Hơn 1000 nghệ nhân, diễn viên tham gia Ngày hội VH các dân tộc Tây Bắc
VOV.VN - Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV sẽ diễn ra tại tỉnh Sơn La trong 3 ngày từ 18 - 20/8 tới đây.
Ngày hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND 7 tỉnh vùng Tây Bắc là: Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ tổ chức. Mọi công tác chuẩn bị hiện đang được tỉnh Sơn La – đơn vị đăng cai gấp rút triển khai, đảm bảo tổ chức Ngày hội mang tính thống nhất, khoa học, linh hoạt, với mục tiêu hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết.
Ngày 13/8/2019, ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV chủ trì Họp báo giới thiệu về Ngày hội. |
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV dự kiến sẽ có trên 1.000 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên quần chúng là đồng bào các dân tộc 7 tỉnh là Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ tham gia.
Ngày hội là hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em; là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ đổi mới của đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Công tác tuyên truyền, quảng bá về Ngày hội đang được tỉnh Sơn La - đơn vị đăng cai gấp rút triển khai |
Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: Hiện các chương trình tham gia Ngày hội đang được các địa phương trong vùng chuẩn bị chu đáo, luyện tập dàn dựng công phu, nội dung có chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của các dân tộc vùng Tây Bắc; tổ chức hoạt động mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với các yếu tố tiến bộ của thời đại; đồng thời, gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quản bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh tham gia Ngày hội.
"Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc sẽ thể hiện nền văn hóa của các dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, Mông, Kháng… và nhiều dân tộc khác ở 7 tỉnh vùng Tây Bắc, từ Phú Thọ, Yên Bái, Lao Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… Kỳ vọng là chuyển tải được các sắc màu văn hóa đa dạng đến với đồng bào và nhân dân để mọi người cùng chú ý bảo tồn, phát huy và chúng ta không thể và không được đánh mất các sắc màu văn hóa đa dạng, tốt đẹp đó trong thời kỳ hội nhập hiện nay", ông Hùng nói.
Các môn thể thao truyền thống, cùng sắc màu văn hóa dân tộc đặc sắc luôn được các tỉnh vùng Tây Bắc chú trọng bảo tồn, phát huy. |
Trong khuôn khổ Ngày hội, sẽ diễn ra nhiều hoạt động, như: Triển lãm ảnh nghệ thuật về văn hóa – du lịch với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”; Triển lãm cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc; Trại văn hóa trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, nghề truyền thống, trang phục, nông cụ trong lao động, các vật dụng trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc vùng Tây Bắc; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương; các hoạt động thể thao, thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng; Liên hoan văn nghệ quần chúng các dân tộc vùng Tây Bắc; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; Trình diễn trang phục dân tộc vùng Tây Bắc…./.