Hoài Linh gửi đơn mong được giữ lại nhà thờ tổ nghiệp
Nghệ sĩ hài Hoài Linh đã có đơn gửi UBND quận 9 với mong muốn giữ lại công trình nhà thờ tổ.
Sau khi công trình nhà thờ tổ ở phường Long Phước, quận 9, TP HCM bị đình chỉ, nghệ sĩ Hoài Linh đã có đơn gửi UBND quận 9 với mong muốn giữ lại công trình để phục vụ nghệ sĩ lẫn người dân yêu nghệ thuật.
Bên trong khu nhà thờ tổ do nghệ sĩ Hoài Linh tổ chức xây dựng - Ảnh: Trung Hiếu |
Danh hài này viết: “Nhiều năm dài trong quá trình đi diễn, tôi tích lũy được số vốn và hy sinh tất cả việc gia đình, con cái để đeo đuổi cái nghề. Tôi hy sinh tất cả cuộc đời cho sự nghiệp để bà con công chúng được vui.
Cuộc đời cô đơn của tôi sống chỉ làm sao cho bà con được vui là tôi cảm thấy hạnh phúc. Nếu tổ nghiệp cho tôi cái gì thì tôi sẽ trả hết để có chỗ thờ cúng theo tâm linh ông tổ sân khấu. Làm nghề 18 năm, lúc nào lòng tôi cũng hướng tới tổ nghiệp và đó cũng là niềm mơ ước của anh em nghệ sĩ”.
Hình ảnh nhà thờ Tổ đã dừng thi công của nghệ sĩ hài Hoài Linh
Do đó vào năm 2011, các nghệ sĩ rất vui mừng và hạnh phúc khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định chọn ngày 12/8 âm lịch hằng năm là ngày sân khấu Việt Nam. Anh em nghệ sĩ ước mơ có một nơi thờ cúng ông tổ của nghề nhưng chưa có điều kiện làm.
“Hiện tôi đang thực hiện ước mơ xây dựng nhà tổ sân khấu tại phường Long Phước với mục đích có chỗ ổn định thờ cúng ông tổ. Công trình này là nhà gỗ, không xây đúc kiên cố và cũng phù hợp với điều kiện sinh thái ở địa phương. Tôi mong muốn UBND quận 9 xem xét cho được tồn tại công trình này để phục vụ cho nghệ sĩ”, nghệ sĩ Hoài Linh viết.
Hoài Linh cho biết thêm hiện công trình đã hoàn thành gần xong. Công trình này thể hiện ước mơ bao đời của nghệ sĩ cũng như góp vui cho bà con phường Long Phước, góp phần phát triển địa phương. Anh cũng cam kết xin chuyển mục đích sử dụng phần diện tích đất trong khuôn viên theo đúng quy định.
Nếu được tồn tại mới tính đến chuyện nộp phạt 40% giá trị công trình”
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận 9 cho hay theo quy định, muốn xin phép xây dựng thì khu đất của nghệ sĩ Hoài Linh phải được chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở. Việc chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch.
Vị trí mà nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh xây dựng nằm trong quy hoạch đất nông nghiệp kết hợp với nhà ở kinh tế vườn nên chỉ cho phép chuyển đổi 10% diện tích sang đất nhà ở. Với quy định này, nghệ sĩ Hoài Linh chỉ được chuyển đổi 700 m2 sang đất ở trong tổng số 7.000 m2 đất nông nghiệp đang có và mật độ xây dựng sẽ thấp hơn con số 700 m2.
Theo ông Tuấn Anh, sau khi đình chỉ và xử phạt, UBND quận 9 sẽ xem xét công trình của nghệ sĩ Hoài Linh có đủ điều kiện tồn tại hay không. Việc xem xét này chỉ áp dụng đối với những công trình đang được xây dựng.
Còn công trình đã xây dựng xong và vào ở rồi thì không thuộc diện xem xét cho tồn tại nữa. Trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh thuộc trường hợp đình chỉ và cho phép làm thủ tục xin phép xây dựng. Trong vòng 60 ngày, chủ công trình phải hoàn chỉnh hồ sơ để xin phép xây dựng.
“Bây giờ chủ công trình phải làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất, xác định được phần đất chuyển mục đích nằm ở đâu trong khu đất, diện tích bao nhiêu m2, phù hợp với quy hoạch không… thì mới xem xét cho tồn tại công trình. Còn trong quá trình thụ lý xét thấy không đủ điều kiện, không đảm bảo được diện tích phù hợp quy hoạch thì không ra được diện tích đất ở, lúc đó công trình không thể tồn tại được”, ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Tuấn Anh, khoản 9, điều 13 của Nghị định 121 quy định về việc cho tồn tại công trình xây dựng trái phép. Theo đó, nếu công trình sau khi đã được xem xét nếu đủ điều kiện tồn tại, cơ quan chức năng sẽ tính ra giá trị xây dựng, xây lắp của công trình, sau đó chủ công trình nộp phạt 40% giá trị toàn bộ công trình.
“Nếu công trình đủ điều kiện tồn tại thì mới tính đến chuyện nộp phạt 40% chứ không phải nộp phạt để công trình được tồn tại. Hai việc này khác nhau hoàn toàn. Hiện cơ quan chức năng quận 9 đang bắt đầu thụ lý hồ sơ vụ việc nên chưa phát biểu gì được”, ông Tuấn Anh nói./.