Đưa quan hệ Việt – Pháp đi vào chiều sâu, vượt qua thách thức của môi trường mới

VOV.VN - Chuyến thăm Pháp từ ngày 3 - 5/11 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là minh chứng sống động cho thấy kể từ khi hai nước Việt Nam và Pháp ký kết Đối tác chiến lược vào năm 2013, quan hệ song phương tiếp tục ghi nhận những tầm cao mới và ngày càng đi vào chiều sâu.

Quan hệ đối tác chiến lược có nhiều bước phát triển

Năm 2013, hai nước Việt Nam- Pháp ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược, đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới, khẳng định sự coi trọng lẫn nhau của hai quốc gia có vai trò và vị thế quan trọng ở Đông Nam Á và Tây Âu. Kể từ thời điểm đó, quan hệ Việt Nam – Pháp đã liên tục ghi nhận những bước tiến mới, thể hiện rõ nhất qua sự tin tưởng chiến lược mà lãnh đạo hai nước dành cho nhau thông qua các chuyến thăm cấp cao trong vài năm qua, như chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Pháp năm 2018, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Pháp năm 2019 và chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đến Việt Nam vào cuối năm 2018.

Mối quan hệ tốt đẹp về chính trị này tiếp tục được vun đắp trong thời gian gần đây, sau khi Việt Nam tổ chức thành công Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Pháp Jean Castex đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cũng điện đàm trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhận định, chuyến thăm Pháp của Thủ tướng chính phủ từ ngày 3 - 5/11 là một bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Việc Pháp là nước châu Âu đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm song phương cho thấy Việt Nam đánh giá cao vị trí, vai trò của nước Pháp là một đối tác lớn tại khu vực và trên thế giới. Đồng thời, chuyến thăm cũng sẽ đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu và hiệu quả cao hơn.

Ưu tiên thảo luận về hợp tác y tế để vượt qua đại dịch Covid-19

Trong chuyến thăm Pháp lần này, bên cạnh việc đẩy mạnh các hợp tác truyền thống đã gặt hái nhiều thành công về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, khoa học kỹ thuật, theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, một ưu tiên lớn sẽ được Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận với các lãnh đạo cấp cao Pháp là hợp tác về y tế, trong thời điểm cả hai bên đều phải đối mặt với bài toán vượt qua đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế.

“Một trong những lĩnh vực rất quan trọng sẽ được Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo Pháp trong chuyến thăm lần này là lĩnh vực hợp tác y tế. Đây là một nhu cầu rất cấp bách trong hợp tác hiện nay giữa các nước, cũng như trên phạm vi quốc tế. Giữa Pháp và Việt Nam cũng đã có truyền thống hợp tác về y tế và trong thời gian qua, những hợp tác y tế để phòng chống dịch bệnh giữa Việt Nam và Pháp đã phát triển rất mạnh, qua việc hỗ trợ vaccine, hỗ trợ trang thiết bị y tế, trao đổi về kinh nghiệm về chuyên môn, kinh nghiệm phòng chống dịch, cũng như các biện pháp phối hợp thúc đẩy kinh tế phát triển sau đại dịch…” - Đại sứ Đinh Toàn Thắng nói.

Đánh giá cao quan hệ giữa Pháp và Việt Nam trong vài năm qua, với nền tảng là Hiệp định Đối tác chiến lược ký năm 2013, Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam có hiệu lực từ năm 2020 cũng như các quan hệ hợp tác phi tập trung truyền thống giữa các địa phương hai nước, Thượng nghị sĩ Catherine Deroche, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội tại Thượng viện Pháp, đồng thời là Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện Pháp, nhận định: chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính rất đáng chờ đợi vì có rất nhiều lĩnh vực hợp tác chiến lược mà hai nước có thể tiếp tục tăng cường, đặc biệt về y tế và môi trường, để cùng vượt qua các thách thức lớn hiện nay.

Thượng nghị sỹ Catherine Deroche cho biết: “Các thách thức đặt ra rất lớn. Chúng ta đang bước ra khỏi một cuộc khủng hoảng y tế nên thách thức trước mắt là về y tế nhưng chúng ta cũng đã thấy là các thách thức về khí hậu cũng vô cùng quan trọng với hai nước chúng ta. Do đó, chúng tôi hy vọng các mối liên hệ và hiểu biết lẫn nhau sẽ giúp hai nước vượt qua được các thách thức này, nhất là với Việt Nam bởi các thách thức về môi trường mà Việt Nam phải đối mặt rất lớn. Về tổng thể, có rất nhiều khía cạnh trong quan hệ đối tác mà chúng tôi muốn phát triển”.

Trong hợp tác về y tế, với tư cách là một bác sỹ và là người đứng đầu Ủy ban các vấn đề xã hội của Thượng viện Pháp, Thượng nghị sĩ Catherine Deroche cũng cho rằng, vấn đề tiếp cận công bằng với vaccine ngừa Covid-19 cần phải là một ưu tiên hành động của chính phủ các nước, nhằm giúp các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, được tiếp cận rộng rãi và nhanh chóng hơn với các nguồn vaccine.

Triển vọng lớn về hợp tác kinh tế

Về hợp tác kinh tế, một trong các trụ cột của quan hệ Việt-Pháp, nhiều chuyên gia kinh tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng quan hệ kinh tế hai nước, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020.

Chuyên gia Jean-Philippe Eglinger, người có nhiều năm hoạt động trong môi trường kinh doanh-đầu tư, tư vấn chiến lược tại Việt Nam cho rằng Hiệp định EVFTA đã tạo ra một khuôn khổ rất tốt để các doanh nghiệp hai bên tăng cường trao đổi thương mại. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá, các tác động vừa qua của đại dịch cho thấy, đây cũng là dịp để hai bên hướng đến một mô hình hợp tác phát triển mới đa dạng hơn, linh hoạt hơn, dựa trên việc hợp tác đào tạo, tạo ra các “lò ấp” công ty vừa và nhỏ, đồng thời phát triển các kênh đầu tư mới. 

“Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác, điều quan trọng hơn là cách thức hợp tác. Và một trong các cách thức đó là hợp tác mạnh hơn nữa để hợp nhất các lĩnh vực mà chúng ta được xem là có thế mạnh, như đào tạo, công nghệ thông tin mới, đồng thời phát triển thêm nhiều kênh đầu tư khác.” - chuyên gia Jean-Philippe Eglinger nói.

Đối với ông Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp, tình đoàn kết Việt Nam – Pháp đã thể hiện mạnh mẽ trong giai đoạn chống dịch vừa qua. Trong làn sóng đầu của đại dịch, Việt Nam đã gửi những chuyến hàng khẩu trang quý giá để hỗ trợ nhân dân Pháp và thời gian qua, thông qua các vận động mạnh mẽ từ các chính đảng và hội đoàn, nước Pháp cũng đã hỗ trợ Việt Nam vắc-xin chống dịch. Do đó, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp tự tin cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Pháp trong bối cảnh mới hậu đại dịch sẽ là một cơ hội để khẳng định lại mối quan hệ lịch sử gắn bó với Việt Nam mà Đảng Cộng sản Pháp luôn trân trọng và bảo vệ.

“Trên cơ sở những gì đã có, chúng tôi mong muốn sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam sẽ phát triển mạnh nhất có thể, vì những mối liên hệ đã gắn bó chúng ta, vì tất cả những năm tháng mà lịch sử đã gắn kết chúng ta chặt chẽ với nhau” - ông Fabien Roussel nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Quan hệ Việt-Pháp sâu đậm và mạnh mẽ hơn nhiều con số 45 năm”
“Quan hệ Việt-Pháp sâu đậm và mạnh mẽ hơn nhiều con số 45 năm”

VOV.VN - Giáo sư Pierre Journoud: quan hệ Việt-Pháp trong tương lai sẽ chỉ có thể sâu sắc hơn, từ khía cạnh chiến lược tổng thể đến lợi ích cụ thể về kinh tế.

“Quan hệ Việt-Pháp sâu đậm và mạnh mẽ hơn nhiều con số 45 năm”

“Quan hệ Việt-Pháp sâu đậm và mạnh mẽ hơn nhiều con số 45 năm”

VOV.VN - Giáo sư Pierre Journoud: quan hệ Việt-Pháp trong tương lai sẽ chỉ có thể sâu sắc hơn, từ khía cạnh chiến lược tổng thể đến lợi ích cụ thể về kinh tế.

Điện mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Pháp
Điện mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Pháp

VOV.VN - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi thư chúc mừng tới ông Jean Yves Le Drian, Bộ trưởng Châu Âu và Ngoại giao Pháp.

Điện mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Pháp

Điện mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Pháp

VOV.VN - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi thư chúc mừng tới ông Jean Yves Le Drian, Bộ trưởng Châu Âu và Ngoại giao Pháp.

Hội thảo quốc tế về quan hệ song phương Việt Nam – Pháp tại Paris
Hội thảo quốc tế về quan hệ song phương Việt Nam – Pháp tại Paris

VOV.VN - Ngày 09/4, Trung tâm nghiên cứu châu Á (Centreasia) có trụ sở ở thủ đô Pari, Pháp đã tổ chức hội thảo khoa học về quan hệ song phương Việt Nam-Pháp.

Hội thảo quốc tế về quan hệ song phương Việt Nam – Pháp tại Paris

Hội thảo quốc tế về quan hệ song phương Việt Nam – Pháp tại Paris

VOV.VN - Ngày 09/4, Trung tâm nghiên cứu châu Á (Centreasia) có trụ sở ở thủ đô Pari, Pháp đã tổ chức hội thảo khoa học về quan hệ song phương Việt Nam-Pháp.