lời, giáo viên phổ thông hiện nay sợ nhất mỗi sáng mai thức dậy lại đón nhận một thông tư mới dẫn đến nhiều sự thay đổi. Đánh giá và xếp loại giáo viên chỉ căn cứ vào hệ thống văn bằng, chứng chỉ hoàn toàn không thực chất. Năng lực giáo viên sẽ được khẳng định bằng sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp trong quá trình công tác. Hiệu quả của giáo dục ở mỗi giáo viên là ý thức, thái độ tiếp thu kiến thức của học trò trong mỗi tiết học và sự chuyển hóa kiến thức, kỹ năng bằng các hình thức kiểm tra, đánh giá như thế nào chứ không phải chỉ qua vài chứng chỉ mang tính hình thức”.

Giáo viên này hy vọng Bộ GD-ĐT sớm giảm áp lực cho giáo viên bằng cách giảm bớt gánh nặng từ những văn bằng chứng chỉ không thực sự cần thiết, hướng đến một nền giáo dục học thật, thi thật, thay vì bắt giáo viên dồn mọi sức lực, tiền bạc để dạy đua chỉ để đẹp hồ sơ.

Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng một trường THCS tại Nghệ An cũng cho rằng, việc giảm các văn bằng, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sẽ giúp bớt đi sự rườm rà, lo lắng, bất an của hàng triệu nhà giáo trên cả nước, giúp họ yên tâm hơn, tập trung công tác. 

Thầy Hồ Tuấn Anh cũng cho biết, thực tế những chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên hiện nay chủ yếu mang tính hình thức, đối phó, giáo viên thực hiện như một nghĩa vụ bắt buộc, một sự cưỡng ép mà không tạo ra hứng thú hay trách nhiêm thực.

“Để nhìn nhận khách quan, phải thấy rằng nếu học thật, thi thật thì ít nhiều những chứng chỉ chức danh nghề nghiệp này cũng sẽ có tác dụng với viên chức, công chức nói chung cũng như nhà giáo nói riêng. Bởi nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy ngoài chuyên môn nghiệp vụ của nhà giáo, trong quá trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp còn có nhiều quy định pháp luật của viên chức cũng như ngành giáo dục.

Nhưng đáng tiếc thay, nội dung đào tạo theo chức danh nghề nghiệp của cả 3 hạng đều có nhiều nội dung trùng nhau và trùng với nhiều chương trình bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn nghề nghiệp, chương trình chính trị quản lý nhà nước. Do đó không cần học nhiều mà chỉ nên có 1 chứng chỉ là đủ”, thầy Hồ Tuấn Anh nói.

Vị hiệu trưởng này cũng cho hay, thực tế trong các văn bản các địa phương đều có các hướng dẫn đơn vị xem xét hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên trong phạm vi có thể, nhưng hầu hết các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập đều không đủ khả năng thực hiện.

Nhiều giáo viên khi nghe đến những yêu cầu mới, thông tư mới, đôi khi cơ quan chủ quản chưa kịp triển khai, thì vì quá lo lắng, bất an đã bằng mọi cách để đi kiếm cho được những chứng chỉ theo yêu cầu. Các trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở có chức năng cấp chứng chỉ thì lại coi đây như “nồi cơm”, đổ xô đi đào tạo, cạnh tranh, đưa ra nhiều mức phí “tạp nham”, chất lượng bát nháo. Cũng chính từ cách đào tạo không thực chất này mà đội ngũ giáo viên đang có đánh giá rất sai lệch về việc bồi dưỡng để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

“Bản chất của chính sách là mong muốn thông qua hoạt động đào tạo này để nâng cao trình độ, nhận thức của giáo viên, nhưng khi về đến cơ sở lại tạo ra một cuộc chạy đua theo số lượng bằng cấp, các cơ sở đua nhau thu tiền, cấp chứng chỉ, dẫn đến chất lượng, thời gian đào tạo không đảm bảo. Chính giáo viên cũng sẽ hình thành tâm lý coi thường việc bồi dưỡng này”, thầy Hồ Tuấn Anh nói.

Theo thầy Hồ Tuấn Anh việc bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới là cần thiết, tuy nhiên, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để có phương án tích hợp trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, thay vì tổ chức thi chứng chỉ rồi để đó, thiếu tính thực tế như hiện nay.

“Bất cứ ngành nghề nào, ngay cả đơn giản nhất cũng cần được rèn luyện kỹ năng thường xuyên. Không thể phủ nhận hoàn toàn việc bồi dưỡng, cấp chứng chỉ, tuy nhiên cần nghiên cứu để sắp xếp sao cho phù hợp với chương trình đào tạo cũng như nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo. Muốn hướng đến việc học thật, thi thật, trước tiên phải bắt đầu từ chính đội ngũ nhà giáo”.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo cho rằng, việc đánh giá giáo viên theo các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp còn nặng về hình thức.

 “Khi đánh giá năng lực, phải dựa vào kết quả làm việc, anh có hoàn thành công việc được giao hay không, chất lượng đến đâu. Bác sĩ giỏi hay không phải đếm số bệnh nhân được chữa khỏi và kịp thời, giáo viên giỏi phải được đo trên hiệu quả học tập của học sinh. Việc bỏ bớt các chứng chỉ với giáo viên là phù hợp, giảm bớt những áp lực không đáng có cho đội ngũ giáo viên. Chúng ta đòi hỏi giáo viên phải có chứng chỉ này chứng chỉ kia, nhưng cuối cùng những chứng chỉ đó chỉ đi xin, đi học cho có, nhiều cơ sở cấp chứng chỉ cũng chỉ chăm chăm thu tiền, còn chất lượng đến đâu thì khó kiểm định”, thầy Lâm thẳng thắn chỉ rõ.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, muốn hướng đến một xã hội học thật, thi thật thì trước tiên bằng cấp của giáo viên cũng phải thật.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo ủng hộ việc giảm bớt những chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không cần thiết với giáo viên. Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng đây là việc không hề dễ. Để quyết định bỏ chứng chỉ nào, trước hết, Bộ GD-ĐT cần cùng Bộ Nội vụ đánh giá lại quá trình xây dựng các tiêu chuẩn về vị trí chức danh nghề nghiệp cũng như chương trình bồi dưỡng kèm theo các tiêu chuẩn đó đã đảm bảo tính khoa học hay chưa. 

“Hiện nay một số thông tư của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ là không chuẩn, những tiêu chuẩn đưa ra chưa phản ánh đúng bản chất của giáo viên. Trong tiêu chuẩn đó có nhiều nội dung trùng lặp, hay có những nội dung đáng ra chỉ cấp quản lý mới cần học nhưng lại áp dụng với cả giáo viên. Thậm chí một số tiêu chuẩn hết sức quan liêu, không gắn với nhu cầu của chủ sử dụng lao động là các hiệu trưởng nhà trường. Khi tiêu chuẩn đưa ra sai, tất nhiên chương trình đi theo sẽ không chuẩn và cần bỏ. Một trong những nguyên tắc khi xây dựng tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp là phải đảm bảo sự đồng thuận của những người bị chi phối bởi tiêu chuẩn đó. Nếu sau khi ban hành, đào tạo, cấp chứng chỉ giáo viên phản ứng, có nghĩa những quy định này chưa phù hợp với thực tế cần xem xét lại”, TS Hoàng Ngọc Vinh nói.

Chỉ thêm một số bất cập trong vấn đề này, chuyên gia đơn cử như đầu năm 2021, một số thông tư mới với giáo viên được áp dụng, nhưng chương trình bồi dưỡng đi kèm lại mang tính “râu ông nọ cắm cằm bà kia” vẫn từ năm 2016. Khi có những tiêu chuẩn mới, thì buộc phải thiết kế các chương trình mới đồng bộ. Ngược lại khi có chương trình bồi dưỡng, cùng cần quay lại đánh giá, đối chiếu với các tiêu chuẩn xem đã đồng bộ phù hợp hay chưa.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, khi đưa ra các tiêu chuẩn cũng cần đánh giá kỹ những kỹ năng, kiến thức của giáo viên còn thiếu hụt, cần bồi dưỡng thêm những gì, những gì trong các trường sư phạm đã làm có nên bắt giáo viên học lại hay không.

“Chứng chỉ chỉ là tờ giấy A4 không có lỗi, lỗi ở người thiết kế chương trình bồi dưỡng và người tổ chức chương trình đào tạo bồi dưỡng. Tôi rất hoan nghênh Bộ Nội vụ đã cầu thị và lắng nghe dư luận. Đối với Bộ Giáo dục cần rà soát lại các tiêu chuẩn và định nghĩa rõ vị trí việc làm, các chương trình, nội dung bồi dưỡng phải gắn với tiêu chuẩn một cách hết sức bài bản, khoa học. 

Nếu bỏ hết các loại chứng chỉ cũng sẽ cực đoan. Hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn làm như vậy vì liên quan đến việc trả lương cho giáo viên. Nếu chỉ đánh giá dựa trên thành tích, chất lượng của học trò như vậy cũng rất dễ dẫn đến lạm phát điểm, gây ra những hệ lụy nguy hiểm.

Chúng ta cần đánh giá lại các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn nào đúng và chưa đúng, phải truy cứu trách nhiệm của những người làm ra những tiêu chuẩn, chương trình thiếu chuyên nghiệp gây tốn kém, mệt mỏi cho giáo viên”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh./.


Thứ Hai, 06:00, 14/06/2021