Một người Pháp say mê nghệ thuật ca Trù

Theo Aliénor Anisensel, càng nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này của Việt Nam, chị càng bị cuốn hút, mê hoặc  

Trong thời gian qua, đã có không ít người Pháp đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc Việt Nam. Qua đó, họ đã tìm thấy nhiều điều hấp dẫn. Trong số đó, chị Aliénor Anisensel là một người Pháp đang say mê tìm tòi, nghiên cứu về nghệ thuật ca Trù của Việt Nam. Sự nghiệp nghiên cứu của Anisensel chính thức bắt đầu từ năm 2003, và hiện chị đang tiếp tục Luận án Tiến sĩ về đề tài này. Phóng viên VOV thường trú tại Pháp đã có cuộc trò chuyện với chị Anisensel nhằm giúp độc giả hiểu thêm về nữ nghiên cứu sinh đặc biệt này. 

PV: Xin chị cho biết, điều gì đã khiến chị đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật ca Trù của Việt Nam?

Chị Anisensel

Chị Anisensel: Tôi đã sang Việt Nam nhiều lần để khám phá rõ hơn về ca Trù. Tôi đã được học hát với chị Nguyễn Thúy Hòa - một nghệ sĩ nổi tiếng ở Hà Nội, và một nghệ sĩ khác nữa ở làng Lỗ Khê (huyện Đông Anh). Khi tôi làm luận văn cao học, tôi phải là chuyên gia về một nước nào đó. Vào một ngày, tôi được nghe bố mẹ nói chuyện về Việt Nam. Câu chuyện của bố mẹ tôi về đất các bạn đã mê hoặc, quyến rũ tôi. Kể từ đó, tôi đã tìm đọc rất nhiều cuốn sách về Việt Nam. Vào một ngày, tôi đã đọc được một cuốn sách nói về ca Trù, ngay sau đó, tôi đã tìm đĩa về ca Trù để nghe. Từ đó, tôi đã bị nghệ thuật ca Trù hấp dẫn cho đến nay.

PV: Đã có một thời gian tìm hiểu về thể loại nhạc cổ truyền này, chắc hẳn chị đã có nhiều kiến thức, cũng như sự hiểu biết về nghệ thuật ca Trù. Chắc hẳn chị đã tìm được nhiều chi tiết hấp dẫn trong môn nghệ thuật này?

Chị Anisensel: Trong nghệ thuật ca Trù, những câu chữ, cử chỉ điệu bộ rất hay. Ví dụ như các tác phẩm của tác giả Dương Khuê, Cao Bá Quát... Bên cạnh đó, tôi thích cả hát chèo và hát Chầu văn. Tôi cũng từng nghe một đĩa nhạc với những tác phẩm truyền thống của dân tộc Êđê. Đây là thể loại âm nhạc dân gian cũng rất hẫp dẫn tôi.

Thực tế, tôi đã nghiên cứu về văn hóa Việt Nam từ năm 2003, cho tới nay đã được 7 năm. Tôi có thể nói rằng, văn hóa Việt Nam rất khác so với văn hóa Pháp, cũng như văn hóa phương Đông khác văn hóa phương Tây. Tôi cũng đã đọc rất nhiều sách về lịch sử, văn hóa Việt Nam, từ đó hiểu hơn về đất nước các bạn. Đặc biệt về Thăng Long - Hà Nội, tôi đã đọc một số cuốn sách về lịch sử Thăng Long – Hà Nội, từ năm 1010, với hình tượng Lý Thái Tổ, Rồng bay... rất hay. Để nói được tiếng Việt, tôi đã học tiếng Việt trong 2 năm ở trường ngôn ngữ INALCO tại Pháp, sau đó tôi học tiếp ở Việt Nam.

PV: Vậy trong tương lai, chị có những mong muốn hay dự định gì, nhất là trong việc nghiên cứu của mình?

Chị Anisensel: Sau này tôi cũng muốn nghiên cứu loại âm nhạc của dân tộc Êđê. Đặc biệt, tôi mong muốn các nghệ sĩ Việt Nam có thêm nhiều sáng tác về âm nhạc dân gian cổ truyền nữa, lắng nghe âm nhạc truyền thống nhiều hơn, và gìn giữ những báu vật như loại hình âm nhạc dân gian ca Trù”.

Xin cảm ơn chị!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên