“Mở lon Việt Nam”: Không mở lon thì là gì?

VOV.VN - Từ “lon” trong tiếng Việt phổ biến toàn dân từ Mũi Cà Mau cho đến địa đầu Móng Cái. Không gọi “lon” thì biết gọi là gì? 

Một văn bản gây ngạc nhiên

Cụm từ “Mở lon Việt Nam” có lẽ đang là đề tài bàn tán xôn xao trên mạng xã hội sáng nay, 29/6.

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có Công văn gửi các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola.

Nội dung công văn nêu rõ: Hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam".

Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.

Để kịp thời xử lý và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nêu trên, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTTDL, Sở VHTT: Kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ "Mở lon Việt Nam"; yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo…đối với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng-rôn.

Đối với phương tiện giao thông, màn hình và các phương tiện quảng cáo khác trên địa bàn: Kiểm tra, yêu cầu chỉnh sửa hoặc tháo dỡ sản phẩm quảng cáo có sử dụng cụm từ trên; Tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Khi công văn này vừa xuất hiện trên trang web của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay lập tức nhận được sự phản hồi không đồng tình của nhiều người. Và cụm từ “Mở lon Việt Nam” lan truyền chóng mặt bởi sự hài hước không đáng có xuất phát từ công văn của Bộ VHTT&DL.

Thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ VHTTDL tối 28/6/2019

“Lon” không là “Lon” thì là gì?

Nhiều câu hỏi đặt ra, vậy cụm từ “Mở lon Việt Nam” có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam ở chỗ nào?

Tiếng Việt đa nghĩa nhưng mà rất rõ ràng. Đặc trưng của tiếng Việt chính là thanh điệu. Đây chính là sức mạnh của tiếng Việt. Tiếng Việt văn hóa với cơ sở là tiếng Hà Nội có sáu thanh điệu là ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng. Về mặt chính tả, trừ thanh ngang không dấu, chúng ta sử dụng dấu thanh cho năm thanh điệu sau. Dấu thanh là một sáng tạo của những nhà truyền giáo phương Tây hồi thế kỷ 17. Họ lấy các yếu tố có trong tiếng Hy Lạp cổ như grave (dấu huyền), acute (dấu sắc), hook above (dấu hỏi), tilda (dấu ngã) và dot under (dấu nặng) để biểu thị dấu thanh, bên cạnh những sáng tạo như circumflex để biểu thị “dấu mũ” trên các nguyên âm â/ê/ô hay breve để biểu thị “dấu trăng” trên nguyên âm ă.

Chính vì vậy không thể viết từ “lon” mà lại hiểu thành từ khác được. Đặc biệt cả trong một cụm từ “Mở lon Việt Nam”, chỉ riêng từ “lon” là không dấu, 3 từ còn lại có dấu rõ ràng. Nếu cả cụm từ “Mở lon Việt Nam” được viết là “Mo lon Viet Nam” thì mới sợ việc biến thể ngữ nghĩa, hiểu sai lệch về nghĩa gốc ban đầu.


Từ “Lon” trong Từ điển tiếng Việt được giải thích như sau:

Thứ nhất, là từ để chỉ thú rừng, cùng họ với cầy móc cua, nhưng nhỏ hơn (con Lon). Nó còn là từ để chỉ vỏ hộp sữa, rượu hoặc nước uống hình trụ bằng kim loại (lon sữa bò, lon bia, lon nước ngọt).

Đặc biệt, nó cũng là từ chỉ cối nhỏ bằng sành (lon giã cua bằng sành, vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành). Cũng với cách gọi thông dụng, từ "Lon" còn có nghĩa phù hiệu, quân hàm- của quân đội một số nước  (ví dụ: đeo lon đại uý, gắn lon).

Vậy mà theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), “từ "Lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia...có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa”. "Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó...Từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề".

Bà Hương cho biết: "Mở lon Việt Nam" hoàn toàn không rõ nghĩa, không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo theo quy định đã được nêu rõ trong Luật Quảng cáo.

"Trước khi ký 03 văn bản chấn chỉnh nội dung này, Cục Văn hóa cơ sở đã nghiên cứu kỹ nội dung cụm từ "Mở lon Việt Nam" trong sản phẩm quảng cáo của Coca-Cola. Trước hết phải khẳng định, cụm từ này không có thông tin rõ ràng, nếu đã nói "lon" thì phải gắn với tên sản phẩm là gì, lon Coca- Cola hay một nhãn hàng bia, nước ngọt... nào khác. Việc ngắt chữ "lon" không gắn với tên sản phẩm hàng hóa sẽ làm cho người tiêu dùng không có được thông tin rõ ràng về sản phẩm".

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng nói rõ, việc gắn chữ "lon" như cách của Coca-Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như "ở Việt Nam", "tại Việt Nam"… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng như vậy.

Bà Hương khẳng định: "Chúng tôi cũng chia sẻ với một doanh nghiệp nước ngoài khi họ đã vô ý xây dựng một slogan quảng cáo không đảm bảo sự trong sáng trong sử dụng tiếng Việt, chưa tìm hiểu cũng như được tư vấn kỹ càng, phù hợp về từ ngữ, văn phong trong văn hóa Việt…".

“Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi”.

Khi văn bản này được đăng tải trên trang web của Bộ VHTT DL ngày 28/6, rất nhiều người đặt câu hỏi trên trang Facebook cá nhân của mình sáng nay: "Mở lon Việt Nam thì có gì trái thuần phong mỹ tục mà Cục Văn hóa cơ sở phải ra văn bản đòi gỡ bỏ"?

Trang facebook của Nguyễn Trường Uy bức xúc viết rằng: “Cụm từ “Mở lon Việt Nam” có gì mà “thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam” nhỉ?

Không hiểu Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tự kỷ ám thị ra sao mà ra công văn cho rằng nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện hiện nay có sử dụng cụm từ “mở lon Việt Nam” là “có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”? Cục còn yêu cầu kiểm tra, chỉnh sửa hoặc tháo dỡ các sản phẩm quảng cáo có sử dụng cụm từ trên và tiến hành xử lý vi phạm (nếu có)!

Vậy Cục căn cứ vào quy định nào? Họ có phạm luật không khi dùng cụm từ đó? Đẹp hay xấu, thanh cao hay dung tục tuỳ trong cách nghĩ của mỗi người. Quảng cáo đó đã có từ lâu và chưa thấy nhiều ý kiến phàn nàn, tự dưng nay Cục ra văn bản kết tội cho cụm từ “Mở lon Việt Nam” là cách nghĩ nhìn sự vật mặc định theo cái “libido” thiển cận của riêng mình”.

Từ “lon” trong tiếng Việt phổ biến toàn dân từ Mũi Cà Mau cho đến địa đầu Móng Cái. Không gọi từ “lon” thì biết gọi là gì? Vào quán nước gọi: “Cho tôi 1 lon Coca, cho tôi 1 lon nước ngọt”, dù bất đồng ngôn ngữ vùng miền thì ai cũng hiểu đó là “lon” chứ không thể hiểu sang cái khác mà có thể quy chụp rằng "có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam". 


Việc dùng từ "lon" trong tiếng Việt là hết sức bình thường, nó không hề tục hay vi phạm thuần phong mỹ tục, vì thế, người làm văn hoá đừng tưởng tượng theo hướng tiêu cực để rồi đưa ra kết luận gây "ngạc nhiên" và “hài ước” như vậy.

Lời nói gió bay nhưng văn bản đưa ra đóng dấu, ký tên, nó sẽ được lưu và thể hiện trình độ của người quản lý. Vì nếu không nắm rõ bản chất, hiểu đúng, hiểu chuẩn tiếng Việt thì những quyết định đưa ra vô tình động chạm đến chữ nghĩa sẽ chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Và vô hình trung, chính văn bản của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và sự lan truyền của cộng đồng mạng là cầu nối quảng bá mạnh mẽ cho thương hiệu Coca-Cola. Bởi những người bán hàng thường tìm và đưa ra lời quảng cáo mà trong đó ngôn ngữ phải thông dụng nhất có thể.

Trong chuyện này, đúng là “Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Văn hoá yêu cầu Coca-Cola chấn chỉnh quảng cáo vì...thiếu thẩm mỹ
Bộ Văn hoá yêu cầu Coca-Cola chấn chỉnh quảng cáo vì...thiếu thẩm mỹ

VOV.VN - Theo Bộ Văn hóa, cụm từ "Mở lon Việt Nam" trong quảng cáo Coca-Cola không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam...

Bộ Văn hoá yêu cầu Coca-Cola chấn chỉnh quảng cáo vì...thiếu thẩm mỹ

Bộ Văn hoá yêu cầu Coca-Cola chấn chỉnh quảng cáo vì...thiếu thẩm mỹ

VOV.VN - Theo Bộ Văn hóa, cụm từ "Mở lon Việt Nam" trong quảng cáo Coca-Cola không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam...

 “Việt Nam tôi yêu, Coca-Cola tôi yêu” - bộ lon độc đáo “chinh phục” người Việt
“Việt Nam tôi yêu, Coca-Cola tôi yêu” - bộ lon độc đáo “chinh phục” người Việt

Coca-Cola thêm lần nữa ghi điểm khi kỷ niệm hành trình đồng hành cùng người Việt bằng bộ lon đặc biệt mang chủ đề “Việt Nam tôi yêu, Coca-Cola tôi yêu”.

 “Việt Nam tôi yêu, Coca-Cola tôi yêu” - bộ lon độc đáo “chinh phục” người Việt

“Việt Nam tôi yêu, Coca-Cola tôi yêu” - bộ lon độc đáo “chinh phục” người Việt

Coca-Cola thêm lần nữa ghi điểm khi kỷ niệm hành trình đồng hành cùng người Việt bằng bộ lon đặc biệt mang chủ đề “Việt Nam tôi yêu, Coca-Cola tôi yêu”.

Coca-Cola VN chính thức giới thiệu giải pháp dinh dưỡng thông minh
Coca-Cola VN chính thức giới thiệu giải pháp dinh dưỡng thông minh

VOV.VN - Coca-Cola Việt Nam vừa giới thiệu giải pháp dinh dưỡng thông minh thông qua việc mở rộng bộ sản phẩm Nutriboost với 3 dòng sản phẩm sữa nước mới.

Coca-Cola VN chính thức giới thiệu giải pháp dinh dưỡng thông minh

Coca-Cola VN chính thức giới thiệu giải pháp dinh dưỡng thông minh

VOV.VN - Coca-Cola Việt Nam vừa giới thiệu giải pháp dinh dưỡng thông minh thông qua việc mở rộng bộ sản phẩm Nutriboost với 3 dòng sản phẩm sữa nước mới.