Sau thành công của album vol 1 “Giọt sương bay lên”, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến tiếp tục xuất hiện ấn tượng với vol 2 “Ngồi trên vách nắng” gồm 8 ca khúc đã phát hành vào “ngày vàng” 08/8/2008.
Nguyễn Vĩnh Tiến giải thích: “Trọn bộ âm dương là thế này: Vol 1 có Bà tôi thì vol 2 có Ông tôi. Vol 1 có Giọt sương bay lên thì vol 2 có Bóng anh hùng, thể hiện một tâm thế khác. Nếu Giọt sương bay lên là cái gì đó rất nhỏ thì Ngồi trên vách nắng lại mang tầm khái quát. Đó gần như là một sự tương phản nhưng vẫn nằm trong tổng thể motif âm nhạc…”
* “Tâm thế khác”, nghĩa là sự thể hiện có thể cũng khác?
Đúng rồi. Album này có bốn giọng ca chính là Trọng Tấn, Tuấn Anh, Anh Thơ và Tùng Dương. Trọng Tấn, Anh Thơ và Tuấn Anh là ba giọng ca thính phòng rất truyền cảm, còn Tùng Dương là ngôi sao nhạc nhẹ thì ai cũng biết rồi.
Đây là album mang thể nghiệm mới về giọng ca để tạo sự phù hợp với từng chủ đề, từng ca khúc. Tôi đánh giá cao sự hoàng tráng của Ông tôi do Trọng Tấn thể hiện, chất mềm mại, tha thiết của Anh Thơ ở Sông ơi đừng chảy, sự tinh tế của Tùng Dương khi hát Một hạt cơm nhỏ.
Và gần như là một phát hiện của album này là giọng của Tuấn Anh (giải nhất Sao mai 2005, dòng nhạc thính phòng). Vẫn có nhiều ý kiến trái ngược về giọng của Tuấn Anh vì có người bảo rằng khó nghe. Bản thân tôi lại thấy càng nghe càng thích. Đó là một giọng teno cực kỳ hiếm, hát ở những quãng cao rất tuyệt vời.
* “Ngồi trên vách nắng” chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí…
Câu chuyện huyền bí nhất có lẽ là câu chuyện của bầy chồn trong Chồn hoang. Tôi xây dựng album với nhiều tuyến nhân vật và có thể bầy chồn là một trong những tuyến nhân vật đó. Bầy chồn đi trong một đêm trăng ở miền trung du Bắc bộ và cất lên những câu hát của riêng mình.
Người nghệ sỹ tưởng tượng ra những câu hát âm u, bí hiểm:
Những con chồn hoang
Đêm đêm mò về làng
Mắt như sao rơi xuống đất
Mỗi chiếc lông rụng xuống mang theo một hạt bụi của núi đồi
Đó là tượng trưng cho sự tìm kiếm, sự đói khát ánh trăng, đói khát sáng tạo, đói khát bước qua những vết chân của chính mình. Có lẽ tâm trạng của tôi cũng gửi gắm vào những dấu chân của bầy chồn. Khi tôi viết bài thơ này (1994), nhiều người đọc thấy nó có vẻ hoang dã nên đặt cho tôi biệt hiệu là Tiến... “chồn hoang”.
* Vì sao anh chọn bối cảnh trung du đồng bằng Bắc bộ cho toàn bộ album này?
Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên, là nơi tiếp diễn mãi những câu chuyện vì ở từng thời điểm, mỗi con người sinh ra sẽ có tâm thế hoàn toàn khác nhau. Mỗi vùng đất có một ký ức riêng, và tôi không thể viết hộ ký ức cho người ở vùng đất khác.
Ví dụ như bài Ông tôi được tôi viết trong một chuyến đi về quê cùng đoàn làm phim “Việt Nam – Vẻ đẹp tiềm ẩn” của VTV1 với tư cách là nhân vật trong phim giới thiệu về quê hương mình (Phú Thọ). Khi tôi ngồi trên đò giữa hai bờ sông Thao, nhìn phía xa là dãy núi Đọi Đèn, xa nữa là dãy núi hướng Tây Bắc, tôi cầm đàn ghi ta và sáng tác những giai điệu đầu tiên của bài Ông tôi.
Hình ảnh của người ông trong bài hát là những bước chân vạm vỡ đi về phía núi với hy vọng về mùa màng, sự no đủ, bội thu. Và tất nhiên, những hoài bão vẫn còn ở phía xa, đằng sau những lao động nhọc nhằn…
* Anh thích nhất ca khúc nào trong album này?
Mỗi ca khúc là một câu chuyện riêng, cảm xúc riêng nhưng tôi thích nhất bài Trĩu. Tôi viết bài này khi đang ở Pháp, xa vợ xa con thì bỗng thấy nỗi lòng trĩu nặng.
Tôi yêu con phố trĩu đèn/ Yêu em đi làm về mắt trĩu...
Đó là tâm trạng của người sống xa tổ ấm, có thể gọi là bài... “Vợ tôi” cũng được!
* Theo anh, điều gì khiến người ta nhận ra anh và nhạc của anh?
Đó là cá tính và hệ ca từ của tôi, ngôn ngữ âm nhạc của tôi. Vì như Trần Dần có nói: “Nhân cách của nhà văn là văn cách của anh ta”. Người nghệ sỹ cũng vậy, nhân cách của anh ta là tác phẩm của anh ta. Bên cạnh sự nỗ lực lao động để tạo dấu ấn, sự nắm bắt những tinh hoa trong lĩnh vực mà mình chọn, anh còn cần có một bản năng sống mạnh mẽ.
* Ngô Tự Lập từng viết rằng ca từ của anh “lôi thôi, thậm chí lộn xộn”…
Vì nếu ca từ mà trọn vẹn như thơ Đường, thơ Lục bát thì có lẽ đó không phải là thơ hiện đại. Ca từ của tôi bắt nguồn từ thơ hiện đại nên những lỗ hổng của nó sẽ tạo nên nhịp điệu của âm nhạc.
Tôi được xếp loại là một trong những nhóm nhà thơ cách tân đơn lẻ, cách tân cá nhân.
* Anh là nhà thơ, đó là lợi thế?
Có thể. Tôi tham gia sinh hoạt thơ ở Hà Nội được khoảng 15 – 20 năm rồi, từ khi tôi 18 tuổi. Việc tiếp xúc với văn học và liên tục rèn luyện bút pháp sáng tạo thơ đem lại cho tôi sức mạnh trong việc chọn lựa ngôn từ để chuyển tải ý đồ nghệ thuật một cách rõ nhất, nhanh nhất.
Nghe một số ca khúc trong Album Vol 2 của Nguyễn Vĩnh Tiến
|
* Thêm vol 2 Ngồi trên vách nắng, “thương hiệu” Nguyễn Vĩnh Tiến càng thêm nổi bật, anh có nghĩ thế không?
Thực lòng tôi không thích hai từ “thương hiệu”. Tôi xác định mình là một nghệ sỹ. Ở vị trí một kiến trúc sư thì tôi là nghệ sỹ của kỹ thuật, của vật liệu, gạch đá. Mà đã là nghệ sỹ thì tôi thích hai từ “nhân cách” hơn.
Suy cho cùng thì anh cứ phải lao động. Sản phẩm của anh chính là chân dung của anh. Trong kiến trúc, đó sẽ là những tòa nhà độc đáo. Trong thơ ca, đó sẽ là những dòng thơ mang tính cách tân. Còn trong âm nhạc, tôi tạo ra con đường, phong cách của tôi và hy vọng nó sẽ tạo nên chân dung cho mình.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh!