Người tiếp nối nghệ thuật ca trù

"Không có lý do gì người Việt Nam không thể thưởng thức âm nhạc truyền thống của dân tộc mình”.  

Ca trù là một trong những bộ môn nghệ thuật được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào tháng 10/2009. Tuy nhiên, cho tới nay việc truyền bá, mở rộng nghệ thuật này vẫn chưa có được sự đầu tư xứng đáng với tầm di sản.

Nhân sự kiện ra mắt đĩa CD đầu tiên về ca trù của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Phạm Thị Huệ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ca nương Phạm Thị Huệ về những vấn đề này.

PV: Chị có thể cho biết xuất phát từ ý tưởng nào CD ca trù được ra đời?

Ca nương Phạm Thị Huệ: Trước hết đó là vì niềm đam mê với nghệ thuật ca trù. Sau đó là ý thức về việc phải bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật truyền thống dân tộc. Chúng tôi ý thức được vai trò của mình cần phải phát triển hơn nữa, mở rộng hơn nữa những lời ca, tiếng đàn đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước, những điều mà từ trước tới nay chưa ai thực hiện được.

PV: Vậy ý tưởng này được chị và đồng nghiệp ấp ủ từ khi nào?

Ca nương Phạm Thị Huệ: Ý tưởng về CD “Ca trù – Singing House” được chúng tôi ấp ủ từ năm 2006, lúc tôi được hai người thầy là nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc và danh cầm Nguyễn Phú Đẹ đồng ý cho làm lễ mở xiêm áo để trở thành đào đàn chuyên nghiệp, sau nhiều năm theo học nghệ thuật ca trù. Tuy nhiên, ý tưởng này đã phải tạm gác lại do nhiều lý do khách quan, công thêm việc dành thời gian cho việc khôi phục, phát triển Giáo phường ca trù Thăng Long.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Phạm Thị Huệ

PV: Chúng tôi được biết, quá trình thể hiện ca trù trong phòng thu sẽ làm cho tính chất chân thực của ca trù giảm xuống, vậy vì sao chị vẫn thực hiện CD này?

Ca nương Phạm Thị Huệ: Nếu các quý vị đã nghe CD và nghe trực tiếp thì các quý vị sẽ có những sự khác biệt nho nhỏ. Bởi khi chúng tôi đàn ca trực tiếp thì bên cạnh lời ca, tiếng hát quý vị còn có thể cảm nhận được những tình cảm, sự kết nối giữa người hát và người nghe khiến cho ca trù đi vào lòng người hơn. Việc ra CD là một thành quả nghệ thuật nhưng nó cũng có sự hạn chế nhất định. Bên cạnh sự máy móc, thì đó là sự áp lực trong từng câu hát không được phép mắc lỗi. Bởi lẽ, ca trù thường là biểu diễn ngẫu hứng tại chỗ. Nếu phải dừng lại rồi hát tiếp thì cảm hứng sẽ mất đi. Biết được điều đó nhưng chúng tôi vẫn phải thực hiện và cố gắng hết sức. Nếu không làm thế, ca trù sẽ không thể nào phát triển được rộng rãi.

PV: Trước sự sôi động của nhiều thể loại văn hóa phẩm hiện đại, theo chị điều gì là khó khăn nhất khi truyền bá nghệ thuật ca trù đến với công chúng?

Ca nương Phạm Thị Huệ: Ca trù là một bộ môn rất khó, nó không giống như những bộ môn nghệ thuật khác. Và muốn để học được nó, đạt được trình độ cao thì quả thật là phải một quá trình, đòi hỏi người học có chút năng khiếu và đặc biệt là phải có sự đam mê. Sự khó khăn ở đây không phải là dạy cho các bạn thuộc lời hát, mà cái khó là truyền cho các bạn niềm đam mê và cái quyết tâm để gìn giữ ca trù. Bởi không phải ai cũng ý thức được những giá trị của di sản mà mình nắm trong tay. Nhưng chúng tôi không hề có ý định cải biên, biến đổi ca trù để nó trở thành một sản phẩm “lọt tai” công chúng. Nếu ai đã yêu thích ca trù, thì người ta chỉ muốn lắng nghe khi ca trù là chính nó.

PV: Học ca trù là rất khó và để hiểu ca trù cũng không phải là điều dễ dàng, vậy làm thế nào để những người mới nghe có thể hiểu và cảm nhận được những nét đẹp của ca trù?

Ca nương Phạm Thị Huệ: Ca trù là âm nhạc, nó là một phương tiện kết nối không biên giới. Chúng ta có thể thưởng thức, cảm nhận âm nhạc thế giới thì không có lý do gì để người Việt Nam không thể thưởng thức âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Hãy nghe bằng trái tim, và tình cảm của mình.

PV: Thông qua việc ra CD “Ca trù –Singing House” cũng như những dự định chị đang có, chị muốn gửi gắm điều gì?.

Ca nương Phạm Thị Huệ: CD “Ca trù – Singing House” là một tư liệu rất quý ghi lại những ngón đàn của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, cũng như những lời ca giàu cảm xúc và nhiều ý nghĩa của nghệ thuật ca trù. Điều mong muốn duy nhất của tôi là ca trù được đón nhận nhiệt thành hơn. Nghệ thuật này được truyền bá đến các đời sau. Các thính giả trẻ, thính giả quốc tế biết đến và thêm yêu ca trù cũng như văn hoá của người Việt.

PV: Cảm ơn những chia sẻ Ca nương Phạm Thị Huệ!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên