Học nấu ăn ẩm thực phố cổ Hội An

Về Hội An, cùng học nấu các món ẩm thực phố cổ là cách mà nhiều du khách có thể tận hưởng hương vị đặc sắc của một vùng đất.

Từ một giờ học nấu ăn

Chừng 8h sáng, mọi người cùng theo cô chủ của nhà hàng Du Thuyền - Trịnh Diễm Vy đi bộ xuống chợ Hội An mua sắm. Một mớ rau, một cọng hành, những con cá, con mực và cả những vật dụng cần thiết cho môn học nấu các món ẩm thực phố cổ diễn ra vào lúc 9h30.

Chị Catherine Laura, du khách đến từ Pháp thật sự thích thú khi hoà vào dòng người đông đúc bán mua. Chị nói: “Bắt đầu cho buổi học bằng cách đi chợ khiến chúng tôi phấn khích thực sự. Cô Diễm Vy hướng dẫn cho chúng tôi mua những sợi mì về làm món Cao lầu. Cái tên hay thật !”.

Trịnh Diễm Vy ...

và các du khách nước ngoài trong lớp học nấu ăn
Trong căn phòng ngập ánh đèn vàng, mọi người bày biện tất cả các món hàng mua được rồi ngồi vào hàng ghế theo dõi đầu bếp Diễm Vy bắt đầu thao tác và giải thích cặn kẽ từng chi tiết. Cao lầu là món ăn kết hợp nhiều hương vị. Từ rau thơm Trà quế, thân mảnh, mùi thơm mạnh; thịt heo (thịt lợn) xíu, nước xíu thịt và sợi mì Cao lầu. 

Sợi mì to bằng sợi phở, nhưng dày, dẻo giòn và có màu vàng. Người Hội An làm sợi Cao lầu khá công phu. Gạo ngâm thứ nước tro lọc lấy từ đảo Cù Lao Chàm vừa đủ độ, bột gạo xay xong đem trộn với nước giếng Ba Lễ, thứ nước giếng không có độ phèn để sợi cao lầu không chua, không ôi mà vẫn dẻo giòn.

Theo đầu bếp Diễm Vy, cái hồn của ẩm thực Hội An là rau sống, nó tạo nên hương vị rất riêng cho mỗi món ăn. Ăn mì Quảng, Cao lầu, bánh xèo mà không có rau sống thì thật vô vị. Như thế, từng món ăn tại Hội An đã có sự hài hoà, giao thoa giữa thói quen, tập quán của nhiều nền văn hoá. Thêm vào đó, tính khoa học cũng rất cao, đó là kinh nghiệm dân gian được tích luỹ qua nhiều thế hệ, làm nên hương sắc cho cả một vùng.

 
 

Trực tiếp cắt những miếng thịt heo xíu bày trên tô mì Cao lầu rồi cùng ăn với nhóm học, anh Marcel Branch đến từ Canada bày tỏ cảm xúc: “Lần đầu tiên trong đời tôi tự tay chế biến và tận hưởng thành quả của mình. Món này ấn tượng vì nhiều thứ kết hợp, vị thơm lạ. Đúng là Hội An có nhiều cái hay mà qua buổi học tôi mới hiểu thêm !”.

Đến niềm đam mê ẩm thực

Năm nay 38 tuổi, Trịnh Diễm Vy có 1 khách sạn và 4 nhà hàng ẩm thực nằm trong phố cổ. 20 năm qua, chị đã gắn bó với nghề nấu ăn, đi chợ; mọi thứ đều được tìm hiểu rồi ghi chép cẩn thận vào sổ tay để có thể mở lớp dạy nấu ăn cho du khách trong gần 10 năm nay. Để phục vụ du khách đến từ các nước, Trịnh Diễm Vy đã tự tìm tòi, học cách nấu qua sách vở rồi học hỏi trực tiếp từ chính khách hàng của mình.

 

Du khách thưởng thức món ăn trong nhà hàng Du Thuyền
Chị nói: “Ẩm thực mang tính hội nhập rất cao, vì thế, mọi người đến từ bất cứ đâu đều rất thích thú khi được truyền đạt lại kinh nghiệm nấu ăn cho người khác. Học qua sách vở không thể bằng cách học trực tiếp với khách hàng”.

Nhờ đó, chị dạy nấu ăn từ món mì Udon của Nhật Bản, mì sợi Ý cho đến Cao lầu, mì Quảng, hoành thánh, mực nướng, cá nướng… của Hội An. 3 năm gần đây, Trịnh Diễm Vy còn mở cả lớp đào tạo ẩm thực và viết sách dạy nấu ăn. Hiện chị đang chuẩn bị xuất bản một cuốn sách về ẩm thực Morning Glory, bản tiếng Anh. Chị tâm sự: “Trước hết, mình phải đam mê nghề, chính niềm đam mê đó sẽ truyền qua du khách để họ thích thú và bất ngờ trước cách thức chế biến và cả những giá trị văn hoá tiềm ẩn trong từng món. Tới đây, tôi sẽ mở một Trường dạy nấu ăn và một khu Trung tâm ẩm thực miền Trung tại Hội An để phát triển mạnh hơn, chất lượng hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên