Ngày thơ Việt Nam 2017: Sự hòa quyện của mọi thế hệ thơ ca
VOV.VN - Tạm quên đi ranh giới của những nhà thơ gạo cội và những nhà thơ trẻ. Ngày hôm nay tất cả cùng hòa làm một vì tình yêu với thơ ca.
Sáng nay, tại trung tâm Văn Miếu – Quốc Từ Giám đã diễn ra Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV với chủ đề Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước, bên cạnh đó còn là dịp để kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam 1957 – 2017.
Ngày thơ năm nay như một lễ hội, hướng đến tất cả mọi người. Ai cũng có thể góp một tiếng nói và góp sự sáng tạo của mình để phát triển và đổi mới hơn nữa nền văn thơ của nước nhà.
Không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngập tràn những hình ảnh liên quan đến thơ |
Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch hội nhà văn Việt Nam cho biết: “14 năm qua, mỗi năm ngày thơ Việt Nam lại được cải biến, bổ sung và sáng tạo để làm phong phú thêm về nội dung và hình thức. Ngày thơ Việt Nam dần dần trở thành một lễ hội văn hóa mới với sự gặp gỡ đầm ấm giữa các nhà thơ và công chúng yêu thơ. Năm nay, ngày thơ Việt Nam đã được tổ chức một cách sáng tạo, trở thành nơi tôn vinh, truyền bá các giá trị thơ ca của dân tộc đến các thế hệ. Với phương châm các nhà văn đồng hành và sáng tạo cùng đất nước, các nhà thơ nhà văn tự hào vì những giá trị đã cống hiến cho đất nước.”
Nghẹn ngào với thơ cách mạng
Nền văn học trong thời kỳ chiến tranh đã góp một phần rất lớn vào nền thơ ca của Việt Nam. Có thể kể đến những tên tuổi như: Trần Ninh Hồ, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm...
Dù chiến tranh đã cách xa mấy chục năm, nhưng những lời thơ về nó được cất lên vẫn lâng lâng niềm xúc động dâng trào. Như nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh, đọc rồi không thể quên được. Làm thế nào để làm thơ hay thì trước hết các nhà thơ phải gương mẫu làm thế nào để nó không dở, nếu đã thấy thơ dở rồi thì kiên quyết không in”
NS Văn Chương và NSND Vương Hà trình bày bài thơ "Nguyên Tiêu" của chủ tịch Hồ Chí Minh |
Nhiều tác phẩm thơ của các nhà thơ nổi tiếng được cất lên giới thiệu đến khán giả. Rất nhiều người tại ngày thơ hôm nay đều là những người sống và làm việc trong thời bình, tuy nhiên khi được nghe những câu thơ về thời kỳ bon đạn khói lửa đã không khỏi rưng rưng.
Như câu chuyện dài trong những năm tháng chiến đấu bên đất bạn Campuchia của nhà thơ Anh Ngọc, tình thương của người chiến sĩ Việt Nam đối với em bé Campuchia, mà theo lời ông kể là cậu bé năm tuổi “gầy dơ xương, đầu gối to hơn đùi”. Người chiến sĩ ấy đã viết “Khúc ca ru dưới bóng Angkor” như để làm một điều gì đó tặng cho em bé.
“Tôi bế trên tay một em bé Campuchia đói khát
Đến trước tượng người vũ nữ Angkor
Và dỗ nín em bằng cặp vú đá của nàng
À ơi em ngủ đi em
Ngủ đi giấc ngủ bên thềm Angkor...”
Hay nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khiến khán giả phải bật khóc trong bài thơ “Phương ấy” vốn đã rất nổi tiếng của ông.
"Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn...”
Luồng sinh khí mới từ các nhà thơ trẻ
Ngày thơ năm nay được tổ chức rất đặc biệt khi cùng với đó là dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam, chính vì lẽ đó mà năm nay không có sự phân biệt giữa các thế hệ, tất cả cùng xuất hiện một lúc trên sân khấu chính.
Đây cũng là dịp các nhà thơ trẻ được thể hiện tình yêu đối với thơ ca qua những tác phẩm thơ của mình. Ngoài những nhà thơ nối tiếp từ thời kỳ chiến tranh sang hòa bình, với những đóng góp to lớn cho nền văn thơ đổi mới như Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bảo Châu, Bùi Tuyết Mai... thì các nhà thơ trẻ như: Bùi Hoàng Tám, Lữ Thị Mai, Nguyễn Quang Hưng... cũng đã thể hiện được sự mới mẻ và tinh tế trong những câu thơ của mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Y Phương kể những câu chuyện cho ra đời những tác phẩm thơ của mình. |
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – một trong những nhà thơ đại diện cho nền thơ mới của Việt Nam: “Cái quan trọng nhất của một thi sĩ là đi tìm được giọng nói của anh ta, trong giọng nói đó là văn hóa, làng xóm, số phận... của anh ta. Tôi nghĩ đổi mới là sự cần thiết, như một con sông cần chảy nước, đổi mới rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là mỗi nhà thơ phải là chính con người mình.”
Xem clip nhà thơ trẻ Lữ Thị Mai đọc tác phẩm thơ của mình