Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Lả - thư viện sống của đồng bào Thái

VOV.VN - Ông Lò Văn Lả được bà con gọi là "thư viện sống của đồng bào Thái" bởi ông đã dày công sưu tầm và bảo tồn được một kho tàng tác phẩm văn hoá Thái.

Ông Lò Văn Lả, nghệ nhân ưu tú dân tộc Thái ở tổ 7, phường Tô Hiệu,  thành phố Sơn La, được bà con người Thái khắp trong vùng xem như một thư viện sống. Bởi ông đã dày công sưu tầm và bảo tồn được một kho tàng tác phẩm văn hoá Thái.

Ông Lò Văn Lả.

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Trường sư phạm miền núi Trung ương, ông Lò Văn Lả được phân công về công tác tại Trường Sư phạm miền núi khu Tây Bắc giảng dạy chữ và tiếng Thái cho giáo viên miền xuôi lên tăng cường cho Sơn La. Sau đó ông được phân công về công tác tại Báo Tây Bắc, viết chữ Thái, dịch, in chữ Thái để phổ  biến đến đồng bào. Từ đó, ông càng có thêm nhiều điều kiện để sưu tầm,  tiếp cận với bà con và hiểu thêm về văn hoá Thái.

"Ngày xưa không có tài liệu để dạy học, tôi tự tìm hiểu qua những người am hiểu về văn hoá, những nghệ nhân sáng tác thơ ca, qua đó tôi được tham khảo qua các bài hát dân ca Thái. Thứ 2 tôi được giao xem các tài liệu văn hoá Thái trong thư viện, tôi càng hiểu về văn hoá Thái từ đó tôi mới nảy ra ý định sưu tầm và bảo tồn văn hoá để cho đồng bào Thái tìm hiểu về trời, đất, vũ trụ như thế nào... về phong tục tập quán, tìm hiểu những bài hát dân ca, ca ngợi quê hương, đất nước như thế nào” - ông Lò Văn Lả cho biết.

Năm 2007, khi phông chữ Thái được đưa vào phần mềm máy tính, ông lại nghiên cứu, đưa các tác phẩm ông đã sưu tầm vào lưu trữ trong máy tính. Tác phẩm nào chưa dịch ông tiếp tục dịch, vừa đánh chữ la tinh vừa đánh chữ Thái để lưu truyền cho mai sau, kể cả những tác phẩm có nhiều chương, nhiều bài.

Chỉ tính riêng tác phẩm “Tay Pú xớc” - kể truyện bản mường có hơn 60 bài, “Phanh mường, Phiết mường” có 36 bài. Về mảng văn học, truyện thơ cổ dân tộc Thái ông sưu tầm được 9 tác phẩm, trong đó có tác phẩm nổi tiếng của đồng bào Thái như “Sống chụ xon xao”, “Tiễn dặn người yêu”, "Khun Lú Nàng Ủa", "Hiên Hom Căm Đôi", "Ý nọi Nàng Xưa"... Ngoài ra, còn có nhiều bài ca dao tục ngữ, câu đố, hát đố, đồng dao và thần thoại, truyền thuyết, câu chuyện cổ tích, những tác phẩm viết về tâm linh...

Tất cả đến nay đều được ông sưu tầm và bảo tồn, với khoảng gần 17.000  trang giấy khổ A4. Đây thực sự là nguồn tư liệu quý đối với những người muốn tìm hiểu về văn hoá dân tộc Thái, đặc biệt là các nghiên cứu sinh, các em sinh viên làm luận án tốt nghiệp.

 

Tiến sỹ Hà Thị Mai Thanh, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Bắc cho biết: "Trong quá trình làm luận án, tôi đã phải cất công tìm đến nhiều chuyên gia, những người cao tuổi đang sống ở tỉnh Sơn La, một trong số đấy là ông Lò Văn Lả. Khi đến làm việc với ông Lả, cảm nhận đầu tiên của tôi đấy là một người rất say mê, làm việc rất nhiệt tâm và có công thu thập tài liệu, dịch, lưu giữ những văn bản, số hoá tư liệu thành ngữ liệu để sau này tất cả những người trẻ có thể tìm đọc. Cũng là người con của dân tộc Thái cho nên rất là trân quý những đóng góp của ông cho việc sưu tầm, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái".

Theo ông Lò Văn Lả, kết quả trong công tác sưu tầm, lưu giữ các tác phẩm văn hóa Thái của ông là nhờ có bà con đồng báo Thái ở các vùng trong tỉnh Sơn La và Điện Biên đã cung cấp những tư liệu quý, cùng ông bảo tồn những giá trị văn hoá dân tộc. Cùng với đó ông nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các giáo sư của Trưòng đại học sư phạm Hà Nội trong việc cung cấp tài liệu và cách thức sưu tầm, bảo tồn và số hoá các tư liệu.

Bây giờ dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn hàng ngày miệt mài sưu tầm, lưu giữ, với mong muốn sẽ có được một gian trưng bày những giá trị văn hóa dân tộc mình: "Bây giờ tôi đã sưu tầm, bảo tồn được chủ yếu là văn hoá Thái ở tỉnh Sơn La, Điện Biên nhưng còn văn hoá Thái ở vùng Mộc Châu, Phù Yên, Mai Châu tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An. Bà con cũng mời tôi đi nhưng chưa thực hiện  được, tôi còn sức khoẻ sẽ cố gắng làm. Mong ước của tôi muốn xây dựng một gian trưng bày những sản phẩm sưu tầm để con cháu sau này ai có nhu cầu thì đến tìm hiểu".

Với những đóng góp của của ông, năm 2015 ông vinh dự được Đảng và Nhà nước vinh danh nghệ nhân ưu tú. Ông thật xứng đáng với tên gọi thân thiết mà bà con người Thái bản trên mường dưới đặt cho: thư viện sống của đồng bào./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người lưu giữ kho tàng văn hóa Thái ở Mường Lò
Người lưu giữ kho tàng văn hóa Thái ở Mường Lò

Không quản ngại khó khăn, ông lặn lội mường trên, bản dưới để sưu tầm các cuốn sách cổ của dân tộc mình. Có cuốn, ông bớt ăn bớt mặc để mua, nhiều cuốn ông được bà con yêu quý tặng lại, vì thế kho sách cổ của ông cứ dần nhiều lên

Người lưu giữ kho tàng văn hóa Thái ở Mường Lò

Người lưu giữ kho tàng văn hóa Thái ở Mường Lò

Không quản ngại khó khăn, ông lặn lội mường trên, bản dưới để sưu tầm các cuốn sách cổ của dân tộc mình. Có cuốn, ông bớt ăn bớt mặc để mua, nhiều cuốn ông được bà con yêu quý tặng lại, vì thế kho sách cổ của ông cứ dần nhiều lên

Nguy cơ mất đi một biểu trưng của văn hóa Thái ở Mường Lò
Nguy cơ mất đi một biểu trưng của văn hóa Thái ở Mường Lò

VOV.VN -Những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái nay ít dần, thay vào đó là những ngôi nhà xây, nhà đất và những ngôi nhà sàn hiện đại nhưng lạ lẫm.

Nguy cơ mất đi một biểu trưng của văn hóa Thái ở Mường Lò

Nguy cơ mất đi một biểu trưng của văn hóa Thái ở Mường Lò

VOV.VN -Những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái nay ít dần, thay vào đó là những ngôi nhà xây, nhà đất và những ngôi nhà sàn hiện đại nhưng lạ lẫm.