Họa sĩ Henrik Placht: Muốn trở thành cầu nối cho các nghệ sĩ Việt Nam

VOV.VN - Lý do đầu khiến Henrik Placht- họa sĩ người Na Uy tìm đến Việt Nam vì ông ngoại anh từng làm việc ở Việt Nam những năm 1960 và rất yêu đất nước này...

Sinh ra và lớn lên ở Na Uy, là người duy nhất trong gia đình theo ngành nghệ thuật, Henrik Placht – một nghệ sĩ đương đại của Na Uy – đã trở thành bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ hội họa, vẽ và in ấn một cách hiện đại và linh hoạt. Tác phẩm của anh xoay quanh nhiều chủ đề đa dạng từ hình học thuần túy, thẩm mỹ đến chính trị quốc tế, kiến trúc, vật lý hạt, khoa học viễn tưởng... Henrik có một sự kết nối vô cùng đặc biệt với Việt Nam.

Chào Henrik. Được biết anh đã theo đuổi nghiệp vẽ hơn 20 năm, anh có thể cho biết anh lấy cảm hứng từ đâu?

Tôi sinh ra ở Na Uy. Mọi người thường nói về vẻ đẹp khó cưỡng của thiên nhiên Na Uy, những thác nước và núi non hùng vĩ, những vịnh hẹp có một không hai, cực quang và vô số kỳ quan khác. Quả thật, thiên nhiên chính là nguồn năng lượng của Na Uy. Nhưng với tôi, con người mới là cảm hứng sáng tạo. Mỗi cá nhân là một thực thể đặc biệt và khác biệt, chính vì vậy, câu chuyện của họ cũng không giống nhau.

Đó là một trong những lý do thôi thúc tôi đi du lịch tới nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để tìm hiểu về cách sống cũng như suy nghĩ khác biệt của họ trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Thiên nhiên và cấu trúc đô thị - hai chủ đề trái ngược nhau đem lại cho tôi nhiều hứng khởi.  Văn hóa, lịch sử, tâm hồn của một quốc gia, kể cả ẩm thực và âm nhạc cũng là điều tôi luôn thích thú tìm hiểu.

Anh có thể nói gì về phong cách sáng tác của mình?

Trong nhiều năm qua, tôi đã sáng tác rất nhiều và tự hoàn thiện mình. Giờ đây tôi đã tự tin hơn và những tác phẩm nghệ thuật của tôi cũng linh hoạt hơn. Tôi không sợ làm điều gì đó "điên rồ", đôi khi tôi vẽ rồi tự mình phá bỏ những bức tranh đó, tôi luôn tin tưởng vào điều mình làm.

Chủ đề tranh của tôi cũng đa dạng. Có những bức tranh kể về câu chuyện tình yêu, mà chuyện tình yêu thì không thể ngắn. Có những bức tranh lại kể cho độc giả và người xem nghe những câu chuyện của bản thân tôi, về những gì đã xảy ra trong cuộc đời tôi.

The Dream of the Apocalypse- tác phẩm của Henrik Platcht hiện nằm trong tay một nhà sưu tập Việt Nam.

Vẽ tranh đôi khi là một ván cờ mở giữa bản thân tôi và chính bức họa của mình, tôi để mọi sự diễn ra thật tự nhiên, tới đâu mình sẽ điều chỉnh theo đó.

Với tôi, điều quan trọng nhất là các bức vẽ của mình phải gắn với thời đại chúng ta đang sống, phải đề cập tới những chủ đề đương đại như chính trị, môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học, lịch sử và mối quan hệ giữa con người chúng ta với nhau. Tôi muốn những câu chuyện được kể qua tranh của mình phải có giá trị giải trí lâu dài. Vì vậy, tôi đặt ra cho mình những chuẩn mực rất cao. Tranh của tôi phải làm tôi mãn nhãn trước đã.

Anh đã đi nhiều nước trong đó có cả những nước châu Á… Lý do nào đưa anh đến Việt Nam?

Tôi rất tò mò về Việt Nam vì ông ngoại tôi đã từng làm việc ở đây trong thập kỷ 60. Trong thời gian chiến tranh, ông tôi đã đến Việt Nam rất nhiều lần để trao cho Việt Nam các khoản viện trợ từ Na Uy, chủ yếu là nhu yếu phẩm y tế. Ông cũng đã từng thành lập Ủy ban Hữu nghị Việt Nam-Na Uy thời đó. Ông tôi yêu Việt Nam cho tới tận những ngày cuối đời.

Ông ngoại Ivar Brennmo của Henrik, trong một chuyến cứu trợ ở Việt Nam những năm 1960

Tôi đến Việt Nam lần đầu năm 2017 và cảm mến với đất nước này theo mọi cách mà ông tôi đã từng cảm nhận.  Lần đầu tiên hạ cánh xuống TP Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy như đang ở nhà, chưa bao giờ tôi có cảm giác như vậy.

Trong suốt 2 năm qua, tôi đã tới nhiều thành phố ở Việt Nam. Càng đi nhiều, tôi càng yêu Việt Nam hơn, yêu những con người nồng ấm, nhân hậu, ngọt ngào, yêu thiên nhiên tươi đẹp và đồ ăn tuyệt vời. Trên tất cả là nền văn hóa và lịch sử của các bạn. Tôi rất may mắn vì đã được gặp nhiều người mạnh mẽ và truyền cảm hứng.

Anh đang tham gia giảng dạy nghệ thuật ở Việt Nam. Anh thấy các bạn sinh viên Việt Nam học nghệ thuật như thế nào?

Tôi đã và đang dạy tại Khoa Mỹ thuật, Đại học Sài gòn.  Thật tuyệt khi được làm việc với các bạn sinh viên Việt Nam.  Các em rất có tài, thông minh và ham hiểu biết. Các em rất khát khao tri thức, ham học hỏi và sẵn sàng đón nhận thông tin.

Henrik và các sinh viên tại TP HCM

Na Uy giáo dục nghệ thuật theo phong cách châu Âu, tiên tiến và đương đại. Trong khi đó cách tiếp cận của Việt Nam vẫn mang tính truyền thống. Mặc dù có những nét đặc sắc nhất định, nhưng cách tiếp cận này đã hơi cũ. Tuy nhiên, theo tôi, hệ thống đào tạo của Việt Nam rất có tiềm năng thích ứng và thay đổi cho phù hợp với thời đại, và để ngành nghệ thuật của các bạn phát triển phù hợp với nghệ thuật đương đại quốc tế. Có nhiều điều để hy vọng về Việt Nam, nhưng sẽ có nhiều việc cần làm.

Tương lai của ngành nghệ thuật Việt Nam phụ thuộc vào thế hệ sinh viên và các nghệ sĩ trẻ hiện nay. Đó là lý do tôi luôn khuyến khích các sinh viên của mình phải học tập và làm việc chăm chỉ, theo đuổi đam mê, và làm những gì mình muốn. Không có gì là không thể, nên đừng để ai nói với bạn rằng bạn có thể hoặc không thể làm được điều gì đó. Nếu có ước mơ, hãy theo đuổi nó và biến nó thành sự thật.

Vậy, kế hoạch sắp tới của anh ở Việt Nam là gì?

Tôi có rất nhiều dự định cho bản thân, cho các sinh viên và với cả ngành mỹ thuật của Việt Nam.

Hiện tại tôi chưa sống cố định ở Việt Nam. Đây là lần thứ 6 tôi sang đây trong 2 năm qua, nhưng tôi rất mong được sống lâu dài ở Việt Nam. Tôi thấy mình làm việc rất dễ và hiệu quả ở đây. Việt Nam là nơi tôi cho ra đời những tác phẩm màu nước và những bức phác họa đẹp nhất của mình.

Tôi cũng đang có kế hoạch tổ chức một buổi triển lãm tranh của riêng mình ở TP Hồ Chí Minh. Tôi đã trao đổi với một số người và hiện giờ nhiệm vụ của tôi là sáng tác và tìm địa điểm cũng như thời gian phù hợp. Triển lãm này là món quà tôi muốn dành tặng riêng cho TP Hồ Chí Minh và người dân thành phố. Tôi cũng muốn tổ chức những hội thảo, những buổi nói chuyện và những hoạt động thú vị để gặp gỡ, chia sẻ và hiểu biết mọi người. Buổi trò chuyện đầu tiên của tôi sẽ được tổ chức vào ngày 7/5 sắp tới tại Salon Saigon.

Tôi cũng mong muốn trở thành cầu nối để đưa các sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài. Tôi sẽ cùng với mạng lưới của mình ở châu Âu tìm kiếm học bổng hoặc tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên để các em sinh viên và các nghệ sĩ trong nước có cơ hội tới học tập ở châu Âu. Tôi rất thích làm việc và cộng tác với các nghệ sĩ tài ba của Việt Nam.

Một mơ ước dài hơi hơn và tham vọng hơn của tôi là tạo dựng không gian nghệ thuật cho Bảo tàng Hà Nội. Tôi đã đọc và nghe nói nhiều về việc Bảo tàng này đã bị lãng phí trong suốt 10 năm qua. Thật đáng tiếc. Mọi người xứng đáng được thưởng thức các triển lãm nghệ thuật và Viện bảo tàng phải là nơi tạo ra không gian nghệ thuật đó. Tất nhiên, điều này không thể được thực hiện ngày một ngày hai, song đã đến lúc chúng ta phải làm gì đó. Dù có nhiều việc phải làm, song một khi chúng ta đã muốn, chúng ta sẽ tìm ra cách.

Tôi tin rằng ông ngoại tôi sẽ rất vui và tự hào về những gì tôi đang và sẽ làm để tiếp tục câu chuyện Việt Nam của ông.

 

Họa sĩ Henrik Placht


Sinh năm 1973 ở Oslo. Tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Bergen, Na Uy và Học viện Mỹ thuật Berlin, Weissensse. Đã tới nhiều nước châu Á trong đó có Triều Tiên, Palestine, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam.

Các tác phẩm của Henrik Placht đã được triển lãm ở Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha, Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, Jordan, Palestine/Israel và Na Uy và cũng đã có mặt trong một số bộ sưu tập nổi tiếng nhất thế giới (như Bảo tàng Astrup Fearnley), cũng như các bộ sưu tập tư nhân và nhà nước ở Na Uy, Thụy Điển, Đức, Mỹ, Jordan, Đan Mạch, Việt Nam và Ả Rập Saudi.

Anh hiện là một giảng viên và giáo sư thỉnh giảng tại một số học viện và trường đại học ở Châu Âu, Trung Đông và Hoa Kỳ. Anh cũng là một doanh nhân xã hội và một người xây dựng tổ chức. Một trong những thành tựu của anh là thành lập Học viện Nghệ thuật Quốc tế Palestine IAAP do anh khởi xướng vào năm 2002.

Henrik hiện đang giảng dạy mỹ thuật tại Đại học Sài gòn. Buổi nói chuyện đầu tiên của anh tại Việt Nam về nghệ thuật được tổ chức tại Salon Saigon, 7:00 tối ngày 7/5.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Họa sĩ Việt mong được tặng bức tranh cho 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều
Họa sĩ Việt mong được tặng bức tranh cho 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều

VOV.VN - Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên sắp diễn ra, họa sĩ Trần Lâm Bình đã vẽ chân dung 2 nhà lãnh đạo với mong muốn hòa bình thế giới.

Họa sĩ Việt mong được tặng bức tranh cho 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều

Họa sĩ Việt mong được tặng bức tranh cho 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều

VOV.VN - Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên sắp diễn ra, họa sĩ Trần Lâm Bình đã vẽ chân dung 2 nhà lãnh đạo với mong muốn hòa bình thế giới.

Họa sĩ Văn Dương Thành trình làng bộ tranh “Hồng hạc với thiên nhiên“
Họa sĩ Văn Dương Thành trình làng bộ tranh “Hồng hạc với thiên nhiên“

VOV.VN -Bộ tranh "Hồng hạc với thiên nhiên" đã đánh dấu sự trở lại của nữ họa sĩ Văn Dương Thành trong triển lãm mỹ thuật Việt - Hàn: "Vision in Harmony". 

Họa sĩ Văn Dương Thành trình làng bộ tranh “Hồng hạc với thiên nhiên“

Họa sĩ Văn Dương Thành trình làng bộ tranh “Hồng hạc với thiên nhiên“

VOV.VN -Bộ tranh "Hồng hạc với thiên nhiên" đã đánh dấu sự trở lại của nữ họa sĩ Văn Dương Thành trong triển lãm mỹ thuật Việt - Hàn: "Vision in Harmony". 

Khắc họa ký ức về Hà Nội qua tranh vẽ của họa sĩ Vũ Bích Thủy
Khắc họa ký ức về Hà Nội qua tranh vẽ của họa sĩ Vũ Bích Thủy

VOV.VN - Lễ khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Vũ Bích Thủy với chủ đề “Ngoài cửa sổ” đã diễn ra chiều 18/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

Khắc họa ký ức về Hà Nội qua tranh vẽ của họa sĩ Vũ Bích Thủy

Khắc họa ký ức về Hà Nội qua tranh vẽ của họa sĩ Vũ Bích Thủy

VOV.VN - Lễ khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Vũ Bích Thủy với chủ đề “Ngoài cửa sổ” đã diễn ra chiều 18/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.