Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên
VOV.VN - Các tác phẩm tượng gỗ lột tả được nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc, miêu tả sinh động đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên.
Nằm trong chuỗi các sự kiện "Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6", sáng nay (10/3), tại khu du lịch Buôn Kô Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, khai mạc "Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên". Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân đã đến dự.
Mặc dù sáng nay "Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên" mới khai mạc, nhưng từ 2 ngày trước các nghệ nhân đã bước vào cuộc thi. Năm nay, số nghệ nhân tham gia đông nhất từ trước đến nay với hơn 70 người đến từ các buôn làng của các tỉnh Tây Nguyên, Khánh Hòa và Quảng Nam.
Nghệ nhân tạc tượng gỗ. |
Hội thi là dịp để các nghệ nhân phô diễn tài năng dùng các loại dụng cụ thô sơ như: rìu, đục, dao, rựa, búa ... để tạc lên một khúc gỗ tròn thành các bức tượng dân gian gắn liền với các nét văn hóa của người Tây Nguyên. Qua đó, góp phần bảo tồn duy trì các nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa dân gian của các dân tộc nơi đây.
Tham gia hội thi, nghệ nhân Y Ân Buôn Já, ở xã Nghĩa Trung, thị xã Gia Ngĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, ngoài việc giao lưu thì đây cũng là dịp để học hỏi kinh nghiệm tạc tượng gỗ dân gian của các nghệ nhân lớn tuổi.
Nghệ nhân Y Ân Buôn Já cho biết: "Bức tượng của tôi có tên là "Gió trúc bẻ măng", nó mang ý nghĩa là người dân M'nông thân thiện với thiên nhiên, yêu chuộng thiên nhiên. Tôi muốn tạo sự khác biệt đối với các bức tượng của các nghệ nhân khác, hình ảnh tôi muốn tạo là con người lúc nào cũng rất gần gũi với thiên nhiên. Đến với cuộc thi, tôi muốn học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nghệ nhân lớn tuổi để nâng cao kiến thức trong tạc tượng gỗ, để có thể lưu giữ nghề tạc tượng gỗ dân gian không bị mai một".
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trao kỷ niệm chương cho các nghệ nhân |
Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm năm nay có chất lượng khá cao, lột tả được nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ, miêu tả sinh động đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên trong lao động sản xuất, trong các dịp lễ hội; góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên.
Sau khi kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo sẽ lựa chọn các tác phẩm suất sắc để tham gia dự thi giải điêu khắc gỗ toàn quốc, một số tác phẩm đoạt giải cũng sẽ được đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk./.