Không được đưa sư tử đá ngoại lai vào di tích

VOV.VN - Không được đưa sư tử đá ngoại lai vào di tích của tổ tiên bởi đó là vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc - PGS.TS Trần Lâm Biền nêu ý kiến.

Sau khi VOV online đăng loạt bài về hiện tượng sư tử đá kiểu Trung Quốc xuất hiện tại nhiều đền chùa, công sở trên cả nước, nhiều ý kiến của độc giả muốn hiểu rõ hơn bản chất sự việc cũng như sự khác nhau của sư tử Việt Nam và sư tử Trung Quốc. Chúng tôi đã phỏng vấn PGS.TS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam về vấn đề này:

PV: Xin giáo sư cho biết ý kiến về hiện tượng sư tử đá kiểu Trung Quốc vài năm qua xuất hiện tràn lan trong đền chùa Việt Nam?

PGS.TS Trần Lâm Biền: Bệ nguyên những con sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc vào đền chùa - những nơi linh thiêng, lưu giữ giá trị văn hoá, hồn cốt dân tộc là một điều không thể chấp nhận. Nhất là đối với người Việt bởi trong truyền thống văn hoá chúng ta có ý thức dân tộc cao.


Giáo sư Trần Lâm Biền. (Ảnh: Mỹ Trà)

Đem những con sư tử đá ấy đặt vào trong các di sản văn hóa mà chúng ta đang muốn đề cao truyền thống văn hóa dân tộc đúng như Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng là đề cao bản sắc thì chẳng khác nào đi ngược lại truyền thống văn hoá của dân tộc mà ông cha ta đã ngàn đời vun đắp.

PV: Vậy sư tử của Việt Nam và sư tử kiểu Trung Quốc khác nhau như thế nào?

PGS.TS Trần Lâm Biền: Trong tạo hình của người Việt cũng như của nhân loại, có những đề tài thường đồng nhất với nhau, thậm chí đồng cả ý nghĩa, giá trị biểu tượng. Tuy nhiên, trong nhận thức của mỗi cư dân khác nhau thường có tạo hình khác nhau vì thế con rồng của người Việt cũng như con Lân của người Việt khác của Trung Hoa vì nó bắt nguồn từ tâm thức sâu xa.

Nghệ thuật của người Việt thường bắt nguồn từ tư duy nông nghiệp gắn với chu trình thời gian sản xuất khép kín nên nó uyển chuyển, nhịp nhàng, lặp đi lặp lại và có tính chất hướng nội, không tạo nên những yếu tố hung dữ như của Trung Hoa. Vì thế, tuy những con sư tử, con lân có phần ý nghĩa giống nhau trong mỗi dân tộc lại có cách thể hiện khác nhau.

Sư tử Việt Nam có ảnh hưởng Trung Hoa nhưng khi nó đưa vào nghệ thuật Việt nó chuyển sang tính chất uyển chuyển nhịp nhàng đầy chất trữ tình chứ không đứng theo kiểu tính chất đe dọa. Chúng ta đến Văn Miếu sẽ thấy những con sư tử gỗ ở cửa, chỗ con đường vào điện chính. Nó có sự khiêm tốn nhất định. Nó nhằm mục đích kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương, bởi những con vật này hiện thân cho tầng trên, cho sự trong sáng của thần linh. Đặc biệt nó tượng trưng cho trí tuệ nên mới đủ nhân cách kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương và nó phải là Việt Nam chứ không thể là phong cách lạ.

Ở chùa bà Tấm, những con sư tử ở cửa gần như con chồn ở thành bậc chạy xuống trên tấm đá hình tam giác. Sư tử của ta như thế. Đẹp đẽ uyển chuyển và thân ái chứ không hung dữ. Sư tử đặt ở đền chùa phải là sư tử của Việt Nam.


Đôi sư tử đá do phật tử cung tiến được đặt tại chùa Trung Kính Thượng, Hà Nội. (Ảnh: Mỹ Trà)

PV: Những con sư tử đá kiểu Trung Quốc đặt ở đền chùa là do các Phật tử công đức vào chùa. Các nghệ nhân thì cũng chỉ đơn giản là làm sư tử theo đơn mẫu đặt hàng. Đây có phải là vấn đề về nhận thức và thiếu hiểu biết về văn hoá của người dân và người quản lý, trông coi di tích không?

PGS.TS Trần Lâm Biền: Hiện nay, chúng ta nghĩ rằng đây là một hiện tượng vô thức chỉ thấy cảm nhận như đẹp mà không biết nó mang thông điệp gì lại còn đưa vào những nơi tôn nghiêm mà không quan tâm đến tinh thần dân tộc. Điều này không thể chấp nhận được.

Di tích nào đã có sư tử từ xa xưa do lịch sử để lại (như những hội quán của người Minh Hương) thì mới chấp nhận để những con sư tử không phải là Việt Nam. Còn di tích nào xưa nay không có những con sư tử ấy thì chúng ta không chấp nhận nó được để ở trong di tích.

Không được đưa sư tử ngoại lai vào trong di tích của tổ tiên bởi các di tích không chỉ gắn với vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, mà một vấn đề lớn hơn, đó là vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, là văn hóa, là lịch sử, là tâm hồn của tổ tiên chúng ta gửi lại cho mai sau.

Như vậy, đưa thêm vào một cách vô lối là sự xóa nhòa bản sắc, làm méo mó lịch sử để cho chúng ta và con cháu chúng ta nhìn nhận tổ tiên với một bộ mặt không còn thuần Việt nữa thì như vậy là có tội. Công đức mà vô lối thì đấy là có tội. Ngoài ra những cá nhân, cơ quan làm công tác quản lý văn hóa đã không làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và cả quản lý văn hóa nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Người xưa quyết tâm đi theo lối của mình, bản sắc của mình đã giữ được sức mạnh dân tộc khi thì tiềm ẩn, khi thì công khai, tức là nó gắn với thời bị xâm lược và thời tự chủ. Chính bản sắc dân tộc với những gì của chúng ta và những gì ta học tập được nhưng được Việt hóa thì người Việt mới là người Việt.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên