Ký họa chiến trường - những bộ sưu tập vô giá

(VOV) - Những bức vẽ ký họa về chiến trường miền Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ vừa có giá trị nghệ thuật lẫn ý nghĩa lịch sử to lớn.

"Đi theo ánh lửa từ trái tim mình"

Đối với những người yêu mỹ thuật thì họa sĩ Lê Lam được xem như người con của quê hương miền Nam. Anh em trong phòng Văn nghệ giải phóng trước đây thường gọi ông là người “sanh Bắc, nhưng vẽ Nam”, vì tranh của ông mang đậm bản sắc Nam bộ.

Họa sĩ Lê Lam xung phong vào chiến trường Miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của đồng bào Miền Nam còn đang phải chịu nhiều đau thương, bom đạn. Hoạ sĩ Lê Lam kể lại, lúc đó ông chỉ có một mục tiêu là phải đi vào Miền Nam, không sợ khó khăn, gian khổ, không ngại hy sinh. 6 tháng trời vượt Trường Sơn, chịu đói, chịu sốt rét, đi đến đâu ông vẽ đến đó, chủ yếu là ký hoạ. Hành trang của ông lúc đó, ngoài tư trang cá nhân thì chỉ có giấy, màu vẽ, dao khắc.

Họa sĩ Lê Lam bên bức tranh "Dừng lại"

Hoạ sĩ Lê Lam đã có mặt tại các điểm nóng nhất của tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và đến đầu năm 1968, Lê Lam trở về Phòng hội họa giải phóng miền Nam. Ba năm sống và vẽ ở các chiến trường ác liệt, hoạ sĩ Lê Lam có một bộ tác phẩm dày dặn, với gần 1.000 bức ký họa cùng nhiều tranh khổ lớn. Tiêu biểu là các tác phẩm: "Hết lòng vì tiền tuyến", “Đồng Khởi Bến Tre”, “Đội quân tóc dài”, “Má Bến Tre”, “Em bé Linh Phụng”, "Hết lòng vì chú bộ đội", "Chị Quyên"...

Tác phẩm khắc gỗ "Hết lòng vì tiền tuyến" của ông sáng tác năm 1967 ca ngợi tinh thần của nhân dân Bến Tre hết lòng ủng hộ tiền tuyến, đã được nhà nước Cuba chọn in lưới thành khổ lớn để tuyên truyền trên thế giới về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời ca ngợi tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Tên tuổi của họa sĩ Lê Lam không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn lan rộng cả thế giới - qua bức tranh “Dừng lại”, thể hiện về một phụ nữ miền Nam dang tay ngăn cả đoàn xe lội nước của giặc. Bức tranh đã từng được treo ở cầu tàu Chợ Thom, huyện Mỏ Cày, thu hút hàng vạn đồng bào khắp nơi đến xem. Giặc Mỹ phải dùng đến hải quân, lục quân để cướp bức tranh mà chúng coi là chiến lợi phẩm lấy được của Việt Cộng.

Bác Hồ xem bức tranh "Dừng lại"(ảnh tư liệu chụp lại)

Bức tranh đó sau này được gửi ra triển lãm ở miền Bắc và cũng có tác dụng khích lệ tinh thần nhân dân rất lớn. Đích thân Bác Hồ tới xem triển lãm và rất xúc động với tác phẩm "Dừng lại" của hoạ sĩ Lê Lam. Phát biểu cảm tưởng về bức ký họa này, Bác nói rằng, đây chính là khí phách của dân tộc VN. Những người đầu trần, chân đất mà dám đứng lên ngăn chặn cả một bầy xe tăng thì ý chí mạnh hơn cả sắt thép. Bức ảnh Bác Hồ xem bức tranh "Dừng lại" của họa sĩ Lê Lam hiện được trưng bày ở nhà riêng của ông.

Hoạ sĩ Lê Lam kể rằng xông pha khắp các chiến trường ở đồng bằng Sông Cửu Long, ông không một phút nào run sợ, bởi chính tinh thần lạc quan của đồng bào Miền Nam đã khích lệ những người nghệ sĩ - chiến sĩ như ông. Và niềm vui lớn nhất với ông lúc đó là được kịp thời phục vụ cuộc sống, chiến đấu của đồng bào. Cách mà người hoạ sĩ triển lãm tranh lúc đó cũng thật độc đáo. Những tranh ông vẽ hàng ngày đều được đưa cho anh em du khách, các bà má xem. Ông còn lồng tranh vào những túi nilông rồi căng dây để mọi người xem...

Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh ngày 08/03/1931, tại làng Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Năm 1950, ông thi đỗ và học khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật VN), cùng với các hoạ sĩ Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu..., dưới sự giảng dạy của các danh họa như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Khang, Nguyễn Tư Nghiêm. Năm 1958, ông đã sang Liên Xô tiếp tục học Mỹ Thuật trong 5 năm. Ngay sau khi về nước, năm 1965 ông xung phong vào miền Nam chiến đấu.

Một số ký họa của họa sỹ Lê Lam

Những tưởng đi chiến trường chỉ vài năm, nào ngờ hoạ sĩ Lê Lam đi liền một mạch 9 năm mới về. Các tác phẩm được họa sĩ Lê Lam sáng tác giữa bom đạn, chiến tranh ác liệt đó là những cảm xúc thật, hình ảnh thật, con người thật. Những bức ký họa chiến trường ấy ngoài giá trị nghệ thuật cao còn có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn.

Năm 1978, họa sĩ Lê Lam được cử làm Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quốc Gia (nay là Công ty Mỹ thuật Trung Ương, Bộ VHTT&DL) và giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu. Hơn 60 năm hoạt động Mỹ thuật, gia tài lớn nhất của họa sĩ Lê Lam là hàng chục nghìn tác phẩm các loại, chủ yếu là ký hoạ về cuộc sống và chiến đấu của nhân dân miền Nam. Nhiều tác phẩm của ông được trao các giải thưởng lớn ở trong nước và quốc tế và được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và nhiều bảo tàng khác.

Những bộ sưu tập vô giá

Họa sĩ Lê Lam là một trong những nghệ sĩ của phòng Văn nghệ giải phóng được thành lập từ năm 1962 - ngôi nhà chung của các nghệ sĩ hết lòng xả thân vì miền Nam. Trong số các nghệ sĩ ở đây, phải kể đến nhà thơ Giang Nam, nhà văn Lê Văn Thạo, nhà thơ Thanh Hoàng, nhà quay phim Nam Sơn, các hoạ sĩ hoạ sĩ Phạm Văn Sáu, Huỳnh Phương Đông, Thanh Châu, Đỗ Đồng và nhiều người khác.

Các họa sĩ thời đó vừa làm công tác dân vận, trang trí phục vụ cho các hội nghị lớn, vừa làm báo, vừa sáng tác. Hoạ sĩ Trang Phượng (năm nay đã 74 tuổi, hiện sống ở Thành phố HCM), trước đây là Phó Phòng hội hoạ giải phóng, kể  rằng ông đã có hàng năm trời sống cùng quân và dân ở địa đạo Củ Chi.

Ký họa của họa sỹ Trang Phượng

“Tôi đã xuống Củ Chi 12 tháng rưỡi ở đó với anh em và trực tiếp chiến đấu. Ở chiến trường, chúng tôi cũng giống như bộ đội thôi. Giữa làn tên mũi đạn, ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mong manh. Trong thời kỳ ở Củ Chi, có những trận tôi và một anh nữa tối ngủ dưới hầm. 11 giờ đêm, bom tọa độ nó cắt xuống hầm chỉ thấy cát bụi nó đổ trên võng thôi, hai anh em tiếp tục ngủ. Đến sáng ra lấy nước đánh răng, anh Chín nói với tôi bom nổ cách hầm chúng tôi chỉ 1 mét. Thời kỳ đó, đối với chúng tôi cũng như anh em du kích địa phương chỉ nghỉ rằng: Trong đời ai cũng chỉ có một lần chết, mình chết sao cho xứng đáng cho nên chúng tôi mới bám trụ được trên vùng đất không còn một cây xanh” - họa sĩ Trang Phượng nhớ lại.

Trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, các họa sĩ chủ yếu vẽ ký họa. Giữa chiến trường, các nghệ sĩ càng không có điều kiện triển lãm. Cứ sau một đợt đi công tác khi về đến một thôn, ấp nào đó thì họ đều bày các ký họa ra để đồng bào xem. Nhiều tác phẩm của các họa sĩ đã có tác dụng động viên đồng bào, chiến sĩ rất hiệu quả.

Tác phẩm "Nữ pháo binh Long An" của họa sỹ Trang Phượng

Vượt qua lửa đạn, để sống được và vẽ đã khó, giữ được những bức ký họa trong chiến tranh cũng là điều không hề đơn giản. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông có kể rằng trong mỗi trận càn, ông phải cho tất cả các ký họa của mình vào hộp đạn AK chôn xuống đất, sau khi trận địa yên tiếng súng mới trở lại đào hộp AK lên lấy lại tác phẩm của mình. Nhiều tác phẩm đang trưng bày cho đồng bào xem đã bị bom đạn làm cho cháy, hỏng.

Giờ đây, nhiều tác phẩm ký họa vẫn còn, nhưng tác giả của nó mãi mãi không trở về. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần 80 họa sĩ đã hy sinh ở chiến trường. Họ đã cống hiến tuổi xuân của mình cho đất nước giống như những người chiến sĩ.

