Tháo gỡ thủ tục để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

VOV.VN - Nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nền kinh tế hồi phục nhanh, phát triển bền vững, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01. Trong đó có nội dung mà doanh nghiệp TP.HCM rất quan tâm là cải thiện môi trường kinh doanh.

Nghị quyết này góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Tháo gỡ những quy định chồng chéo 

Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023 được doanh nghiệp tại TP.HCM kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp cũng cho rằng, đây là cơ sở để các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, năm 2022 là năm khó khăn, khắc nghiệt nhất của thị trường bất động sản, nguồn cung nhà chưa bằng 1/3 so với năm 2017. Trong đó, vướng mắc nhiều nhất của doanh nghiệp liên quan đến pháp lý (chiếm đến 70%). Những quy định về hệ số xây dựng và giảm thuế đối với các dự án nhà ở xã hội giữa các luật chồng chéo nhau.

Cụ thể, Luật Nhà ở ưu đãi cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT) 50%. Tuy nhiên, trong Luật Quản lý thuế không quy định điều này. Chính vì vậy, Cục Thuế Thành phố không dám vận  dụng và khi doanh nghiệp áp dụng thì bị phạt. Còn trong Luật Xây dựng và Luật Nhà ở thì cũng quy định khác nhau về mật độ xây dựng dự án nhà ở xã hội, làm cho doanh nghiệp khó thực hiện.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành cho rằng, Chính phủ đang đề ra mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Và doanh nghiệp này có dự án triển khai 5 năm chưa xong do thủ tục hành chính kéo dài. Ông Nghĩa hy vọng khi thực hiện Nghị quyết 01, Thành phố sẽ quy định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp.

"Một dự án được phê duyệt, ví dụ như Sở Quy hoạch xin ý kiến của các quận, huyện, sở ngành khác thì cần quy định trong vòng 5-10 ngày nếu cơ quan được hỏi không trả lời xem như là đồng thuận để cơ quan kia duyệt hồ sơ cho chúng tôi. Vì hiện nay, dự án của chúng tôi chưa vào bước 1 là đã có gần 50 văn bản liên quan, một câu chuyện kinh hoàng, thực tế là có khi sở này có văn bản hỏi ý kiến sở kia để giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp nhiều khi 4-5 tháng vẫn chưa thấy văn bản trả lời" - ông Nghĩa bày tỏ.

Về vấn đề các luật chồng chéo nhau gây khó khăn cho người thực thi và doanh nghiệp, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, khi quy định pháp luật chồng chéo nhau thì cần có văn bản hướng dẫn, tích hợp các nội dung vào văn bản này để dễ thực hiện.

Còn về việc vận dụng Nghị quyết 01 để cải thiện môi trường kinh doanh thì Tiến sĩ Lộc cho rằng: "Việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ là 1 mục trong số nhiều mục và Nghị quyết 01  không nói cụ thể.

Tuy nhiên, có dẫn chiếu Nghị quyết Nâng cao năng lực cạnh và cải thiện môi trường kinh doanh của năm ngoái của Chính phủ. Căn cứ vào chỉ số của năm ngoái thì chúng ta đưa từ đó ra thực hiện. Tôi rất mong những năm sau khi ra Nghị quyết thì Chính phủ ghi đầy đủ các yêu cầu về cải thiện môi trường về kinh doanh, yêu cầu cải cách. Trong Nghị quyết 01 mà bao gồm cả các chỉ số, yêu cầu cụ thể, đó là cách tốt nhất để thực hiện cải cách".

Lãi suất cho vay vẫn là rào cản đầu tư

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nguồn vốn. Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay, gói hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi giảm 2%/năm chưa có nhiều doanh nghiệp được hưởng. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng cho vay đang cao, một số doanh nghiệp phải vay với lãi suất 14-15%/năm.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nếu doanh nghiệp vay với lãi suất 15-16%/năm thì không thể sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận. Doanh nghiệp cho rằng, thời gian qua ngân hàng lợi nhuận khá tốt, cần chia sẻ khó khăn, rủi ro với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, nên giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị: "Nếu lãi suất cho vay trên 10% /năm thì doanh nghiệp không có cửa và có đường để đầu tư. Làm sao kéo lãi suất cho vay xuống, lãi suất cho vay dài hạn để đầu tư sản xuất, kinh doanh dài hạn trên 10%/năm thì doanh nghiệp rất khó khăn. Chúng ta nên có lộ trình, từ nay đến trong vòng 6 tháng kéo giảm lãi suất suất cho vay xuống ở mức 10% thì mới kích hoạt được đầu đầu tư".

Về vốn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh TP.HCM sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn. Đó là, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân; tiếp tục kết nối ngân hàng và doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm gắn việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% với các lĩnh vực ưu tiên như: xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm: "Chúng tôi tăng cường nâng cao hiệu quản quản lý Nhà nước về thanh tra, giám sát để đảm bảo các gói hỗ trợ, chương trình tín dụng này được triển khai hiệu quả, minh bạch, đúng địa chỉ. Đồng thời, chúng tôi tăng cường chương trình Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để triển khai, tuyên truyền các chính sách và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".

Dự báo, kinh tế trong nước và thế giới sẽ còn nhiều khó khăn. Với tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp TP.HCM rất cần Chính phủ, Thành phố và các cơ quan chức năng có những giải pháp đột phá hơn trong cải cách thủ tục hành chính, thể chế pháp luật. Đồng thời có những hỗ trợ cụ thể, thiết thực, tạo thêm nguồn lực để doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng tốt trong năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải quyết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không quá 01 ngày làm việc
Giải quyết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không quá 01 ngày làm việc

VOV.VN - BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Giải quyết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không quá 01 ngày làm việc

Giải quyết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không quá 01 ngày làm việc

VOV.VN - BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Nghị quyết 01 của Chính phủ về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018
Nghị quyết 01 của Chính phủ về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán NSNN năm 2018.

Nghị quyết 01 của Chính phủ về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018

Nghị quyết 01 của Chính phủ về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán NSNN năm 2018.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% khó tiếp cận, doanh nghiệp đành "buông"
Gói hỗ trợ lãi suất 2% khó tiếp cận, doanh nghiệp đành "buông"

VOV.VN - Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, thực tế giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất này hiện đang rất chậm.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% khó tiếp cận, doanh nghiệp đành "buông"

Gói hỗ trợ lãi suất 2% khó tiếp cận, doanh nghiệp đành "buông"

VOV.VN - Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, thực tế giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất này hiện đang rất chậm.

255 doanh nghiệp ở Bình Dương hoạt động trở lại sau Tết
255 doanh nghiệp ở Bình Dương hoạt động trở lại sau Tết

VOV.VN - Hơn 37.000 lao động, của 255 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đã có mặt làm việc sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.    

255 doanh nghiệp ở Bình Dương hoạt động trở lại sau Tết

255 doanh nghiệp ở Bình Dương hoạt động trở lại sau Tết

VOV.VN - Hơn 37.000 lao động, của 255 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đã có mặt làm việc sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.    

Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023
Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023

VOV.VN - Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính vừa đề xuất hàng loạt các giải pháp về thuế, phí trong năm 2023.

Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023

Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023

VOV.VN - Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính vừa đề xuất hàng loạt các giải pháp về thuế, phí trong năm 2023.