Mở rộng không gian ẩm thực phố cổ Hà Nội
VOV.VN - Có một điểm nhấn khơi dậy văn hoá ẩm thực trong tuyến phố cổ sẽ tăng khả năng thu hút khách du lịch đến Hà Nội cũng như Việt Nam.
Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang xúc tiến triển khai xây dựng tuyến phố ẩm thực tại khu bảo tồn cấp 1 của phố cổ Hà Nội, gồm Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ. Các tuyến phố ẩm thực sẽ nằm trong không gian đi bộ mở rộng phục vụ khách du lịch và người dân Hà Nội tham quan, trải nghiệm phố cổ Hà Nội, khám phá các giá trị văn hóa, ẩm thực của đất Kinh kì xưa.
Cho đến thời điểm hiện tại, đề án xây dựng tuyến phố ẩm thực trong khu phố cổ Hà Nội đã cơ bản hoàn tất, đang trình các sở xem xét lần cuối trước khi trình thành phố phê duyệt để đưa vào triển khai trong Qúy 3 năm nay.
Một góc phố Hàng Buồm (Hà Nội) xưa và nay. |
Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội, mục đích chính của việc xây dựng tuyến phố này là tạo không gian đi bộ, thưởng thức các món ăn đường phố vào các ngày cuối tuần, khơi dậy văn hoá ẩm thực của Hà Thành. Đây cũng là điểm thu hút khách du lịch và khuyếch trương hoạt động của phố đi bộ.
Theo kết quả khảo sát của Công ty CP Đồng Xuân - đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao thực hiện đề án, các nhà mặt phố mở cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố Hàng Buồm - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Mã Mây - Tạ Hiện có tổng số 159 cửa hàng, trong đó có 47 cửa hàng kinh doanh ăn uống, chiếm 30%.
Trên vỉa hè các tuyến phố này, có 50 người bán hàng buổi tối. Việc hình thành các nhà hàng ăn uống tự phát trên các tuyến phố này, với nhiều chủng loại phong phú đã đáp ứng được phần nào yêu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch nên các hàng ăn, giải khát sắp xếp tùy tiện, chèo kéo khách, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường không đảm bảo...
Do vậy, việc quy hoạch khu ẩm thực theo hướng văn minh, lịch sự trên cơ sở gìn giữ bảo tồn nét văn hóa ẩm thực lâu đời truyền thống của khu phố cổ là cần thiết. Công ty CP Đồng Xuân đã có nhiều cuộc họp bàn, khảo sát lấy ý kiến người dân trong khu vực tuyến phố đi bộ mở rộng và có gần 100% các hộ dân ủng hộ việc khôi phục, phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống để phục vụ khách du lịch.
Trước đây, Hà Nội đã xây dựng phố ẩm thực Việt Nam tại phố Tống Duy Tân. Tuy nhiên, phố ẩm thực này không phát huy được hiệu quả do phố Tống Duy Tân tách biệt với khu vực phố cổ và thiếu những không gian văn hóa truyền thống của Hà Nội. Trong khi, đa phần du khách quốc tế khi đến Hà Nội đều thích thú khám phá nhịp sống sôi động, tấp nập tại khu vực phố cổ, thăm các công trình kiến trúc và đặc biệt là muốn được thưởng thức các món ăn thể hiện nét tài hoa tinh tế của người Hà Nội, trở thành thương hiệu nổi tiếng ở phố cổ.
Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân, tuyến phố ẩm thực sắp được triển khai sẽ đáp ứng được yêu cầu này. Việc kết hợp giữa văn hoá vật thể và phi vật thể, cũng như các giá trị lịch sử sẽ tạo nên sự tồn tại lâu dài. Khu phố ẩm thực khi mở sang khu bảo tồn cấp 1 ở phố cổ Hà Nội sẽ "sống" vì gắn với kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ.
"Để cho tuyến phố có sức hút, việc tạo ra nét văn hoá trong tổ chức, cung cách phục vụ và chất lượng phục vụ là điều cần quan tâm. Hiện nay ở khu vực Hàng Buồm đang phát triển tự phát, nên chính quyền nghĩ đến việc tổ chức lại. Khi tổ chức lại thông qua một doanh nghiệp thực hiện công tác quản lý, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được quan tâm ở mức độ cao hơn, góp phần tạo nên sức hút văn hoá cho một khu phố ẩm thực đường phố đặc trưng của quận Hoàn Kiếm”, ông Đỗ Xuân Thủy khẳng định.
Để triển khai hiệu quả đề án, Công ty CP Đồng Xuân đang tích cực vận động các hộ dân kinh doanh các món ăn truyền thống của Hà Nội như: Bún thang, bún ốc, phở, phở cuốn, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm Hồ Tây, các loại chè cổ truyền..., đồng thời tổ chức sắp xếp cửa hàng, quầy hàng đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Đền Bạch Mã trên phố cổ Hàng Buồm. |
Riêng tình trạng hàng quán nấu nướng giữa lòng đường sẽ bị nghiêm cấm. Sau khi thực hiện, đơn vị sẽ cùng các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, công ty còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao kĩ năng của người bán hàng, tránh những trường hợp chèo kéo, “chặt chém” du khách. Công ty CP Đồng Xuân cũng xây dựng phương án vị trí đặt các điểm chốt, bố trí các điểm giao thông tĩnh, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Các tuyến phố ẩm thực nằm trong không gian đi bộ mở rộng sẽ tạo điều kiện để khách du lịch trong và ngoài nước có cơ hội khám phá nhiều hơn các giá trị văn hóa, ẩm thực của đất Kinh kỳ xưa.
Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội), việc hình thành và phát huy giá trị của tuyến phố ẩm thực sẽ góp phần quảng bá văn hóa của Việt Nam với bạn bè thế giới, bởi vì khu phố cổ là hội tụ của văn hoá ẩm thực của cả nước Việt Nam.
“Trong những năm qua, ngoài việc đầu tư phát triển mạnh kinh tế - xã hội, chúng ta vẫn không quên giá trị văn hoá ẩm thực. Việt Nam có văn hoá ẩm thực độc đáo, nhiều nghệ nhân được tôn vinh. Bên cạnh việc phát huy, tìm những cái mới cũng sẽ phải rút kinh nghiệm từ phố ẩm thực trước đây. Nếu làm tốt thì việc hình thành tuyến phố ẩm thực sẽ góp phần quảng bá văn hoá của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế”, TS. Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ quan điểm.
Việc kết hợp hài hòa giữa không gian đi bộ, mua sắm với văn hóa ẩm thực đòi hỏi việc tổ chức khoa học, đồng bộ, hấp dẫn. Đối với tuyến phố ẩm thực, điều quan trọng nhất là quan tâm đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng nét văn hóa thanh lịch trong cung cách phục vụ. Chỉ có như thế, chúng ta mới làm “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”, tạo ấn tượng tốt cho du khách trở lại khám phá phố cổ Hà Nội và Việt Nam thêm nhiều lần nữa./.