Nguyễn Tư Nghiêm - người cuối của bộ tứ Mỹ thuật Đông Dương ra đi

VOV.VN - Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, "Cây đại thụ" cuối cùng trong bộ tứ nổi tiếng “Nghiêm-Liên-Sáng-Phái” đã rời cõi tạm vào lúc 10h27 ngày 15/6 tại Hà Nội.

Ông ra đi để lại nhiều bí ẩn chưa giải mã trong các tác phẩm của ông đối với ngành Mỹ thuật Việt Nam và các thế hệ họa sĩ kế tiếp. Chính điều đó cũng làm cho cuộc đời danh họa có nhiều màu sắc, góc cạnh để khám phá.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20/10/1922 (cũng có tư liệu nói năm sinh của ông là 1918), tại Nam Đàn, Nghệ An. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945. Ông đã giữ những vị trí: Uỷ viên Uỷ ban Giải phóng Huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An; Phụ trách Xưởng tranh phổ biến Hội Văn nghệ Việt Nam; Giảng viên trường Mỹ thuật Việt Nam ở Việt Bắc; Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; Uỷ viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khoá I (1957-1983).

Vợ chồng họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Thu Giang tại nhà riêng cuối tháng 12/2013. - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Tứ trụ thế hệ thứ hai Mỹ thuật Đông Dương

Ông được giới chuyên môn trang trọng xếp vào nhóm “tứ trụ” thế hệ thứ hai của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, gồm các danh họa "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái" (Nguyễn Tư Ngiêm - Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái), cùng với nhóm "tứ trụ" thứ nhất “Trí – Vân – Lân - Cẩn” (Nguyễn Gia Trí - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân - Trần Văn Cẩn). Họ là những gương mặt tiêu biểu cho thành tựu, cũng như phóng thái, diện mạo, các phong cách đặc trưng, đa dạng của hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 tới nay.

Cha ông là cụ Phó bảng Nguyễn Tư Tái, đỗ cùng khoa thi với cụ Nguyễn Sinh Sắc (cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Từ nhỏ ông đã ham học và rất thích vẽ. Khi học xong bậc tiểu học ở Vinh, ông đã theo người anh trai ra Hà Nội tìm đến họa sĩ Lê Phổ, người tốt nghiệp khoá I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1930) để học vẽ, ông đã học vẽ say sưa và rất có năng khiếu.

Năm 19 tuổi, Nguyễn Tư Nghiêm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 15 (1941 - 1946), học cùng với ông có các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình… Ngay từ khi còn học, ông đã là ngôi sao sáng trong đám sinh viên hàn lâm theo học trong trường, không chỉ học trò mà các thầy giáo người Pháp cũng ngưỡng mộ lối vẽ tinh tế đầy biểu cảm mà ông thể hiện qua những bài tập cơ bản.

Nghệ thuật tạo hình bác học mới mẻ và hấp dẫn khi nó đặt chân đến Việt Nam vào năm 1925 là đích đến của gần như toàn bộ lớp sinh viên Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám. Phần khí chất làm nên một họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm riêng của Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Vẫn là những thủ pháp và kỹ thuật tạo hình hàn lâm châu Âu nhưng đã được kết hợp với nghệ thuật cổ truyền Việt một cách nhuần nhị tinh tế nhất.

Năm 1944, khi còn là sinh viên ông đã có tác phẩm dự triển lãm và giành được giải Nhất Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) với toàn bộ tác phẩm: “Cổng làng Mái”, “Cảnh đồng quê”, “Người gác Văn Miếu” (chất liệu Sơn dầu và Khắc gỗ).

Ông nổi tiếng trong giới chuyên nghiệp, và cũng là đề tài bất tận trong ngành, vì đã sáng tạo hay làm một cuộc cách mạng, một sự đột phá đầy ám ảnh, đưa gam màu lạnh, xanh lam, xanh lá cây, vào sơn mài truyền thồng.

Đã có người hỏi tại sao ông lại nghĩ ra hay làm thế: Thật ra chỉ là dùng màu lam Phổ (bleu de Prusse) phủ lên vàng thếp, thành màu xanh lục, theo yêu cầu vẽ tranh bộ đội- màu trang phục bộ đội vào thời điểm ấy…

Chỉ là một chút màu mà tạo hiệu ứng tuyệt đẹp cho tác phẩm, nhưng là một “phát minh” trong hội họa Việt Nam với những chất liệu truyền thống, có giá trị đến tận hôm nay, làm nên sáng tạo mới của nghệ thuật hội họa sơn mài, nét linh động, đa sắc, tươi mát, đưa nghệ thuật sơn mài truyền thống đến gần hiện thực hơn.

Tranh của Nguyễn Tư Nghiêm

Cho đến năm 1949, trong chiến khu Việt Bắc, giá trị tranh sơn mài vẫn còn bị tranh cãi, và ngay các tác phẩm sơn mài của ông “Cụ già học i tờ”, “Vệ quốc quân đứng gác đêm”, “Vệ quốc quân ngồi giữa cánh đồng”, với giới chuyên môn thời đó không được đánh giá cao, dù năm1948, ông đã được giải nhất cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc trong kháng chiến, với tác phẩm tranh khắc gỗ “Dân quân Phù Lưu”.

Ông là một họa sĩ có thể vẽ bằng rất nhiều chất liệu khác nhau như: Phấn tiên, màu nước, sơn dầu, sơn mài, và vẽ nhiều thể loại đề tài khác nhau như từ vẽ “Con Nghé quả thực” đến “Điệu múa cổ”… đã tạo nên một sự bí ẩn về ông với đồng nghiệp và cả nền hội hoa Mỹ thuật Việt Nam.

Một thế giới hội họa đa sắc nhiều bí ẩn

Nhìn vào tổng thể các tác phẩm của  họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, ngay cả giới chuyên nghiệp hội họa cũng nhiều băn khoăn, như một thách đố bí ẩn khám phá. Từ đồng nghiệp cùng thời đến các thế hệ họa sĩ sau luôn ngạc nhiên về những tìm tòi sáng tạo trong các tác phẩm mới của ông.

Ngay cả các nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam hiện đại, những nhà lý luận phê bình về Mỹ thuật Việt Nam đương đại cũng hầu như chưa tìm được chìa khóa để mở ra cánh cửa bước vào căn phòng nghệ thuật nội tâm của ông. Một thế giới trầm mặc, hân hoan, tráng lệ. Một chút lắng đọng tiếc nuối xen lẫn hiên ngang kiêu hãnh của một cây bút sống và sáng tạo nghệ thuật.

Có thể chia các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm 3 mảng đề tài lớn. Ông vẽ nhiều về các điệu múa cổ, Kiều - Kim Trọng và cuối cùng là 12 con giáp. Ngoài ra còn có Thánh Gióng, đề tài ông vẽ đi vẽ lại suốt từ năm 1976- 1990 như một cách khám phá, đào sâu thể nghiệm và không bao giờ cho phép bằng lòng với chính mình.

Người ta hay nhắc đến 2 tác phẩm là “Con nghé quả thực” và “Chống thuế ở Nam Kỳ”. Hai bức sơn mài mang đậm thời sự chính trị vào thời đó, và được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật nhưng bản thân ông có vẻ không thích bằng những tác phẩm mang tính giao thoa- đối thoại giữa hiện đại và truyền thống.

Tranh của ông màu thoạt trông tưởng rất đa sắc, nhưng không rực rỡ, hòa sắc thâm trầm, từng mảng khối khúc triết, hài hòa và đôi khi rất bất ngờ tạo ấn tượng thị giác, cảm xúc mạnh mẽ. Đường nét không phô trương mà đơn giản, khỏe khoắn, được cách điệu từ hồn điêu khắc dân gian. Điều đó thường thể hiện trong những tác phẩm điêu khắc gỗ của ông.

Với sự mẫn cảm của người nghệ sĩ, ông đã tạo dựng một phong cách nghệ thuật đặc biệt từ việc kết hợp giữa quá khứ với hiện đại. Những tinh hoa, hồn cốt phù điêu trong đình, chùa được ông tiếp thu và lấy cảm hứng sáng tạo. “Điệu múa cổ” nồi tiếng của ông là một ví dụ điển hình từ ảnh hưởng vốn mỹ thuật truyền thống .

“Thánh Gióng” của ông hiện tại là tác phẩm được nhiều người tìm xem ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trên nền đỏ thắm của sơn mài, những bước chân ngựa sải dài. Những bước chân là những khối vuông vức. Thần thái tự do phóng khoáng phả trên gương mặt Thánh Gióng trên lưng ngựa. Đây là bức tranh mang tinh thần dân tộc của đình làng trộn lẫn với hội họa lập thể phương Tây. Ở thời điểm đó, vẽ với phong cách lập thể là điều hiếm có trong hội họa Việt.

Ở lĩnh vực tranh Tết, điều đặc biệt là ông vẽ tất cả các con vật trong 12 con giáp, đều thêm bớt các chi tiết cực đắt để nâng lên thành hình tượng nghệ thuật hấp dẫn.

Tác phẩm của ông không những mang đậm tính học thuật của nghệ thuật hội họa hiện đại, nhưng lại ẩn chứa tinh thần Việt tạo nên linh hồn tác phẩm. Nhiều tác phẩm nồi tiếng của ông khiến các nhà nghiên cứu hiện tại vẫn luôn bình phẩm về tinh thần Việt cổ trong một dáng vẻ Tây phương hiện đại, vừa như sự cách tân quay về với bản thế Việt thuần hậu, vừa giữ nguyên chất của hội họa phương Tây. Thế giới hội họa của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vì thế như là bí ẩn chưa thể giải mã.

Và ông ra đi để lại những tác phẩm mang hồn Việt như chút tình gửi lại nhân gian./.

 

Box:

1944: Giải nhất triển lãm: Cổng làng Mía, Cảnh đồng quê, Người gác Văn Miếu.

1948: Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc kháng chiến: Du kích làng Phù Lưu

1957: Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, tác phẩm: Con nghê

1975: Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, tác phẩm: Hai đĩa sơn mài.

1985: Giải Triển lãm Quốc tế nghệ thuật hiện thực ở Sophia (Bulgaria): Điệu múa cổ I năm.

1987: Giải Triển lãm Quốc tế ở Hà Nội: Điệu múa cổ II.

1990: Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, tác phẩm: Gióng.

1996: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật.

Ngoài ra, ông còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời

Thông tin từ gia đình và Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã qua đời vào 10h30 sáng 15/6 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, thọ 94 tuổi.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời

Thông tin từ gia đình và Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã qua đời vào 10h30 sáng 15/6 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, thọ 94 tuổi.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được đánh giá là một trong những cánh chim đầu đàn của Mỹ thuật Việt Nam; ông là một trong "bộ tứ" nổi tiếng của hội họa Việt Nam đương đại

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được đánh giá là một trong những cánh chim đầu đàn của Mỹ thuật Việt Nam; ông là một trong "bộ tứ" nổi tiếng của hội họa Việt Nam đương đại

Triển lãm tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sau hơn 30 năm
Triển lãm tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sau hơn 30 năm

Buổi trưng bày tranh Nguyễn Tư Nghiêm đang diễn ra tại Gallery Ngàn Phố (82 Hàng Gai, Hà Nội).

Triển lãm tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sau hơn 30 năm

Triển lãm tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sau hơn 30 năm

Buổi trưng bày tranh Nguyễn Tư Nghiêm đang diễn ra tại Gallery Ngàn Phố (82 Hàng Gai, Hà Nội).

Những bức vẽ nổi tiếng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm
Những bức vẽ nổi tiếng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

"Điệu múa cổ", "Gióng", "Xuân Hồ Gươm"... là những tác phẩm để đời của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, lấy giá trị văn hóa truyền thống làm gốc.

Những bức vẽ nổi tiếng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

Những bức vẽ nổi tiếng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

"Điệu múa cổ", "Gióng", "Xuân Hồ Gươm"... là những tác phẩm để đời của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, lấy giá trị văn hóa truyền thống làm gốc.