Đối thoại chính sách kênh 1,5 Đối tác Mekong-Mỹ về chủ đề "Năng lượng và Hạ tầng"

VOV.VN - Phiên khai mạc có sự tham dự của hơn 130 đại biểu đến từ cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức xã hội của các nước Mekong, Mỹ và một số đối tác.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc ngày 18/10 (theo giờ Hoa Kỳ) đã tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc trực tuyến Đối thoại chính sách kênh 1,5 Đối tác Mekong-Mỹ với chủ đề "Năng lượng và Hạ tầng". Phiên khai mạc có sự tham dự của hơn 130 đại biểu đến từ cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức xã hội của các nước Mekong, Mỹ và một số đối tác.

Trong phát biểu khai mạc, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ với khu vực và tầm quan trọng của quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ, sáng kiến tiêu biểu cho hợp tác của Mỹ với các nước Đông Nam Á lục địa. Trợ lý Ngoại trưởng cho biết thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các nước Mekong và các đối tác để triển khai các kế hoạch, dự án đã nhất trí.

Mỹ sẽ phối hợp với Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật phát triển năng lượng tái tạo, thương mại điện xuyên biên giới và cải tiến thị trường năng lượng, thúc đẩy dự án thí điểm xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng ở Việt Nam, phát triển xe điện ở Thái Lan. Để phát triển hạ tầng bền vững, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ đánh giá tác động môi trường, xây dựng các tiêu chuẩn cao cho các dự án hạ tầng, tối ưu hoá hoạt động vận tải, thương mại xuyên biên giới.

Khẳng định cam kết của Mỹ đối với biến đổi khí hậu, bà Melanie Nakagawa, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống và Giám đốc phụ trách Năng lượng và Khí hậu, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết chính quyền Mỹ hiện đang triển khai chiến lược “ba chân kiềng”, gồm có đẩy mạnh các nỗ lực, hành động khí hậu trong nước; phát huy vai trò lãnh đạo, dẫn dắt các nỗ lực quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu; và phối hợp với các đồng minh, đối tác, các nước cùng quan điểm.

Bà Kate Newman, Phó Chủ tịch Sáng kiến Hạ tầng bền vững và khu vực công thuộc Quỹ Động vật hoang dã thế giới cho rằng khu vực có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hà Lan, New York hay đồng bằng lưu vực sông Mississipi trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại Đối thoại, Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá cao tiến triển nhanh chóng trong quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ thời gian qua, hoan nghênh cam kết mạnh mẽ và những hành động thiết thực của chính quyền Mỹ tăng cường hợp tác và hỗ trợ cho các nước Mekong, trong đó tiêu biểu là việc viện trợ hàng triệu liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế phòng chống đại dịch Covid-19.

Đại sứ khẳng định, năng lượng và hạ tầng luôn là ưu tiên cao trong hợp tác giữa các nước Mekong nói riêng và ASEAN nói chung, có ý nghĩa quan trọng giúp thu hẹp khoảng cách phát triển. Đại sứ đề nghị Mỹ và các nước Mekong tiếp tục coi trọng hợp tác về năng lượng và hạ tầng, đặc biệt trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Đại sứ nhấn mạnh cơ hội đầu tư đầy tiềm năng với các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hạ tầng và mong sẽ có các dự án chất lượng cao của Mỹ tại tiểu vùng Mekong, vừa đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực, vừa là sự cụ thể hoá cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực.

Phần thảo luận, các đại biểu trao đổi về những định hướng phát triển năng lượng và hạ tầng một cách bền vững tại tiểu vùng Mekong, bảo đảm các mục tiêu kinh tế-xã hội, đồng thời nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Các ý kiến phát biểu đều ghi nhận nỗ lực của các nước khu vực từng bước nâng cao tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu tiêu thụ điện, tăng cường kết nối mạng lưới điện khu vực và phát triển thương mại điện, kết nối hạ tầng giao thông, vận chuyển qua biên giới, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội trong quá trình phát triển dự án hạ tầng.

Các đại biểu cũng đề cập các thách thức như sự khác nhau giữa quy định pháp luật của các nước, thiếu phối hợp trong triển khai một số dự án thuỷ điện, tỷ trọng sử dụng nhiên liệu hoá thạch còn cao, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp…

Đối thoại chính sách kênh 1,5 Đối tác Mekong – Mỹ (MUSP) về chủ đề Năng lượng và Hạ tầng là hoạt động thứ hai trong chuỗi 7 cuộc Đối thoại chính sách dự kiến được tổ chức trong giai đoạn 2021-2023. Theo chương trình, trong các ngày tới, các đại biểu sẽ đi vào thảo luận những thách thức và các giải pháp nhằm phát triển năng lượng và hạ tầng nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững ở tiểu vùng Mekong./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh quyền lực quyết liệt trên dòng sông Mekong
Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh quyền lực quyết liệt trên dòng sông Mekong

VOV.VN - Mỹ và Trung Quốc đã cạnh tranh với nhau rất quyết liệt trên nhiều mặt trận. Khu vực sông Mekong cũng là một mặt trận như thế.

Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh quyền lực quyết liệt trên dòng sông Mekong

Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh quyền lực quyết liệt trên dòng sông Mekong

VOV.VN - Mỹ và Trung Quốc đã cạnh tranh với nhau rất quyết liệt trên nhiều mặt trận. Khu vực sông Mekong cũng là một mặt trận như thế.

Phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng
Phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị các nước sản xuất được vaccine tiếp tục hỗ trợ các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng

Phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị các nước sản xuất được vaccine tiếp tục hỗ trợ các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Hôm nay, Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng
Hôm nay, Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng

VOV.VN - Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị tiếp tục thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với hợp tác ở khu vực Mekong, tập trung các nước láng giềng, đối tác đặc biệt và đối tác chiến lược.

Hôm nay, Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng

Hôm nay, Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng

VOV.VN - Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị tiếp tục thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với hợp tác ở khu vực Mekong, tập trung các nước láng giềng, đối tác đặc biệt và đối tác chiến lược.