Lưới giăng tục lụy

Một con người được coi như thành hoàng sống của cả vùng bỗng chốc phải vùi mặt xuống bùn chỉ vì một phút u mê tăm tối.

Nỗi nhục nhã của bản thân, bi kịch gia đình đó được che giấu bằng sự sợ hãi, sự cam chịu lẫn sự hàm ơn của người bị hại, rồi tiếp tục được chôn chặt bằng sự hãi hùng vì nhục nhã của gia đình. Nhưng liệu người ta có thể bưng bít, chôn cất được sự thật phũ phàng, khủng khiếp đó mãi ? Đó là nội dung vở kịch Tục lụy (kịch bản: Ngọc Linh, đạo diễn: Ái Như)  mới ra mắt trên sân khấu Hoàng Thái Thanh từ ngày 7/7 và sẽ đến với khán giả vào các tối thứ 6 tới chủ nhật hàng tuần tại số 36, Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM.

Ông Hai cùng gia đình được coi là những người đầu tiên tới cù lao hẻo lánh, gầy dựng lên xóm ấp, trong một lần mưa to gió lớn đã cứu được Mận - người con gái trẻ bị lật xuồng, chết hết người thân. Lúc Mận sắp thành hôn với vợ của Dũng, người con trai độc nhất của vợ chồng ông Hai, thì éo le thay, cô lại bị chính ông Hai hại đời trong một lần say rượu.

Út Hơn – người em rể vốn là thương bệnh binh, nửa tỉnh nửa mê, bị quy kết là kẻ thủ ác. Khi sự thật khủng khiếp tình cờ được bà Hai và Út Hơn phát hiện. Tấm biển vàng son của gia đình có nguy cơ bị vùi xuống đáy sông, thì bà Hai buộc phải dằn lòng che giấu.

Út Hơn tiếp tục là kẻ bị “đổ vỏ”… Còn Dũng – anh lính về phép chuẩn bị làm đám cưới- thành kẻ bê tha, chìm trong rượu. Kịch tính được đẩy lên tới đỉnh điểm khi người điên chợt tỉnh, đang tìm cách nói lên sự thật, thì lại bị coi là điên loạn...

Tội lỗi của ông Hai được người vợ khốn khổ che đậy bằng mọi cách, kể cả cách “gắp lửa bỏ tay” người em trai điên loạn mà bà rất mực yêu thương, để ông vẫn đẹp mặt với xóm làng. Nhưng bản thân ông Hai chắc chắn không dám nhìn thẳng vào mặt vợ, con. Một người được coi như thành hoàng sống của cù lao mà dân đang bàn tán là sẽ lập miếu thờ sau khi chết, giờ lang thang hết nhà này qua nhà khác, mà không dám trở về nhà.

Người ta thuần thục giăng lưới bắt cá tôm để kiếm sống nhưng lại dễ dàng vướng vào lưới trời hoặc lưới đời do chính bản thân mình tạo ra như ông Hai. Trong vòng xoay tục lụy, luân hồi, đôi khi chỉ cần lỡ tay, sẩy chân một chút là di hại, phá nát cuộc đời, không chỉ đời mình mà còn rất nhiều người khác.

Trong một vở diễn chứa nhiều thông điệp và có dáng dấp kịch luận đề như Tục lụy, nếu tung ra nhiều mẻ lưới mà đôi lúc không vun vén khéo, đi tới tận cùng của vấn đề thì sẽ khiến người xem nuối tiếc. Sự khốc liệt của vấn đề, kịch tính  nhiều khi được đẩy tới tận cùng: chiếc mặt nạ của nhân vật chính có thể được phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật, tưởng làm nổ tung sân khấu và dễ găm vào khán giả. Những tưởng như những cơn sóng dồn dập của thiên nhiên và lòng người đang đớn đau mê dại, cuồng nộ ập vào, sắp cuốn trôi tượng đài xuống đáy song, nhưng sóng lại chuyển sang hướng khác… Sự quay trở lại của Mận cũng có thể hiểu là, làm tròn vai, cho hết nhẽ, nhưng nốt nhạc này lại làm dây đàn chùng xuống. Nó có thể khiến khán giả bớt căng thẳng, nhưng dường như đã lạc tông, có màu Hồ Biểu Chánh, nhất là khi Dũng thuyết phục cậu Út Hơn chạy theo thay mình nối nghĩa với Mận, hay đạo diễn muốn tiết chết bớt lửa để mở một lối thoát cho nhân vật, cho vấn đề?

Khi cơn cuồng nộ của lòng người tạm lắng, thì cơn giận dữ sóng gió của thiên nhiên lại nhấn chìm ghe thuyền. Cha con ông Hai và xóm ấp xúm vào cứu người. Cứu được người, ông Hai buông tay, chìm xuống bùn. Một cái chết được báo trước, nhưng dường như hơi nhấn nhá, ít nhất là mất nửa hồi. Sự ầm ào, ồn ào của những trận sóng thiên nhiên dường như không dội vào lòng khán giả - ít nhất là tôi – như những trận sóng cuồng nộ của lòng người... Lại một người con gái được cứu sống và có thể sẽ lại tiếp tục nương tựa vào Dũng - con trai ông Hai. Phận người nhỏ nhoi trước những cơn sóng dồn dập hình như sẽ lại báo trước tiếp vòng tục lụy. Phải chăng nếu như không giải quyết ngọn nguồn, minh bạch sự thật – nói chung sự thật luôn mất lòng, đắng lòng, thậm chí đớn đau – thì vòng tục lụy vẫn tiếp tục? Phải chăng vì thế trong lần dựng này, đạo diễn Ái Như đã đổi tên Cơn mê cuối cùng – từng được dàn dựng tại sân khấu Idecaf và rất ăn khách thành Tục lụy?

Sau những vở kịch xoay quanh tình yêu, chuyện gia đình rất thành công, như: Nửa đời ngơ ngác, Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em…thì những mảng màu “chưa bao giờ buồn thế” đã xuất hiện trong Hãy khóc đi em, Bàn tay của trời và đậm đặc trong Tục lụy lần này. Đạo diễn Ái Như đã nói: “Khi đã xác định mình đi theo dòng kịch tâm lý thì không sợ lậm sâu vào bi kịch. Khi cuộc đời thật của xã hội, bi kịch - nỗi đau còn khốc liệt hơn trên sân khấu thì tại sao chúng ta lại phải sợ việc đưa nhiều bi kịch lên sân khấu”.

Tất nhiên, cách chuyên chở cũng là điều rất quan trọng, đặc biệt là trong tình hình hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng: khán giả đến với sân khấu nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung chỉ thích những thứ nhẹ nhàng, thư giãn, giải trí, cười lăn lộn thì tốt, còn không thì buồn một chút rồi vui một tí; nếu nặng nề quá thì người ta e ngại, mệt mỏi. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, khán giả mở mắt ra đã được thấy sự khốc liệt của nhân tình thế thái trên báo chí, trên mạng… thì có lẽ khi sân khấu đã đặt vấn đề một cách gai góc, cũng không nên né tránh cách giải quyết vấn đề trực diện, mạnh mẽ!

Nghiệp chướng đã đổ xuống khi cô con dâu tương lai bị phát hiện có thai
Khi sự thật nghiệt ngã chưa bị phơi bày
Dũng- con trai ông Hai về phép
Ông Hai và Mận
Sự thật đã dần lộ rõ
Ông Hai chìm xuống sông. Dũng cứu được cô gái. Vòng vây tục lụy sẽ tiếp tục?

Các tin, bài khác:
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên