Chuyện về những người nghệ sĩ đáng kính "say chèo"

VOV.VN - Nhiều thập kỷ qua, cứ mỗi buổi trưa hàng ngày, giọng hát của các nghệ sĩ thuộc đội chèo Đài Tiếng nói Việt Nam lại mang niềm vui đến với mọi nhà.

Từ lâu tên tuổi các nghệ sĩ thuộc đội chèo Đài Tiếng nói Việt Nam trước đây như: Kim Đức, Như Hoa, Đỗ Xuân, Minh Tâm, Kim Thoa, Bích Thục... đã trở nên thân quen với thính giả gần xa. Nhiều thập kỷ qua, cứ mỗi buổi trưa hàng ngày, giọng hát của họ lại mang niềm vui  đến với mọi nhà. Thấm thoắt hơn 40 năm đã trôi qua, kể từ ngày thành lập Đội chèo Đài Tiếng nói Việt Nam, hầu hết các bác, các cô các chú đã nghỉ hưu, có người trong số họ đã mãi mãi ra đi, nhưng tiếng hát của họ thì còn mãi trong kho băng tư liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong tâm trí những người yêu nghệ thuật chèo.

NSƯT Như Hoa sinh năm 1942 tại Từ Sơn, Bắc Ninh, trong một gia đình yêu nghệ thuật. Ngay từ nhỏ bà đã thuộc nhiều làn điệu dân ca và chèo của quê hương. Lớn lên bà ra Hà Nội và tham gia đội chèo Đông Đào, sinh hoạt tại khu Đồng Xuân, Hà Nội. Khi có quyết định lấy đội chèo “Đông đào" làm nòng cốt cho Đội chèo Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Như Hoa là một trong những nghệ sĩ tham gia thu thanh những bài hát hát chèo đầu tiên, và nhiều thính giả yêu chèo ngày ấy hẳn không quên giọng hát tươi tắn, vang rền của Như Hoa qua nhiều tiết mục hát chèo.

chuyen ve nhung nguoi nghe si dang kinh "say cheo" hinh 1

NSƯT Như Hoa

Có những tiết mục mà bà thu thanh từ những ngày ấy cho đến nay vẫn còn rất nhiều thư yêu cầu như bài: “Em đẹp em xinh", lời của Huyền Tâm viết theo điệu "Sắp qua cầu". Trong suốt những thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ 20, giọng hát chèo của NSƯT Như Hoa luôn được đánh giá rất cao, coi như mẫu mực cho một giọng hát chèo hay. Bên cạnh việc thu thanh trên làn sóng phát thanh NSƯT Như Hoa cũng thử sức trong một vài vai diễn chèo cổ trong những chuyến đội chèo đi biểu diễn phục vụ nhân dân.

Năm 1984, một tai nạn giao thông nghiệm trọng đã cướp đi sinh mạng của NSƯT Như Hoa khi tài năng nghệ thuật của bà đang độ chín. Ra đi đột ngột, NSƯT Như Hoa để lại niềm nhơ khôn nguôi cho người thân, bạn bè đồng nghiệp và thính giả yêu chèo trong cả nước. Với những đóng góp không nhỏ của mình cho tiếng hát chèo trên làn sóng phát thanh nói riêng và nghệ thuật chèo nói riêng, NSƯT Như Hoa đã được nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý NSƯT. NSƯT Như Hoa mãi mãi không còn nữa nhưng hàng ngày bà vẫn rất gần gũi với thính giả qua hàng trăm tiết mục bà mà đã thu thanh.

Một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của Đôi chèo Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng có mặt ngay từ những ngày đầu thành lập Đội là NSƯT Minh Tâm. Quê gốc của NSƯT Minh tâm ở Ba La, Hà Đông, Hà Tây, nhưng bà được sinh ra và lớn lên giữa lòng Hà Nội. Cũng không hiểu từ bao gờ tiếng hát chèo, hát dân ca đã thấm và ngấm vào tâm hồn của cô bé Tâm, chỉ biết rằng Minh Tâm là một trong những thành viên viên tích cực của Đội chèo Đông Đào mà sau này là nòng cốt của Đội chèo Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau khi trở thành nghệ sĩ hát chèo của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (năm 1959), NSƯT Minh Tâm tiếp vừa tếp tục học tập, vừa ca hát. Đặc biệt, bà đã theo học lớp hát chèo của Trường nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp ca hát của nghệ sĩ, bởi ở đây bà đã được học những kỷ thuật cơ bản về lấy hơi, nhả chữ, luyến, láy, rung, đảo nhịp, ngắt câu, buông hơi, nhả chữ trong nghệ thuật hát chèo. Ở đây nghệ sĩ có may mắn được các bậc nghệ nhân của chèo là: Năm Ngũ, Dịu Hương, Minh Lý, Cả Tam tận tình chỉ bảo. Qua lớp học này nghệ sĩ Minh Tâm đã vững vàng thể hiện các làn điệu chèo cổ, và lời mới trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Trở lại với đội chèo Đài, NSƯT Minh Tâm vẫn liên tục học hỏi các anh các chị , các bạn đồng nghiệp nên tiếng hát, cách hát của bà vừa hoà nhập với lối hát chung của đội, vừa mang một nét riêng của Minh Tâm.

Thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thời gian để lại cho nghệ sĩ Minh Tâm nhiều kỷ niệm đẹp, bởi bà không những chỉ hát thu thanh tiếng hát phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam mà còn cùng đồng nghiệp đi biểu diễn ở nhiều nơi, đến với đống bào chiến sĩ, trực tiếp sống và hát cùng nhân dân.

