Ngày Xuân về Hội vật làng Sình

Với truyền thống hơn 400 năm, vật làng Sình đã trở thành một lễ hội văn hoá - thể thao đậm nét dân tộc, nằm trong dòng chảy văn hoá của miền đất Cố đô Huế.  

Ngày 23/2 (mồng 10 Tết Canh Dần), tại làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) đã diễn ra Hội vật làng Sình. Lễ hội mang ý nghĩa thượng võ, rèn luyện thân thể và ý nguyện cho một năm đầy may mắn, thành công.

Từ trung tâm thành phố Huế, theo dòng Hương Giang khoảng 7km sẽ đến ngã ba Sình. Làng Sình là một trong bảy làng thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Làng đứng chân tại ngã ba hợp lưu của hai dòng sông Bồ, sông Hương theo truyền thống văn hoá Đại Việt thời Trần.

Vào mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, về làng Sình để xem đấu vật, môn võ cổ truyền không chỉ là niềm đam mê của nhiều người dân địa phương mà còn là của những ai đã từng đắm mình trong “bầu sữa” văn hóa làng xã.

Chuyện kể rằng, vào thời Trần - Hồ, thành Hoá Châu là lỵ sở của một vùng phên dậu phương Nam nước Đại Việt, được xây dựng trong khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt, án ngữ thuỷ lộ huyết mạch mà vùng Thanh Phước, Sình chính là cửa ngõ.

Để huấn luyện binh sĩ, vật võ là môn thể thao được ưa chuộng. Trai làng Sình tích cực tham gia và dần dần trở thành một phong trào được tổ chức hàng năm để rèn luyện sức khoẻ trong lao động và bảo vệ quê hương.

Tiếng trống của vị Chấp lệnh tạo không khí rộn ràng của sới vật

Dưới thời Nguyễn, nhờ có vị trí đặc biệt quan trọng trên các tuyến thuỷ lộ huyết mạch mà ngã ba Sình được triều đình chú trọng đầu tư xây dựng thành nơi diễn tập thuỷ quân. Với phương châm lấy việc rèn luyện sức khoẻ làm đầu, Nhà nước phong kiến khuyến khích quân lính tổ chức vật võ, về sau ấn định ngày mồng 10 tháng Giêng làm ngày hội thao, tổ chức tại làng Sình. Vật võ đã trở thành mạch sống văn hóa của làng Sình và còn có ý nghĩa để cầu an. 

Không như các làng võ cổ truyền ở Bắc Bộ, sới vật làng Sình không trải thảm mà vẫn dùng bằng đất cát, trên nền sới vuông, cao 1,5m, mỗi cạnh rộng 8 m. Năm nay, Hội vật làng Sình được chuẩn bị khá kĩ lưỡng. Thanh niên trong xã được huy động đắp cao sân đình, rào chắn trở thành một sới vật cho các đô vật trổ tài. Mỗi một gia đình ở đây cũng đã chuẩn bị tươm tất các món ẩm thực để chuẩn bị đón người thân, bạn bè đi làm ăn xa nay có dịp về thăm quê hương.

Tờ mờ sáng, các bô lão trong làng tề tựu về đình làng Lại Ân để làm lễ khấn cáo. Phẩm vật tuy đơn sơ nhưng thật ý nghĩa khi bài văn khấn thể hiện ước vọng quốc thái dân an, cầu cho dân làng hưng phát, ăn nên làm ra, mùa màng bội thu…

Hội vật làng Sình năm nay khá rộn ràng với sự tham gia của gần 100 đô vật nam và nữ đến từ các xã, phường, thị trấn ở các huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền và TP Huế. Sau phần nghi lễ được tổ chức tại đình làng Lại Ân, Hội vật năm nay được tổ chức ở một không gian mới vừa quy hoạch trong khu đất 0,5ha tại trung tâm của làng Lại Ân.

Ngày trước, người thắng cuộc là tay thượng võ đài chiến thắng mọi đối thủ đến phút cuối, khi không còn ai lên đấu vật nữa mới được trở thành vô địch. Thì nay, các đô vật không chỉ giới hạn trong làng mà được hội tụ nhiều địa phương trong toàn tỉnh, họ thi đấu bằng nhiều cặp, qua vòng sơ kết, bán kết rồi chung kết. Thắng ở vòng chung kết là vô địch.

Tại sới vật, vị Chấp lệnh (đại diện Hội đồng tộc trưởng của làng) đánh ba hồi khai cuộc. Khi các đô vật đến đăng ký và lần lượt thi đấu từng đôi một, tiếng trống vang lên, lúc thăng, lúc trầm, lúc khoan thai và khi lại dồn dập tuỳ vào diễn biến của trận đấu, làm không khí của sới vật thêm phần rộn ràng, hấp dẫn.

Miếng đòn cuối cùng

Khi hồi trống giảm dần từng tiếng nhưng gấp gáp rồi dừng hẳn cũng có nghĩa là vị Chấp lệnh đã phát hiện các đô vật sử dụng các ngón hiểm như: lao đầu, ngóc đầu, quàng hầu, tấn công giữa ngực, nổi nóng, ẩu đả... Các món hiểm này đều được trọng tài can ngăn và dàn xếp đúng lúc. Các đô vật cũng phải nhất nhất tuân thủ nghiêm lệnh trọng tài thông qua tiếng trống của vị Chấp lệnh.

Cả sới vật vang tiếng reo hò, cổ vũ cho hàng chục cặp đô vật ở độ tuổi thanh niên và thiếu niên tham gia tranh tài vòng loại trong suốt buổi sáng mồng 10 Tết. Để giành quyền vào vòng trong, các đô vật phải thắng liên tiếp ba đối thủ. Đến buổi chiều, sới vật càng gay cấn và quyết liệt ở vòng bán kết với việc loại trực tiếp từng đối thủ. Kết quả có 16 đô vật ở hai độ tuổi vào vòng chung kết. 

Điểm đặc biệt, kết quả chung cuộc năm nay hầu hết các giải nhất, nhì, ba ở hai lứa tuổi thanh niên và thiếu niên đều thuộc về các đô vật đến từ làng Thanh Phước, xã Hương Phong (huyện Hương Trà). Ngoài việc nhận cờ, huy chương và tiền thưởng, đác đô vật đoạt giải nhất được nhận mâm cau, trầu, rượu của Hội Bồi dâng làng cúng trong buổi lễ tế ngày hôm trước. Hội vật còn trao giải thưởng nhân cách và đạo đức cho các đô vật có tinh thần thi đấu đẹp.

Là sân chơi đầu xuân với ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ, hội vật luôn chú trọng đến việc rèn luyện sức khoẻ, không đặt nặng tư tưởng thắng thua. Nếu đô vật không tuân thủ những quy định, không thể hiện tinh thần thượng võ và đạo đức thì hình thức kỹ luật là đuổi khỏi sới, cấm thi đấu. Hội vật còn là dịp giúp thanh thiếu niên rèn luyện thể lực và nhân cách sống đẹp, sống khỏe./.

Một số hình ảnh tại sới vật làng Sình:

Các cặp đấu diễn ra quyết liệt

Tìm thế...

Khoá tay...

Các đô vật nữ tranh tài

Hội vật thu hút sự quan tâm của rất đông người dân

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên