Khai Hội chùa Hương Kỷ Sửu

Ngay trong ngày khai hội mồng 6 Tết Kỷ Sửu (31/1) có khoảng hơn 6 vạn lượt khách trẩy hội.

Sáng mồng 6 Tết Kỷ Sửu (tức ngày 31/1), Lễ hội Chùa Hương đã chính thức khai mạc tại sân Thiên Trù trong quần thể di tích – thắng cảnh Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Dự lễ khai hội có Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương cùng hàng nghìn phật tử, du khách.
 
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn, kéo dài nhất trong năm, thu hút đông đảo người dân Thủ đô và cả nước.
 
Lễ hội chùa Hương không những có ý nghĩa tâm linh mà còn là dịp tìm về với cội nguồn, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, bà nói, vì vậy mỗi người dân, mỗi du khách trẩy hội chùa Hương hãy góp phần giữ gìn di tích cảnh quan môi trường để khu di tích – thắng cảnh Hương Sơn phát triển bền vững.
 
Sau lễ khai mạc, lãnh đạo chính quyền thành phố và địa phương cùng các tăng ni phật tử đã làm lễ dâng hương cầu cho quốc thái dân an.

Chùa Hương ngày khai hội

Mặc dù ngày mồng 6 Tết Lễ hội chùa Hương mới chính thức khai mạc nhưng ngay từ mồng 2 Tết, phật tử và du khách trong cả nước đã trẩy hội rất đông. Đặc biệt, từ sáng sớm ngày mồng 6 Tết, lượng khách trẩy hội chùa Hương tăng đột biến, cao điểm tập trung vào thời điểm từ 3 đến 7 giờ sáng nên mặc dù Ban tổ chức Lễ hội đã tiến hành phân luồng, tổ chức giao thông nhưng vẫn xảy ra nghẽn đường cục bộ, nhất là đoạn cầu Hội qua suối Yến. 
 
Để mùa lễ hội chùa Hương 2009 diễn ra tốt đẹp và đảm bảo giao thông thông suốt từ Hà Đông vào chùa Hương, ngay từ trước Tết, Thanh tra giao thông công chính đã giải tỏa các hàng quán lấn chiếm hành lang quốc lộ 21B. Tại tuyến đường đi qua các xã thuộc huyện Mỹ Đức, Sở Giao thông Vận tải đã cắm bổ sung biển báo giao thông, làm thêm 10 điểm gờ giảm tốc, sơn kẻ 1.000m phân  định  tim  đường. Đồng  thời, huyện Mỹ Đức cũng thành lập tổ quản lý quy hoạch dịch vụ, tuyệt đối không bố trí dịch vụ kinh doanh ở các khu vực như đoạn đường từ Bến Trò lên nhà bia, đoạn đường đã xây lan can, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích, nội tự các chùa, động trong khu di tích-thắng cảnh Hương Sơn.

Theo Ban tổ chức, toàn bộ lực lượng tham gia công tác phục vụ tổ chức lễ hội năm nay lên tới 600 người, với phạm vi quản lý khoảng 28km2 trên 3 tuyến Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn; có 3.700 con đò với 5.000 người lái chở khách trên các dòng suối. Tất cả 4.200 chủ đò đều phải tham gia khóa tập huấn 12 ngày và được cấp giấy chứng nhận học tập Luật Giao thông đường thủy nội địa. Các phương tiện tham gia vận chuyển khách trên suối đều phải gắn biển số, lái đò đeo số phù hiệu. Ban tổ chức cũng tổ chức hai xuồng thanh tra giao thông thường xuyên đi kiểm tra để bảo đảm an toàn cho du khách và kiểm tra tình trạng ép giá; kiên quyết dẹp bỏ chuyện đón khách, chào mời khách trên đường đi vào chùa Hương.

Để tránh nạn chèo kéo, môi giới và lừa đảo, gây phiền hà cho khách du lịch, Ban tổ chức cũng thông báo cụ thể về giá của những loại vé thắng cảnh và phí gửi phương tiện như vé thắng cảnh: 30.000 đồng/người bao gồm phí bảo hiểm; vé xuống đò tuyến Hương Tích: 25.000 đồng/người; vé tuyến Tuyết Sơn: 15.000 đồng/người. Phí trông giữ phương tiện: ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống: 15.000 đồng/ngày - 30.000 đồng/đêm; xe ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên: 20.000 đồng/ngày - 40.000 đồng/đêm; xe máy: 2.000 đồng/ngày - 3.000 đồng/đêm.

Hơn 3.700 đò chở khách theo các dòng suối đều được trang bị một giỏ đựng rác ngay trên đò nên đã hạn chế được việc vứt rác bừa bãi xuống suối. Ban tổ chức cũng tổ chức 4 đò thường xuyên đi vớt rác nên suối Yến luôn giữ được sạch sẽ.
 
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Dự kiến, Lễ hội chùa Hương năm nay sẽ thu hút khoảng 1,4 triệu lượt khách tham quan. Ngay trong ngày mồng 6 khai hội đã có khoảng hơn 6 vạn lượt khách trẩy hội, còn lượng khách từ ngay sau Tết đến trước ngày khai hội là 8,2 vạn người.
 
Được biết, đêm 18/1 âm lịch (đêm Khánh Đản), tại sân Thiên Trù sẽ ra mắt DVD Hương Sơn ca với sự tham gia của các ca sỹ Mỹ Linh, Minh Anh – Minh Ánh, nhạc sĩ Anh Quân, Tô Vũ, Trần Mạnh Tuấn. Sẽ có hoạt động phóng đăng tại suối Yến với sự tham gia của hơn 1000 phật tử. Đây là điểm nhấn mùa lễ hội chùa Hương năm nay./.

* Cùng ngày hôm nay, tại đền thờ Hai Bà Trưng (xã Mê Linh), UBND huyện Mê Linh tổ chức trọng thể Lễ hội đền Hai Bà Trưng. Lễ hội đền Sóc tưởng nhớ công đức vị Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) cũng được UBND huyện Sóc Sơn khai mạc tại đền Sóc, xã Phù Ninh vào 8h ngày mùng 6 tháng Giêng Kỷ Sửu.

Cũng trong ngày, hôm nay, du khách và nhân dân Thủ đô có dịp tìm hiểu về lịch sử nước Việt thời An Dương Vương xây thành, đắp lũy tại Lễ hội đền Cổ Loa, xã Cổ Loa do Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ và UBND huyện Đông Anh phối hợp thực hiện.

Tại các lễ hội này, sau lễ dâng hương là các nghi lễ văn hóa truyền thống và các hoạt động vui chơi, giải trí hữu ích như thi nấu cơm, bắn nỏ, đấu cờ tướng, cờ người…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên