Nghệ nhân Thổ Đồng - Người giữ hồn tiếng trống Ghi-năng của người Chăm
VOV.VN - Trống Ghi-năng là loại nhạc cụ không thể thiếu được trong các lễ hội của người Chăm.
Theo quan niệm người Chăm, trống Ghi-năng tượng trưng cho đôi chân của con người, là một trong ba loại nhạc cụ tạo nên linh hồn cho lễ hội Chăm. Thế nhưng hiện nay, người biết chơi trống Ghi-năng đã hiếm, người biết làm ra loại trống này càng hiếm hơn. May mắn là vẫn còn có một vài nghệ nhân biết chế tác ra trống Ghi-năng.
Anh Xích Trực, một nhạc công (chơi trống Ghi-năng – thổi kèn Saranai) của Đoàn Ca múa nhạc dân gian Chăm Bình Thuận bộc bạch khi nghe chúng tôi hỏi về ông Thổ Đồng: "Lúc mới vào đoàn, đầu tiên là đánh trống Ghi-năng. Người truyền dạy cách đánh trống Ghi-năng là thầy Thổ Đồng. Lúc còn nhỏ thầy Đồng dạy tôi rồi. Lúc mới vào đoàn biết ít thôi, sau đó vừa làm vừa học thêm, cộng với niềm đam mê nữa nên tôi học hỏi thêm cách thổi kèn Sa-ra-nai và cách chơi đàn Ka-nhi. Lúc đó thầy Đồng thấy tôi có năng khiếu nên truyền dạy lại. Rồi được anh em trong đoàn dạy thêm các nốt nhạc, từ đó mình phát triển thêm, đáp ứng được yêu cầu biểu diễn của đoàn."
Nghệ nhân Thổ Đồng đang chế tác. |
Không chỉ sử dụng thành thạo, lão luyện các nhạc cụ dân gian Chăm, ông Đồng còn biết chế tác ra các loại nhạc cụ này. Đặc biệt là trống Ghi-năng. Để thỏa mãn tính tò mò, anh Xích Trực đã đưa chúng tôi đến thăm nhà Nghệ nhân Thổ Đồng ở thôn Thanh Kiết, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Trong căn nhà cấp 4 của mình, ông Thổ Đồng dành một góc riêng để trưng bày các loại nhạc cụ mà ông rất đam mê, nào là Ghi-năng, Pa-ra-nưng, Sa-ra-nai, Ka-nhi,... Ông Thổ Đồng chia sẻ: "Trước đây tôi làm không được bao nhiêu cả, năm 1976 mình theo học đánh trống Ghi-năng, đến năm 1980 trở đi tôi mới bắt đầu làm trống Ghi-năng, làm Pa-ra-nưng, saranai, ka-nhi luôn."
Đến nay, ông Thổ Đồng đã làm ra rất nhiều loại nhạc cụ dân gian. Đặc biệt, ông đã chế tác ra hơn 50 cặp trống ghi năng. Các loại nhạc cụ ông chế tác ra chủ yếu theo đơn đặt hàng từ các đơn vị, như: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm, Đoàn Ca múa nhạc dân gian Chăm Bình Thuận….
Để làm ra một cặp trống Ghi-năng, ông đã đặt mua những khối gỗ chất lượng (thường là gỗ lim, gụ, trắc,…) và da trâu mộng tại khắp các làng Chăm. Do âm thanh và chất lượng của trống Ghi-năng phụ thuộc vào thân trống, nên việc đục đẽo tạo nên thân trống rất tỷ mỉ và tất cả đều làm thủ công. Để chế tác ra một cặp trống thường thì ông phải mất cả tháng trời.
Khi đã thành thạo công việc chế tác trống Ghi-năng, ông đã mầy mò để làm ra các loại nhạc cụ khác như Pa-ra-nưng, kèn Sa-ra-nai và đàn Ka-nhi.
Nghệ nhân Thổ Đồng đang giới thiệu đàn Ra-bap. |
Hiên nay, người biết chơi trống Ghi-năng như Nghệ nhân Thổ Đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để đánh được trống Ghi-năng có hồn là điều khó, đòi hỏi người chơi phải phân biệt rành mạch điệu nào tấu cho lễ, điệu nào tấu cho hội trong 72 nhịp điệu trống Ghi-năng.
Nghệ nhân Thổ Đồng kể rằng, thời thơ ấu dưới ánh trăng của làng Chăm, mỗi khi vào hội Ka-tê, những điệu trống Ghi-năng, nhịp trống Pa-ra-nưng hay đã thấm đẫm vào tâm hồn ông.
Tiếng trống Ghi-năng của Nghệ nhân Thổ Đồng đã góp phần mang về cho Đoàn Ca múa nhạc dân gian Chăm Bình Thuận nhiều huy chương vàng trong các lần hội diễn văn nghệ khu vực và toàn quốc.
Từ nhiều năm nay, Nghệ nhân Thổ Đồng đã trở thành một trong những người đánh trống Ghi-năng hay nhất, có hồn nhất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Hàng năm, ông được Phòng Văn hóa huyện Bắc Bình, Đoàn Ca muá nhạc dân gian Chăm, Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận mời đến giảng dạy và biễu diễn mẫu cho khách tham quan và các nghệ sỹ học tập. Nhờ sự giúp đỡ của Nghệ nhân Thổ Đồng, Đoàn Ca múa nhạc dân gian Chăm Bình Thuận có hàng chục tiết mục mang dấu ấn không thể quên trong lòng khán giả trong nước và quốc tế.
Một góc trưng bày. |
Bà Lư Thái Tuyên – Phó Giám đốc Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận chia sẻ: "Ngoài việc giới thiệu các nhạc cụ dân gian, trung tâm còn mời các nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân biết chế tác ra các nhạc cụ dân gian về đây chế tác để phục vụ khách tham quan biết về các quy trình làm ra các nhạc cụ này. Việc này cũng là một hình thức truyền dạy lại cho các thế hệ người Chăm biết về cách làm ra các loại nhạc cụ dân gian. Hiện nay tìm được một nghệ nhân biết chế tác ra các loại nhạc cụ rất hiếm, trong huyện Bắc Bình chỉ có mình ông Thổ Đồng."
Để ghi nhận những cống hiến to lớn của ông trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, năm 2015 ông Thổ Đồng được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2018 vừa qua, ông tiếp tục được đề cử danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.
Điều mà ông lo nhất là lớp trẻ người Chăm hiện nay không còn mặn mà với nhạc cụ dân gian, trong khi những nghệ nhân như ông ngày một già yếu. Bên cạnh đó việc đãi ngộ cho các nghệ nhân ở tỉnh Bình Thuận cũng chưa có.
Ông trải lòng: “Vừa qua các phương tiện truyền thông đưa tin về việc ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh đã có chế độ đãi ngộ đối với Nghệ nhân Dân ca quan họ, mà mình thấy chạnh lòng. Tuy số tiền không nhiều, nhưng đó cũng làm ấm lòng các nghệ nhân”.
Mong sao những người đã có công gìn giữ, phát huy tinh hoa của văn hóa dân tộc Chăm như Nghệ nhân Thổ Đồng sẽ nhận sự quan tâm nhiều hơn nữa để động viên ông tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước ./.