Với khả năng của mình, NSƯT Minh Tâm không chỉ biết hát mà bà còn diễn xuất khá thành công qua nhiều vai diễn như: Đào Huế trong "Tuần Ty Đào Huế", Thị Màu trong trích đoạn "Thị Màu lên chùa", "Cô dân quan trong", "Đường về trận địa". . . và trong rất nhiều ca cảnh, hoạt cảnh phát trên làn sóng Đài.

Nhiều năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Minh Tâm là một trong những giọng hát chèo được thính giả yêu mến. Nhiều tiết mục do bà trình bày liên tục có thư yêu cầu của thính giả. Với những cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật, đóng góp không nhỏ tạo nên "Phong cách chèo Đài", năm 1995, Minh Tâm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT. Ra đi ở tuổi 70 nhưng giọng hát và những vai diễn mà bà thể hiện thì vẫn còn mãi trong kho băng tư liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, còn mãi trong tâm hồn những khán thính giả yêu chèo trong cả nước

NSƯT Kim Thoa sinh năm 1942 tại xã Liên Hòa, Phú Xuyên, Hà Tây. Gia đình bà không có ai tham gia hoạt động nghệ thuật nhưng lại rất yêu chèo. Ngay từ nhỏ Kim Thoa đã biết hát chèo. Năm 1958, khi vừa tròn 16 tuổi Kim Thoa tham gia đội văn nghệ của huyện Phú Xuyên, tham gia lớp tập huấn chèo trên tỉnh. Chỉ với 20 ngày tập huấn ngắn ngủi, cô bé Kim Thoa xinh người đẹp nết, có giọng hát trong trẻo, khỏe khoắn, vang, rền, nền, nẩy ấy đã lọt vào mắt xanh của các nghệ sĩ Đoàn chèo “Lúa Mới“ tỉnh Hà Đông, và Kim Thoa đã được các nghệ sĩ của tỉnh "xin" lên từ huyện. Hơn 10 năm công tác tại Đoàn chèo Lúa Mới, rồi làm giáo viên của trường nghệ thuật tỉnh, nghệ sĩ Kim Thoa khiêm tốn vừa hát vừa diễn vừa học hỏi để rồi có nhiều vai diễn thành công như: Mẹ Đốp trong vở chèo “Quan âm Thị Kính“, hay Súy Vân trong vở chèo  cùng tên.

chuyen ve nhung nguoi nghe si dang kinh "say cheo" hinh 2

NSƯT Kim Thoa

Năm 1969, khi chiến tranh đang bước vào thời kỳ ác liệt, Kim Thoa đã cùng một số nghệ sĩ trong tỉnh đi biểu diễn phục vụ chiến trường. Chuyến đi biểu diễn đã để lại trong bà rất nhiều kỷ niệm, đến giờ vẫn không quên. Với giọng hát trời phú, trong sáng, trữ tình, NSƯT Kim Thoa đã được chuyển công tác sang đội chèo Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 1970. Hơn 20 năm công tác tại Đội chèo Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ Kim Thoa đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng công chúng yêu chèo với hàng trăm bài hát chèo do bà thể hiện trên sóng. Hiện nay, NSƯT Kim Thoa đã nghỉ hưu những bà vẫn say chèo, đau đáu một niềm đam mê một loại hình nghệ thuật mà bà đã cống hiến cả cuộc đời cho nó.

Với những cống hiến không nhỏ cho nghệ thuật chèo trên làn sóng phát thanh, nghệ sĩ Kim Thoa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT năm 1997./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đi nghe hát chèo hay xem hát chèo?
Đi nghe hát chèo hay xem hát chèo?

VOV.VN -Kèm theo lời hát là những trổ múa mang tính chất cách điệu cao độ. Người diễn viên thể hiện sự uyển chuyển của cả thân hình, đặc biệt là đôi bàn tay.

Đi nghe hát chèo hay xem hát chèo?

Đi nghe hát chèo hay xem hát chèo?

VOV.VN -Kèm theo lời hát là những trổ múa mang tính chất cách điệu cao độ. Người diễn viên thể hiện sự uyển chuyển của cả thân hình, đặc biệt là đôi bàn tay.

Tết Việt 2019: Phục dựng chiếu chèo sân đình và hát cửa đình
Tết Việt 2019: Phục dựng chiếu chèo sân đình và hát cửa đình

VOV.VN - Không chỉ tái hiện không khí ngày Tết tại những ngôi đình làng cổ, Tết Việt 2019 còn là nơi phục dựng những môn nghệ thuật truyền thống.

Tết Việt 2019: Phục dựng chiếu chèo sân đình và hát cửa đình

Tết Việt 2019: Phục dựng chiếu chèo sân đình và hát cửa đình

VOV.VN - Không chỉ tái hiện không khí ngày Tết tại những ngôi đình làng cổ, Tết Việt 2019 còn là nơi phục dựng những môn nghệ thuật truyền thống.

Hội thi tiếng hát cộng đồng hưởng ứng Năm chéo Việt Nam – Nga
Hội thi tiếng hát cộng đồng hưởng ứng Năm chéo Việt Nam – Nga

VOV.VN - Vòng chung kết Hội thi Văn nghệ cộng đồng người Việt khu vực Moscow và lân cận 2018 đã diễn ra sôi nổi tại một trường Đại học ở Moscow (Nga).

Hội thi tiếng hát cộng đồng hưởng ứng Năm chéo Việt Nam – Nga

Hội thi tiếng hát cộng đồng hưởng ứng Năm chéo Việt Nam – Nga

VOV.VN - Vòng chung kết Hội thi Văn nghệ cộng đồng người Việt khu vực Moscow và lân cận 2018 đã diễn ra sôi nổi tại một trường Đại học ở Moscow (Nga).