Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ: Níu giữ lối cổ trong nghi lễ hầu đồng
VOV.VN - Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, nghệ nhân Trần Thị Huệ luôn giữ phép tắc chỉ hành lễ ở không gian tâm linh, có điện thờ.
Trong không gian văn hóa tâm linh phủ chính Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Nghệ nhân ưu tú, thủ nhang Trần Thị Huệ tự hào chia sẻ về hầu đồng là một trong những nghi lễ đưa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ. |
Giữ hồn Việt thuần nhất, mộc mạc...
Nghệ nhân Trần Thị Huệ sinh ra trong gia đình “cha truyền con nối”, nhiều đời có “căn quả” hầu đồng, tại xóm 1 thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bố của bà là ông Trần Viết Đức, từng là thủ nhang phủ Tiên Hương (phủ chính trong quần thể di tích Phủ Dầy, Nam Định). Sau khi ông mất, mẹ bà là nghệ nhân ưu tú Trần Thị Duyên thay chồng gánh vác vai trò này. Đến năm 2017, bà được mẹ làm lễ nhập tự và đảm nhận công việc thủ nhang từ đó đến nay.
Nghi lễ hầu đồng của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ XVII, sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước. Giai đoạn cuối triều Nguyễn (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) là thời kỳ cực thịnh của nghi lễ chầu văn của người Việt và có sự tham gia của các quan lại địa phương và triều đình.
Từ năm 1954 - 1990, vì nhiều lý do, nghi lễ này không được công khai thực hành và bị mai một. Từ năm 1993 đến nay, cùng sự phát triển của kinh tế - xã hội, với các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ này được khôi phục, phát triển. Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, nghi lễ hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm.
Từ năm 17 tuổi, nghệ nhân Trần Thị Huệ đã được bố mình làm lễ để thực hành nghi thức hầu đồng. Trải qua 45 năm hầu đồng với nhiều thăng trầm của hình thức nghệ thuật dân gian này lúc nào bà cũng tâm niệm: “Phủ Dầy được coi là chốn tổ của Mẫu nên tôi muốn lưu giữ lối cổ trong nghi thức hầu đồng và quảng bá nét đẹp văn hóa này ra thế giới”.
Bà được nhiều tổ chức cả trong nước và quốc tế mời thực hành nghi lễ hầu đồng. Năm 2016 có lẽ là một dấu mốc không thể quên trong cuộc đời khi bà đại diện cho cộng đồng, cùng với UBND tỉnh Nam Định, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham gia làm và bảo vệ hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt năm 2016 tại Ethiopia. Trong chương trình “1 hành trình 3 Đạo” về các miền di sản với sự tham gia của 22 đại sứ và 50 nhà ngoại giao, với vai trò là thanh đồng bà đã giúp quan khách trong nước và cảm nhận được sự thiêng liêng, tôn kính, ảo diệu của nghi lễ hầu đồng. Sau khi thưởng thức 8 giá hầu kéo dài 2 tiếng do bà hầu, các đại sứ đã gọi điện về nước và vận động bạn bè các nước bỏ phiếu công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, nghệ nhân Trần Thị Huệ luôn giữ phép tắc chỉ hành lễ ở không gian tâm linh, có điện thờ hoặc nơi trang trọng.
Với nghệ nhân Trần Thị Huệ, mỗi giá đồng là một câu chuyện về một vị anh hùng, lúc sinh thời là người có đức độ, tài giỏi, có công với dân với nước, do đó được hầu cái bóng của các vị là niềm vinh dự, tự hào đối với bà. Vì thế, bên cạnh việc hầu thánh còn phải biết về lịch sử, gốc tích của các vị thánh để có thể quảng quảng bá, giới thiệu giúp người xem hiểu sâu sắc về ý nghĩa của từng giá đồng. Qua những buổi lễ, bà mong muốn giúp thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn và công lao của cha ông và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới.
...Và không bị biến tướng, mai một
Trong căn phòng tiếp khách, nghệ nhân Trần Thị Huệ dành vị trí trang trọng ngay chính giữa để trưng bày những bộ trang phục được thiết kế để thực hành nghi lễ hầu đồng theo lối cổ. Theo chia sẻ của các thanh đồng, nghệ nhân Trần Thị Huệ luôn chuẩn bị trang phục sẵn cho thanh đồng về phủ hầu. Đó là những trang phục cổ. Bà cũng không ngại ngần góp ý, chỉnh sửa khi các cung văn hát sai.
Theo nghệ nhân Trần Thị Huệ, trang phục trong nghi lễ hầu đồng, màu đỏ thể hiện các giá trên thượng thiên, màu xanh thể hiện các giá trên thượng ngàn, màu trắng thể hiện bên dưới (thoải phủ), màu vàng thể hiện quan đệ tứ hoặc các giá chầu 10, màu tím màu lam quan trấn tuần hoặc giá chầu lục và chầu bé hay mặc màu đen... Tuy nhiên, hiện nay trang phục chạy theo mốt nên thay đổi nhiều. Nếu như trước đây vào cửa đền, cửa phủ chỉ nhìn trang phục là biết hầu giá gì. Nhưng bây giờ phải lắng nghe văn hát theo lối gì mới biết được. “Sáng tác ca ngợi các vị thánh nhưng làm thế nào cho phù hợp với từng giá đồng chứ lồng văn mới, ví như “hôm qua em đi chùa hương”... vào là không được. Bên cạnh đó, trang phục thay đổi vẫn phải gìn giữ được nét cổ, chứ thay đổi phản cảm không nên”.
Điều làm nghệ nhân Trần Thị Huệ trăn trở là những biến tướng trong thực hành hầu đồng đâu đó vẫn tồn tại gây hiểu lầm đây là hình thức “mê tín dị đoan”. Đơn cử, có nhiều tân đồng hầu giá ông Bảy đánh sóc đĩa khiến người xem hiểu lầm ông Bảy là cờ bạc, xin về cờ bạc. Và những biến tướng đó lại được lan truyền rất nhanh. Bà cho biết: “Ông Bảy khuyên rằng đã đến cửa Phật lấy chữ Di đà làm hơn cả. Ông lấy chữ tội chữ phúc để mà cân. Đố ai khoe cho trọn vẹn được 10 phần. Cây đức mà đã mất ông Bảy cầm cân sao cho bằng”.
“Mong rằng, Nhà nước thành lập các trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu ở các tỉnh, có những cuộc họp ngồi lại với nhau và cùng sự đồng hành của các chuyên gia thống nhất một quy chuẩn xứng tầm để tôn vinh giá trị tín ngưỡng. Những thanh đồng, đồng cựu có uy tín không chỉ giúp công chúng hiểu đúng về căn đồng, mà còn phải giúp đồng tân nhìn nhận đúng đắn về tín ngưỡng thờ Mẫu để những người tiếp cận không rơi vào vòng mê tín dị đoan”, nghệ nhân Trần Thị Huệ bày tỏ./.