Hiện nay, có hàng ngàn ký họa đã được sưu tập ở Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng Lịch sử quân đội. Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, qua những tác phẩm ký họa ấy, công chúng thấy được con người, phong cảnh và những xúc cảm trong cuộc chiến tranh một cách chân thực nhất. Những bộ sưu tập ký họa chiến trường đó là những bộ sưu tập vô giá.

"Không những vẽ mà các nghệ sĩ phải bảo vệ những ký họa ấy và tìm cách gửi ra miền Bắc. Tôi còn nhớ năm 1966, ở Hội trường của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp nghệ thuật VN tổ chức triển lãm ký họa và Bác Hồ đến dự, Bác vừa xem vừa rơm rớm nước mắt. Bác có nói đại ý rằng: Không ở chiến trường thì không thể vẽ được như thế này. Nó là cảm xúc thật, hình ảnh thật, con người thật, những phong cảnh, những trận càn đã đi qua. Đặc biệt là gương mặt các chiến sĩ. Có thể nhiều người mà các họa sĩ vẽ đã hy sinh trong chiến tranh hoặc ra đi vì tuổi tác, nhưng gương mặt họ vô thanh thản, kiên nghị. Họ bình dị như những người khác nhưng hành động thì vô cùng dũng cảm. Những bức ký họa ấy ngoài giá trị nghệ thuật cao còn có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn" - Họa sĩ Trần Khánh Chương khẳng định.

Các họa sĩ nói riêng, các văn nghệ sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã sống và chiến đấu như những người chiến sĩ thực thụ, bình thản trước bom đạn, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình. Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết, "họ đã sống và chết, giản dị và bình tâm". Hàng ngàn tác phẩm ký họa chiến tranh đã góp phần tái hiện một cách chân thực nhất về cuộc sống và chiến đấu anh dũng và gian khổ của quân và dân ta vì nền độc lập, tự do, hòa bình của Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Triển lãm tranh “Ký họa thời chiến”
Triển lãm tranh “Ký họa thời chiến”

Nhân kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2009), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Ký hoạ thời chiến” của hoạ sĩ Phạm Ngọc Liệu.

Triển lãm tranh “Ký họa thời chiến”

Triển lãm tranh “Ký họa thời chiến”

Nhân kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2009), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Ký hoạ thời chiến” của hoạ sĩ Phạm Ngọc Liệu.

Tôn Đức Lượng – người ký họa lịch sử
Tôn Đức Lượng – người ký họa lịch sử

(VOV) -Ông đã lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc và chỉ giữ lại cho mình sự an nhiên của người nghệ sỹ.

Tôn Đức Lượng – người ký họa lịch sử

Tôn Đức Lượng – người ký họa lịch sử

(VOV) -Ông đã lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc và chỉ giữ lại cho mình sự an nhiên của người nghệ sỹ.

Ký họa chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng
Ký họa chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng
Triển lãm ký họa của người thiết kế huy hiệu Đoàn
Triển lãm ký họa của người thiết kế huy hiệu Đoàn

(VOV) -Họa sỹ Tôn Đức Lượng đã dành trọn tuổi thanh xuân đi vào thực tế bom đạn để vẽ lại một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Triển lãm ký họa của người thiết kế huy hiệu Đoàn

Triển lãm ký họa của người thiết kế huy hiệu Đoàn

(VOV) -Họa sỹ Tôn Đức Lượng đã dành trọn tuổi thanh xuân đi vào thực tế bom đạn để vẽ lại một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Triển lãm tranh ký họa chiến trường của họa sĩ Lê Duy Ứng
Triển lãm tranh ký họa chiến trường của họa sĩ Lê Duy Ứng

Hơn 200 bức ký họa chiến trường và một số bản điêu khắc của họa sĩ Lê Duy Ứng được trưng bày tại triển lãm lần này.

Triển lãm tranh ký họa chiến trường của họa sĩ Lê Duy Ứng

Triển lãm tranh ký họa chiến trường của họa sĩ Lê Duy Ứng

Hơn 200 bức ký họa chiến trường và một số bản điêu khắc của họa sĩ Lê Duy Ứng được trưng bày tại triển lãm lần này.

300 bức ký họa về Mẹ Việt Nam anh hùng
300 bức ký họa về Mẹ Việt Nam anh hùng

Triển lãm “Nét vẽ tri ân” là sự tổng kết toàn bộ cuộc hành trình đi khắp mọi miền đất nước vẽ chân dung những người Mẹ Việt Nam anh hùng của nữ họa sỹ Đặng Ái Việt.

300 bức ký họa về Mẹ Việt Nam anh hùng

300 bức ký họa về Mẹ Việt Nam anh hùng

Triển lãm “Nét vẽ tri ân” là sự tổng kết toàn bộ cuộc hành trình đi khắp mọi miền đất nước vẽ chân dung những người Mẹ Việt Nam anh hùng của nữ họa sỹ Đặng Ái Việt.