Phó đô đốc Mỹ: Tên lửa Trung Quốc cản gì nổi Hải quân Mỹ

Phó đô đốc đốc Scott Conn, chỉ huy Hạm đội 3 hải quân Mỹ, xác nhận đã được báo cáo về vụ bắn tên lửa của Trung Quốc

"Chúng tôi có 38 tàu chiến ở khu vực và sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép", ông Conn nhấn mạnh.

Tàu sân bay USS Carl Vinson thuộc Hạm đội 3, Hải quân Mỹ - Ảnh: US NAVY

"Các lực lượng của chúng tôi liên tục theo dõi các cuộc tập trận ở khu vực, bao gồm cả cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc. Hải quân Mỹ sẽ sẵn sàng ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào đặt ra cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực", phó đô đốc Conn khẳng định trong cuộc họp báo sáng 27/8.

"Chúng tôi có 38 tàu chiến ở khu vực và sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép", chỉ huy Hạm đội 3 của Mỹ nhấn mạnh.

Cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức dự kiến chỉ tập trung vào tập trận đa quốc gia RIMPAC, nhưng phần lớn câu hỏi dành cho phó đô đốc Conn đều nhắc tới Biển Đông trước các diễn biến mới.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), các nguồn thạo tin quân đội của tờ này tiết lộ Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong 26B (DF-26B) và Đông Phong 21D (DF-21D) ra khu vực tập trận trên Biển Đông ngày 26/8.

Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc máy bay do thám U-2 của Mỹ đã lảng vảng gần khu vực tàu sân bay của nước này đang tập trận. Trung Quốc trước đó đã ban bố vùng cấm bay tại khu vực.

Phó đô đốc đốc Scott Conn, chỉ huy Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ - Ảnh chụp màn hình

Khi được yêu cầu đánh giá như thế nào về các động thái của Trung Quốc, phó đô đốc Conn đã từ chối trả lời và nói muốn tập trung vào tập trận RIMPAC. Tuy nhiên, trước câu hỏi "khích" của phóng viên khi so sánh RIMPAC năm nay với cuộc tập trận của Trung Quốc, ông Conn đã phá lệ.

“RIMPAC 2020 đã được lên kế hoạch trong hai năm qua và các cuộc tập trận RIMPAC diễn ra hai năm một lần. Tôi biết cuộc tập trận của Trung Quốc. Điểm khác biệt là gì? RIMPAC năm nay dù nhỏ hơn nhưng vẫn có tới 10 nước tham gia với 22 tàu chiến.

Tôi cam đoan với các bạn nếu Trung Quốc tổ chức tập trận như vậy, số nước tham dự không quá con số 2", Phó đô đốc Mỹ lập luận.

Từ Bắc Kinh, trong cuộc họp báo chiều cùng ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ, cáo buộc Washington can thiệp vào "công việc nội bộ" và yêu cầu "sửa sai ngay lập tức".

Bộ Quốc phòng Trung Quốc kế đó cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ "ngừng khiêu khích" và nhấn mạnh các cuộc tập trận ở Biển Đông, biển Hoa Đông "là hoạt động thường lệ, không nhắm vào nước nào".

Nguồn tin của SCMP nói vụ bắn tên lửa là đáp trả lại sự xuất hiện của máy bay do thám U-2. Tuy nhiên, cách lập luận này khiến nhiều người khó hiểu: Vì sao lại sử dụng tên lửa đạn đạo chống tàu để răn đe một máy bay do thám có trần bay trên 21.000m?

Tên lửa DF-26 của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc tại khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bà Thu Hằng nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên