Khi các sàn diễn thời trang chuyển sang châu Á

Câu chuyện về những ngôi sao châu Á được mời tham dự các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới đã bước sang một chương mới khi mà các hãng thời trang danh tiếng mang những buổi trình diễn của mình tới châu Á.

Điểm đến châu Á 

Với niềm đam mê dành cho những thương hiệu thời trang cao cấp, thị trường các nước tại châu Á nhanh chóng chiếm được sự quan tâm đặc biệt. 

Một mẫu nữ quốc tế tham gia trình diễn thời trang tại Châu Á

Người tiêu dùng tại châu Á tiếp tục góp phần làm gia tăng lợi nhuận của những thương hiệu cao cấp ngay cả khi cơn bão khủng hoảng kinh tế vẫn hoành hành. 

Những thương hiệu lớn không chỉ nhìn thấy ở châu Á một thị trường tiềm năng mà họ đang gắn kết mọi hoạt động mang tính văn hóa và xã hội tại đây.

Từ Đại lục Trung Hoa

Năm 2011, một vài thương hiệu lớn đã thực hiện những buổi trình diễn của mình tại các thành phố châu Á. 

Tuần lễ thời trang độc đáo tại Trung Quốc

Những buổi trình diễn này không đơn thuần là giới thiệu sản phẩm thông thường mà được dàn dựng lại giống như những buổi trình diễn tại Milan hay Paris. Đó chính là Prada với buổi trình diễn bộ sưu tập Xuân Hè 2011 tại Bắc Kinh. Điều thú vị ở đây là nhà thiết kế Miuccia Prada đã có vài thay đổi trong các thiết kế khi giới thiệu về chất liệu cũng như một số chi tiết nhỏ nhất, tất cả đủ để chứng minh tầm quan trọng của những khách hàng tại thị trường Trung Quốc ảnh hưởng đến một thương hiệu lừng lẫy đến từ Milan như thế nào. 

Hay Burberry mang đến những trải nghiệm độc đáo khó quên với buổi trình diễn giới thiệu bộ sưu tập Thu Đông 2011-2012 tại Đài truyền hình Bắc Kinh. Đó là sự kết hợp độc đáo giữa thời trang cao cấp và công nghệ hiện đại khi Burberry sử dụng kỹ thuật chiếu sáng tạo ảnh ba chiều (hologram) để giới thiệu những thiết kế của mình.

Những tương tác về hình ảnh trong buổi trình diễn này đã để lại những ấn tượng sâu sắc về bộ sưu tập cũng như về thương hiệu Burberry đến từ London. Sự kiện này được coi như một trong những đột phá trong lịch sử ngành công nghiệp thời trang, có ý nghĩa lớn khi ngành công nghiệp thời trang đang có những bước tiếp cận ứng dụng những thành tựu kỹ thuật. 

Điều đáng nói nữa, chính những khách hàng tại châu Á chứ không phải ở đâu khác được ưu ái thưởng thức những sáng tạo đột phá này trước tiên.

Đến quốc đảo Singapore

Singapore là một đất nước nhỏ bé, nhưng tất cả đã đổ xô đến Singapore hàng năm bởi vì ở đây không thiếu bất cứ nhãn hiệu thời trang nào. 

Một hình ảnh trong tuần lễ thời trang cao cấp ở Singapore

Theo bảng tổng kết được công bố cuối năm ngoái của Global Language Monitor, Singapore xếp hạng thứ tám trong danh sách kinh đô thời trang thế giới, vượt qua Tokyo, Nhật Bản. Năm 2010, Singapore chỉ xếp hạng 15 nhưng sau một thời gian với những nỗ lực kết hợp với các hoạt động cụ thể, Singapore đã thăng hạng một cách ngoạn mục. 

Cùng với sự xuất hiện của cửa hàng Louis Vuitton Maison đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, hàng loạt sự kiện liên quan đến thời trang đã diễn ra, đặc biệt là sự kiện Asia Fashion Exchange được tổ chức hàng năm với sự tham gia của rất nhiều những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trên thế giới cũng như trong khu vực.

Ra đời từ năm 2008 cùng với sự tham gia của nhà thiết kế Matthew Williamson và siêu mẫu quốc tế Erin O’Connor, cho tới nay, sự kiện Asia Fashion Exchange ngày càng định hình rõ tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của mình. Đây là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang tại khu vực châu Á được tiếp cận những nhà thiết kế tài năng thành công trên thị trường quốc tế đồng thời cũng là dịp để giới thiệu những tài năng thiết kế thời trang trong khu vực tới những đối tác thương mại tiềm năng.

Sau những tên tuổi như DSquared2, Roberto Cavalli hay Missoni, năm 2012, sự kiện Asia Fashion Exchange chào đón ba tên tuổi lớn đó là Mugler với sự xuất hiện của nhà thiết kế Nicola Formichetti, nhà thiết kế Roland Mouret đến từ Pháp và nhà thiết kế trẻ rất thành công Zac Posen đến từ Mỹ. 

Tất cả những bộ sưu tập mới nhất cho mùa Thu Đông 2012-2013 của các thương hiệu được giới thiệu tới công chúng yêu thời trang châu Á cùng với sự hiện diện của những nhà thiết kế, tất cả tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ chứng tỏ được tiềm năng dồi dào của thị trường Singapore nói riêng và thị trường châu Á nói chung.

Và xứ sở kim chi

Gucci năm nay liên tiếp tổ chức những sự kiện lớn tại châu Á kết hợp với việc khai trương những cửa hàng mới được tân trang tại các thành phố lớn. 

Vừa qua, Gucci có một triển lãm đặc biệt với tên gọi “Phong cách vượt thời gian đến từ sự khéo léo của những nghệ nhân thủ công bậc thầy: Di sản Hàn Quốc kỷ niệm 91 năm thành tựu Gucci” diễn ra tại Bảo tàng Đồ nội thất Hàn Quốc (KOFUM). 

Những người đẹp trong buổi ra mắt sản phẩm Gucci tại xứ Hàn

Buổi triển lãm trưng bày những sản phẩm độc đáo và đặc trưng nhất, được xem như những thành tựu lịch sử của Gucci bên cạnh những sản phẩm đồ gỗ truyền thống được làm bằng tay của những nghệ nhân thủ công truyền thống tại Hàn Quốc.

Nhân dịp ghé thăm Hàn Quốc, Gucci cũng công bố một dự án hợp tác đặc biệt kéo dài 5 năm để hỗ trợ những sinh viên đang theo học chuyên ngành liên quan đến thời trang. 

Giám đốc Sáng tạo của Gucci, bà Frida Giannini đã có buổi nói chuyện với 450 sinh viên năm cuối tại trường đại học Hongik. Sẽ có năm suất học bổng đặc biệt được dành cho năm sinh viên trong thời gian 5 năm của khóa đào tạo. 

Chương trình học bổng không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà còn tạo điều kiện cho sinh viên được trực tiếp trải nghiệm tại xưởng làm đồ da của Gucci ở Florence cũng như tham gia những buổi trình diễn bộ sưu tập mới của Gucci ở Milan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên