"Ngày mới" - triển lãm tranh của họa sĩ khuyết tật
(VOV) - Mỗi người một cách vẽ, một chất liệu khác nhau nhưng bằng trái tim của người họa sĩ.
Triển lãm đã trưng bày 26 bức tranh thể hiện trên chất liệu như: sơn dầu, Acrylic, sơn mài, cắt dán giấy, gạo...
Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền có nhiều bức tranh mang cùng một cái tên: “Con mọn”. Anh từng là người lính ở Lữ đoàn pháo phòng không 573, Bình Định. Năm 2002, anh xuất ngũ và thi đậu vào khoa Toán, trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc. Thế nhưng, một tai nạn đã làm anh liệt hết tay chân, 10 năm nay không rời khỏi chiếc xe lăn.
Các họa sĩ khuyết tật tham gia triển lãm |
Năm 2008, anh Hiền bắt đầu học vẽ khi đang ở trong viện để điều dưỡng và phục hồi chức năng. Do tay quá yếu, phải nhờ người cột bút vào tay. Đến năm 2009, Hiền tự học pha màu và vẽ màu nước. Năm 2010, vẽ màu acrylic với đề tài chủ yếu là phong cảnh phố cổ, tĩnh vật để bán trang trải viện phí, sau đó anh bắt đầu vẽ tranh về chủ đề gia đình, con người. Anh Hiền cho biết, giờ anh vẽ cả ngày. Vẽ tranh là niềm vui vừa phụ giúp vợ trong việc lo kinh tế cho gia đình.
Hoàn cảnh của họa sĩ Lê Thị Mỹ Bình cũng không khác gì mấy. Chị năm nay đã 32 tuổi.
Năm 1992, lúc đang học lớp 6, chị mắc chứng bệnh viêm tủy cắt ngang, liệt hai chân, không đứng và không đi lại được. Nỗ lực vượt lên số phận, sau một thời gian dài điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương, chị lại tiếp tục học đến hết lớp 9 rồi nghỉ học và tìm cách học vẽ để kiếm sống.
Đứng bên các tác phẩm “Xóm Cũ”, “Tôi” và “Cá”… được thực hiện từ hàng ngàn mảnh giấy vụn phế thải, họa sĩ Mỹ Bình xúc động: “Đây là lần đầu tiên mình đem tác phẩm đến Huế để tham gia triển lãm. Mỗi người một cách vẽ, một chất liệu khác nhau nhưng bằng trái tim của người họa sĩ, mình biết rằng, các đồng nghiệp đã phấn đấu và nỗ lực hết mình để có được những tác phẩm “kỳ diệu” như thế”.
Tạ Quảng là bút danh của hoạ sĩ Tạ Minh Quảng (anh sinh năm 1979), hiện anh đang sống tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Con đường nghệ thuật của anh bắt đầu từ cột mốc đáng nhớ như anh đã tự bạch: "…Tôi nhớ hôm đó trời Vĩnh Yên đầy gió và mưa. Tôi đã bật khóc khi nhìn thấy tác phẩm Phố của mình được treo cùng tranh của các hoạ sĩ 14 tỉnh khu vực".
Kể từ năm 2005 đến nay, năm nào anh cũng có tranh tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực và nhiều triển lãm trẻ. Tạ Quảng đang chứng minh mình là một hoạ sĩ trẻ năng động trong sáng tác và giới thiệu tác phẩm nhanh chóng đến với công chúng.
Họa sĩ khuyêt tật Lê Quang Lĩnh |
Nếu biết được Tạ Quảng đã tự vượt lên số phận, vẽ bằng tay trái và bằng con đường tự học thì ngay cả với những ai đã được đào tạo bài bản cũng sẽ cảm thấy khâm phục.
Với Tạ Quảng "trường đời" là một trường đại học lớn như cách nói của nhà văn lớn Maksim Gorky. Anh đã tự vượt lên chính mình, sớm trở thành hội viên Đồ hoạ trẻ của hội Mỹ thuật Việt Nam.
Dù bị khiếm thính từ nhỏ, nhưng Phạm Đình Thái với niềm đam mê vẽ, anh đã tự tìm, học hỏi và đã sáng tác ra nhiều thế loại tranh ...(Tranh gạo, tranh sơn mài....) đặc biệt nhiều năm gần đây, Thái tham gia nhiều cuộc triển Lãm của Hội Mỹ thuật Huế tổ chức như: Triển Lãm múa xuân, Tặng phẩm tháng Ba...
Còn Lê Quang Lĩnh (SN 1985 bị tàn tật do di chứng bệnh não để lại khi 1 tuổi. Năm lên 7 tuổi, chân tay anh bị co quắp lại. Anh đã vượt qua chính mình hòa nhập với cộng đồng bằng việc đi học vẽ, rồi tham gia nhiều triển lãm, nhiều cuộc thi vẽ tranh sau đó./.