Nghệ thuật thị giác và Hội họa - Cuộc song hành chênh vênh
VOV.VN - Dù số lượng áp đảo so với các tác phẩm Sắp đặt, Video Art, Trình diễn ở Festival Mỹ thuật Trẻ năm nay, Hội họa vẫn bị đánh giá là còn nhiều “loay hoay” trong việc chuyển mình.
Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 3 năm 2014 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức từ ngày 20/8 đã chính thức khép lại.
Được coi là sân chơi nhằm khuyến khích các hoạt động sáng tạo, tiếp cận, thể nghiệm những khuynh hướng sáng tác mới của các nghệ sỹ trẻ từ 18-35 tuổi, nhưng Festival năm nay lại được đánh giá là có quy mô nhỏ hơn so với 2 kỳ Festival trước và cũng thiếu vắng đi một số loại hình của nghệ thuật đương đại, vốn là trải nghiệm sáng tạo với nhiều nghệ sỹ trẻ. Trong khi, loại hình Hội họa vẫn được nhiều nghệ sỹ trẻ chọn tham dự thì lại khá bấp bênh trong cuộc song hành với các loại hình nghệ thuật đương đại tưởng chừng ít ỏi kia.
Nghệ thuật thị giác “chiếm lĩnh” sáng tạo trẻ
Trong các thể loại tác phẩm tham dự lần này, thiếu vắng sự xuất hiện của nghệ thuật Trình diễn. Ngay với những loại hình nghệ thuật đương đại khác như Sắp đặt, Video art cũng chiếm số lượng vô cùng khiêm tốn. Trong tổng số 112 tác phẩm, chỉ có 8 tác phẩm Sắp đặt và 4 tác phẩm Video art.
Lý giải về điều này, họa sỹ - TS Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Festival Mỹ thuật trẻ 2014 cho biết: “Việc không có các tác phẩm Trình diễn hay Sắp đặt ngoài trời phản ánh thực tế về quan niệm của các nghệ sỹ trẻ hiện nay đối với loại hình này. Đây là sự trống vắng một miền sáng tạo nghệ thuật khá phù hợp với tuổi trẻ, lứa tuổi luôn hướng đến những chân trời mới, thành tựu mới”.
Còn họa sỹ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng: “Có thể, đây là giai đoạn lắng lại sau một thời gian các nghệ sỹ trẻ tiếp nhận các loại hình nghệ thuật mới vào Việt Nam. Thời kỳ sôi nổi, cuốn hút họ ở những loại hình đó đã rơi vào giai đoạn trước ở 2 kỳ Festival trước, cũng như chỉ xuất hiện ở các hoạt động ngoài xã hội. Thay vào đó, họ muốn tìm đến những sáng tác có chiều sâu hơn, phù hợp với ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình hơn”.
Vì thế, dễ nhận thấy ở Festival năm nay, phần lớn các tác phẩm đều mang tính nghệ thuật thị giác cao. Mặc dù số lượng các tác phẩm Video art, Sắp đặt khá ít ỏi nhưng lại có được sự đa dạng trong việc sử dụng chất liệu hay kết hợp giữa các loại hình đồ họa với sắp đặt, điêu khắc với sắp đặt. Thậm chí, còn có tác phẩm như Sắp đặt “Bình yên” của nghệ sỹ Trần Thị Như Hải, không chỉ kết hợp giữa các yếu tố hình ảnh, không gian, ánh sáng để tạo nên hiệu ứng 3D về mặt thị giác, mà còn cả âm thanh để tạo nên tính sống động cho tác phẩm. Nghệ sỹ Như Hải sử dụng tổ hợp âm thanh của một buổi chiều mưa tại làng quê để người xem còn được thỏa mãn cả về mặt thính giác.
Tuy nhiên, theo tiêu chí và ý nghĩa của Festival Mỹ thuật Trẻ, cuộc thi không phải nơi để thấy được toàn bộ cục diện của các sáng tác trẻ trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay, nhưng có thể thấy được một phần những gì đang diễn ra với hoạt động sáng tác nghệ thuật của các nghệ sỹ trẻ ở nước ta.
Cũng theo nghệ sỹ Nguyễn Như Huy, một thành viên trong Hội đồng nghệ thuật của Festival thì thực tế đây là sự chọn lọc. Festival Mỹ thuật trẻ không hẳn chỉ là nơi để các nghệ sỹ đưa tất cả những cái mới vào, mà đúng hơn là môi trường để thể nghiệm và trải nghiệm. Do đó, sự thiếu vắng hay ít ỏi không đơn giản là điều quyết định đối với sự sống của các loại hình nghệ thuật đương đại.
Hội họa sẽ tiếp tục “loay hoay”?
Mặc dù các tác phẩm Hội họa ở Festival Mỹ thuật trẻ 2014 có số lượng lớn nhất là 61 tác phẩm, chiếm tới hơn một nửa trong tổng số các tác phẩm, nhưng loại hình này lại đối mặt với thách thức phải vượt qua những thành tựu đã có, thách thức trước sự thưởng lãm và nhìn nhận của công chúng.
Trong việc tạo nên dấu ấn với người xem tại Festival, các tác phẩm Hội họa dường như trở nên khá “chìm” so với nhiều tác phẩm nghệ thuật thị giác. Thậm chí, nếu nhìn vào danh sách tác phẩm được giải năm nay, có thể thấy những giải thưởng chính đều thuộc về tác phẩm nổi bật ở thể loại Điêu khắc, Sắp đặt, Video art. Trong đó, giải nhất thuộc về tác phẩm Sắp đặt “Dự án mới” của nghệ sỹ Trần Văn An, giải nhì thuộc về tác phẩm Sắp đặt “Những con mèo” của Thái Nhật Minh và tác phẩm Điêu khắc “Cánh” của Lập Phương. Còn trong 3 tác phẩm đạt giải ba, chỉ có “Bão kim loại” của họa sỹ Nông Tiến Dũng thuộc thể loại Hội họa.
Họa sỹ - TS Lê Văn Sửu nhận định: “Phần lớn các tác phẩm Hội họa chỉ dừng lại ở sự chắc chắn về kết cấu hình thể hay kỹ thuật chất liệu, đôi khi nhàm chán, chưa thoát được tính trường quy, chưa vượt qua được khuôn mẫu đã có để hướng đến sự đột phá và khác biệt”.
Đa phần các tác phẩm gây ấn tượng với Hội đồng nghệ thuật đều thể hiện những vấn đề có tính nóng bỏng của đời sống, xã hội hiện đại như dự án phát triển quốc gia, chủ quyền biển đảo, sự thay đổi của văn hóa làng xã, ô nhiễm môi trường, mặt trái của văn minh công nghiệp… Riêng hiệu ứng tạo ấn tượng về mặt thị giác, có khi cả thính giác của một số tác phẩm đã góp phần giúp truyền tải thông điệp, góc nhìn của tác giả tới người xem hiệu quả hơn.
“Dự án mới” là tác phẩm được giải nhất từ Hội đồng nghệ thuật Festival năm nay. Tác phẩm gây ấn tượng bởi sử dụng chất liệu sắt đơn giản, nhưng có sự thay đổi ở bề mặt chất để tạo ra hiệu quả về ánh sáng, hình khối, giúp tác phẩm có tính thẩm mỹ tạo hình, đồng thời thể hiện tính khái quát hóa. Qua sáng tác của mình, nghệ sỹ Trần Văn An cũng bộc lộ thẳng thắn sự nhức nhối qua các dự án “treo”, các dự án còn bị bỏ ngỏ vẫn đang nằm trên giấy tờ, hay các dự án trái phép đã tồn tại cả chục năm qua trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.
Tác phẩm Sắp đặt "Dự án mới" của nghệ sỹ Trần Văn An đạt giải nhất
“Trong môi trường xã hội bây giờ, khi những tác phẩm nghệ thuật đánh được vào nhận thức người xem một cách sống động bằng những vấn đề đang tồn tại, ngay lập tức sẽ dễ dàng tạo chú ý với họ. Ngôn ngữ, cách đưa ra quan niệm, cách thể hiện vấn đề trùng với kênh suy nghĩ của xã hội là một lợi thế. Nhưng tôi thấy các tác phẩm hội họa lại chưa có được sự chuyển biến, cách đặt vấn đề còn chưa phù hợp với suy nghĩ, nhận thức chung của người xem trong bối cảnh hiện nay. Người xem có nhu cầu muốn đòi hỏi sự mạnh mẽ, ấn tượng trực diện, gắn liền với vấn đề xã hội khi xem tác phẩm nhiều hơn. Nếu nhiều tác phẩm hội họa chưa chuyển hướng sang giai đoạn như vậy, tôi nghĩ hội họa sẽ còn tiếp tục nhiều trăn trở, nhiều loay hoay và lúng túng hơn trong việc tạo ấn tượng ở kỳ Festival tiếp theo”, ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh./.