Ngỡ ngàng nghe Ánh Tuyết hát giọng Quảng Nam

(VOV) - Ánh Tuyết hát 7 bài Bolero bằng giọng Quảng Nam để tôn vinh giọng nói quê hương mình “tội tội, thương thương, có vị mặn và chân thành".

Hiếm có ca sĩ nào, dù là người Quảng Nam, lại hát tân nhạc bằng giọng Quảng vì nó không dễ nghe do những âm từ đặc trưng của địa phương này. Thế nhưng việc hát với giọng Quảng có thể sẽ được nâng cao từ thử nghiệm nghệ thuật của một ca sĩ nổi tiếng, thành danh đã 30 năm nay.

Giọng Quảng với những nét riêng đã tạo nên một bản sắc độc đáo nhưng lại không hề dễ nghe, dễ hiểu đối với những người ngoài xứ Quảng. Đôi lúc chắc họ còn tự hỏi: “Sao người Quảng phát âm sai chính tả nhiều đến thế?” Tuy vậy, đối với những người con đất Quảng, nhất là những người xa xứ, đây chính là nét không lẫn vào đâu được của quê hương.

Sợ mất tiếng nói quê  

Nhưng bây giờ, tại những nơi nhiều khách du lịch như Hội An, người ta hay pha tiếng. Nhiều người học cách nói giọng địa phương khác, hoặc cố phát âm sao cho dễ nghe hơn. Trăn trở vì điều này, ca sĩ Ánh Tuyết đã nghĩ đến việc hát bằng giọng Quảng.

Cô đã thu 7 bài hát bằng chất giọng Quảng, lại còn là những bài của dòng nhạc Bolero nữa. Cô ca sĩ xứ Quảng tự hỏi sao có giọng Nam, giọng Bắc, giọng Huế mà lại không có giọng Quảng. Đối với cô, giọng quê mình nghe sao “tội tội, thương thương, có vị mặn, vị đậm và chân thành như chính con người Quảng Nam vậy”.


Ánh Tuyết bên phố cổ Hội An, Quảng Nam


Dù sống xa quê đã lâu, cô vẫn thường xuyên đi về thăm Phố Cổ, để khỏi “bị mất giọng Quảng”. Trong cộng đồng người Quảng xa quê, cũng có một số người mặc cảm vì giọng nói quê hương. “Họ không thấy tự hào. Tuyết thấy buồn ghê”, cô tâm sự.

Vì thế, cô cho biết mình muốn làm cái gì đó để tôn vinh tiếng Quảng, nơi “… chưa mưa đõa thám” (chưa mưa đã thấm). Rượu Hồng đồ chưa nhám đõa sa” (rượu Hồng đào chưa nhắm đã say). Và rằng, “hát giọng Quảng để dành cho người Quảng, người cần học nghe tiếng Quảng, người yêu tiếng Quảng, cảm tình đặc biệt với xứ Quảng và cả người chỉ yêu... một người Quảng”.

Cô kể, ngày trước, khi học trường nhạc ở Huế (từ năm 1979), mỗi lần nói chuyện, những người bạn học đến từ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Hà Nội, Nha Trang… đều cho rằng giọng Quảng Nam cứ như “chim hót”, khó nghe. Họ hay nhái giọng của cô để chọc ghẹo.

Cô nhắn gửi người gốc Quảng: “Người xứ khác nhái giọng cũng không trách. Còn mình người Quảng, không nên giễu cợt tiếng nói thân thương của mình. Phải tìm cách tôn vinh, làm người ta thích và từ đó tôn trọng giọng Quảng”.

Từ lâu nay, người hâm mộ đã quen thuộc với Ánh Tuyết qua nhiều thể loại nhạc Việt. Và cô luôn thành công. Gần 20 năm nay, cô đã hát dòng nhạc lãnh mạn, trữ tình và sang trọng, đặc biệt là nhạc của Văn Cao.

Năm 1993, cô được mời hát trong một chương trình nhạc Văn Cao và nhạc sĩ cũng có mặt. Nghe kể lại rằng ông đã vui đến trào nước mắt vì thấy có người hát nhạc của mình hay đến vậy. Ánh Tuyết sở hữu một giọng hát có âm vực khá rộng và khá đa dạng, quả thật rất hợp với dòng nhạc “xưa”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng rơi nước mắt khi nghe cô hát bài Đường xa vạn dặm.

Đối với tân nhạc Việt Nam nói chung, cô đã góp phần làm đẹp, không những chỉ về kỹ thuật mà trong cả tính chất tình tứ, ý nhị của từng ca từ và giai điệu của dòng nhạc này.

Ra khỏi không gian âm nhạc thông thường 

Nay với việc hát Bolero bằng giọng Quảng, Ánh Tuyết đã đi ra khỏi không gian âm nhạc thông thường. Nếu chưa nghe cô hát, thật khó để hình dung giọng Quảng lại hòa quyện với điệu nhạc Bolero một cách đẹp đẽ như thế.

Bolero bắt nguồn từ Tây Ban Nha, phát triển mạnh tại Cuba với các nghệ sĩ hát rong và từ đó lan tỏa ra toàn thế giới. Bolero mang âm hưởng lãng mạn, trầm buồn, tha thiết chứ không sôi động, rực lửa như nhiều giai điệu của âm nhạc Mỹ Latinh.

Bất kể màu sắc âm nhạc có thay đổi theo văn hóa, xã hội bản địa như thế nào đi chăng nữa, Bolero vẫn luôn giữ cho mình đặc trưng về ca từ. Dòng nhạc Bolero Việt Nam cũng vậy. Đó là những câu chuyện rất đời thường, về tình yêu và cuộc sống được kể bằng những ca từ dung dị, bằng những giai điệu gần gũi với tâm tư con người Việt Nam, được viết bằng những lời sáng rõ, mộc mạc và chân thành. Rất thật.

Ánh Tuyết luôn đau đáu một tình yêu quê hương xứ Quảng


Trước giờ nhiều người vẫn cho rằng Bolero thuộc dòng “nhạc sến”. Tuy nhiên, “Bolero là nhạc bình dị, chứ không phải bình dân”, Ánh Tuyết nhận xét. “Hình như Bolero sinh ra là để dành cho chúng ta vậy”. Nhưng Bolero và giọng Quảng chẳng có điểm gì chung; khó dùng cái chất giọng hơi nặng nề, thô ráp này để hát. Nếu có điểm chung chăng thì có lẽ đó là tính chất dân dã.    

Ánh Tuyết đã thu một số bài Bolero hát bằng giọng Quảng như: Nỗi buồn gác trọ, Chuyến tàu hoàng hôn, Mưa rừng, Em về kẻo trời mưa, Tình bơ vơ, Em chờ anh trở lại, Mưa chiều kỷ niệm, bên cạnh phần thu bằng giọng Bắc.

Cô cho biết đã thực hiện phần thu âm những bài này, tại phòng thu “Minh Kèn” Đà Nẵng với sự hỗ trợ về hòa âm phối khí của Ngọc Minh, chủ nhân phòng thu. Người nghệ sĩ này đã tự chơi tất cả các nhạc loại cụ đệm cho cô hát, mặc dù hai mắt anh không nhìn thấy gì.

Ánh Tuyết nói rằng mình chọn làm ở Đà Nẵng vì thành phố này nằm trên đường về nhà thăm quê. Hơn nữa, ở đây nhịp sống bình yên, không gấp gáp như TP.HCM. Cô cũng cho biết Dự án “Hát giọng Quảng” cô đã làm được 3 tháng, nhưng còn phải thu thêm, làm lại và chỉnh sửa để cho ra một album gồm 2 đĩa. Một đĩa bằng giọng hát thông thường và một đĩa đặc sệt giọng Quảng.

Riêng bài Mưa chiều kỷ niệm của Duy Yên và Quốc Kỳ hát bằng giọng Quảng - chưa hoàn chỉnh, cô đã gửi cho một vài người bạn nghe để họ cho ý kiến, và rồi họ đã đưa lên mạng xã hội YouTube.  

Nếu bản nhạc được hát bằng giọng Bắc sang trọng, kỹ thuật và có phần não nề thì phiên bản giọng Quảng lại quá đỗi mộc mạc, thân thương. Khi lên YouTube, Bản giọng Quảng, đã thu hút nhiều người nghe và bình luận. Hầu hết những người bình luận đều bày tỏ sự ngạc nhiên: “Đúng là quá đặc biệt! Hóa ra giọng Quảng thô ráp vẫn có thể thể hiện được một cách tinh tế một nhạc phẩm sang trọng như vậy!” (của người ghi tên Lê Quang Đức).



Vậy là giọng Quảng khó nghe nhưng khi hát vẫn thu hút chẳng kém bất kỳ giọng  Nam hay Bắc nào. Tuy nhiên, quả không dễ để đưa những bài hát bằng giọng Quảng đến với công chúng rộng rãi. Ngoài Ánh Tuyết, người viết chưa tìm ra thêm người can đảm thử nghiệm điều này. 

Thật ra, không phải bài hát nào cũng thích hợp với giọng Quảng. Bài Thu hát cho người của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (cũng là một người con xứ Quảng), thì… chịu, chẳng thể diễn tả bằng giọng Quảng được. Giống như giọng Huế, không phải bài nào cũng hợp.

Khi hát giọng Quảng, Ánh Tuyết đã hát đúng những âm ngữ “rất Quảng” như “chiều nồ” (chiều nào), “xô xiếng” (xao xuyến), “chẻng thấy đao” (chẳng thấy đâu)…

Ngoài phát âm, Ánh Tuyết đã nghiên cứu, tìm cách chỉnh sửa một số ngôn từ để có thể dùng kiểu nói đặc trưng của người Quảng. Cô cho biết mình “mong các nhạc sĩ và khán thính giả sau này thông cảm cho”.

Sau khi tìm ra bài hát phù hợp, theo Ánh Tuyết, còn phải suy nghĩ sửa một số từ sao cho đúng cách nói của người Quảng. Chẳng hạn “làm sao” thành “lồm reng”; “bóng” thành “báng”. Và thế là “Làm sao quên được hình bóng người xưa” trở thành “Lồm reng quên được hình báng người xưa”. Hoặc “Sao anh còn đứng mãi” ra “Reng anh còn đứng miết”. Cũng có những từ bị lệ thuộc bởi cao độ vì thế chẳng “Quảng 100%” được như “về” không thể thành ‘dzề”.

Sắp tới, Ánh Tuyết sẽ “gây phong trào hát giọng Quảng” với các chủ đề về mẹ, tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, kể cả khi không có nhiều người đón nhận album giọng Quảng. Album này, theo cô, sẽ được phát hành trong tháng 11 tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên