Kỷ niệm 26 năm ngày mất thi sĩ Xuân Diệu

Lễ dâng hương và đêm Thơ – Nhạc tưởng niệm thi sĩ Xuân Diệu được tổ chức tại quê hương của ông ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định.

Chiều 18/12, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định phối hợp cùng UBND huyện và Trung tâm VHTT – TT huyện Tuy Phước tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm nhà thơ Xuân Diệu, nhân kỷ niệm 26 năm ngày mất của ông (18/12/1985 – 18/12/2011) tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Nhà tưởng niệm Xuân Diệu ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa.

Xuân Diệu là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất và điển hình nhất của phong trào thơ mới. Ông có nhiều đóng góp vào việc cách tân các các thể loại thi ca dân tộc và phát triển ngôn ngữ dân tộc. Xuân Diệu viết truyện ngắn, bút ký, dịch thuật, và làm thơ là chủ yếu.

Tuy đã đi xa, nhưng Xuân Diêu để lại một tài sản vô giá trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, với khoảng 450 bài thơ (trong đó có một số lớn nằm trong di cảo chưa được công bố), một số truyện ngắn và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học…

Thơ của Xuân Diệu là tiếng ca của một trái tim dạt dào yêu đời, yêu người, yêu nước và yêu dân tộc. Phong cách Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam, con người Việt Nam luôn in dấu trong thơ Xuân Diệu suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ. Xuân Diệu ca tụng sự nghiệp anh hùng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến, ca tụng sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ hòa bình, ca tụng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội.

Hát ca khúc phổ thơ Xuân Diệu trong đêm Thơ- Nhạc

Đề tài trong thơ Xuân Diệu rất đa dạng nhưng thành công nhất là đề tài viết về tình yêu. Những di sản tinh thần mà Xuân Diệu để lại là những di sản đẹp đẽ và lâu bền, có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Di sản đó không chỉ có giá trị trong nước mà còn có giá trị quốc tế

Bên cạnh hoạt động dâng hương tưởng niệm, tối 18/12, tại Trung tâm Văn hóa -Thông tin Tỉnh,  CLB Văn Học Xuân Diệu tại Bình Định cũng đã tổ chức đêm Thơ – Nhạc tưởng niệm nhà thơ Xuân Diệu. Tại đây, trong không khí ấm cúng và thân tình, các nghệ sĩ của Đòan Dân ca kịch bài chòi Bình Định đã thể hiện một số bài thơ nổi tiếng của Xuân Diệu đã được phổ nhạc như: “Cha đàng ngoài mẹ đàng trong”, “Nguyệt Cầm”, “Lời kỹ nữ” và “Không đề”… nhằm tưởng nhớ và ghi nhận những đóng góp to lớn của thi sĩ Xuân Diệu đối với nền văn học nước nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên