Nhà văn Di Li: "Tôi viết thử để xem độc giả có ... sợ không"
Vừa ra mắt hôm 12/2, "Trại hoa đỏ" - tiểu thuyết trinh thám kinh dị của nữ nhà văn trẻ Di Li đã đem lại nhiều bất ngờ cho độc giả. Lâu lắm rồi, độc giả Việt Nam mới có được một món ăn lạ và hấp dẫn như vậy.
Xinh đẹp, sắc sảo, tinh tế và quảng giao, là điều mà nhiều người dễ ấn tượng khi gặp Di Li ngay từ lần đầu tiên....
* Như nhiều nhà văn đã đánh giá về cuốn tiểu thuyết này, "Trại hoa đỏ" đã mang đến một món ăn lạ và hấp dẫn cho độc giả. Vì sao chị chọn dòng truyện này?
Đầu tiên do tôi thích đọc trinh thám kinh dị, nhưng truyện trinh thám ít quá, mà lại tái bản đi tái bản lại những cuốn cổ của thế giới, tuy vẫn có giá trị trường tồn nhưng kỹ thuật điều tra... không có gì để đọc được nữa. Tôi nói vui với bạn bè: "Đành tự viết cho mình đọc". Ai cũng cười, cho rằng đó là điều viển vông. Tôi có cá tính là hơi hiếu thắng nên khi càng bị chế giễu càng quyết tâm làm.
Những truyện đầu tiên tôi viết trên Hoa Học trò từ khi còn là sinh viên, ngoài yếu tố hài hước cũng hơi có yếu tố hồi hộp, ly kỳ; kể cả những truyện dù không có ma quỷ nhưng dường như đã ngấm vào máu nên khi viết vẫn bật ra yếu tố ly kỳ một cách vô thức. Một người bạn là nhà văn cho rằng, tạng viết văn của tôi nên viết tiểu thuyết vì tôi thường thành công ở chi tiết.
Tôi có nhiều lý do để không viết tiểu thuyết. Tôi thấy nhiều người sáng tác tiểu thuyết không mang lại tiền bạc, không mang lại danh tiếng, và cũng chẳng mang lại giá trị gì cụ thể. Nhiều cuốn được xuất bản ra rồi để đấy. Những truyện ngắn trinh thám của tôi nhiều người nói là sợ, nhưng cũng nhiều khán giả nam trên mạng nói rằng... chẳng xi nê gì cả. Tôi lại hơi tự ái vì mình viết đến thế mà vẫn có người nói không sợ. Khi đó tôi nhận ra, để một cuốn trinh thám gây ám ảnh lâu dài thì chỉ có thể tiểu thuyết mới làm được. Ngay cả với các nhà văn nổi tiếng thế giới thì ở thể loại truyện ngắn họ cũng không tạo ra được ám ảnh lâu dài. Nên tôi thử viết một cuốn xem sao xem... độc giả có sợ không. Đó cũng là thử thách cho chính mình.
* Và thế là "Trại hoa đỏ ra đời"?
Ban đầu tôi chỉ có ý định xây dựng một tuyến vụ án. Nhưng để phù hợp với Cuộc vận động viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” 2007 – 2010, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, chị Trần Thanh Hà (NXB Công an) đề nghị tôi đưa hình ảnh chiến sỹ cảnh sát vào. Vậy là có thêm nhân vật chính Phan Đăng Bách và 2 tuyến vụ án nữa.
* Danh tiếng, tiền bạc, hay những giá trị nào khác mà "Trại hoa đỏ" mang lại cho chị?
Tôi làm quảng cáo và PR từ thời sinh viên, còn ở trường tôi dạy bộ môn Business English, tôi hiểu rõ được tạo dựng được thương hiệu thì sẽ mang lại nhưng điều khác kèm theo. Hoặc là ta phải tạo những thứ có sự vượt trội, độc đáo so với những cái cùng phạm trù tương đương hoặc tạo một cái hoàn toàn mới.
Bìa sách Trại Hoa Đỏ của Di Li |
Tôi là một người thực tế và thực dụng. Tôi vẫn nói, tôi viết bằng cả sự đam mê và giải trí, thực ra là để công việc của mình nhẹ nhàng đi. Truyện ngắn mang lại sự giải trú và tiền bạc, nhưng với tiểu thuyết thì điều đó là vô hình và không có giá trị kinh tế. Tôi có thói quen của một người học kinh doanh là trước khi bắt tay vào làm một điều gì đó đều tính toán xem nó sẽ mang lại điều gì cho mình. Với "Trại hoa đỏ" cũng vậy. Tôi đã thử tính với nội dung như vậy, sẽ viết trong bao nhiêu chương, mất bao nhiêu thời gian và... giá thành bao nhiêu, và tất nhiên là sẽ kéo theo doanh thu là bao nhiêu.
Nên khi bắt tay vào viết "Trại hoa đỏ", tôi nghĩ nó sẽ mang lại điều gì đó cho bản thân chứ không đơn thuần chỉ là sự cống hiến cho độc giả. Sự thành công bước đầu của "Trại hoa đỏ" đã vượt quá những gì tôi mong đợi.
* Di Li khiến tôi liên tưởng đến một bộ phim Trung Quốc nói về một nữ nhà văn chuyên viết trinh thám kinh dị, tài năng, xinh đẹp, quyến rũ, và cũng rất... quái như chính những tình huống mà chị ta nghĩ ra trong các tác phẩm của mình?
(Bật cười)... Những người bạn mới tiếp xúc thì thấy tôi cũng bình thường như những người khác. Nhưng những người thân thì thường nói rằng tôi có những thói quen, hành vi, quan điểm thường khác, thậm chí là đối lập với người khác. Tôi không nghĩ là cứ làm nghệ thuật thì sẽ thế, nhưng những người bẩm sinh có tố chất nghĩ khác người khác thì mới có khả năng sáng tạo. Tôi khác người nhưng không đến mức oái oăm không thể chấp nhận được. Tôi là người quảng giao và có rất nhiều bạn bè.
* Thú thực khi bắt đầu đọc "Trại hoa đỏ", tôi như bị lạc vào một ma lộ, trừ lúc không thể chống được mắt lên tôi mới gấp được cuốn sách lại. Là nhà văn thích viết truyện trinh thám kinh dị, có bao giờ chị bị rơi vào chính cái ma lộ mà mình đã giăng ra cho độc giả?
Khi viết được 2/3 truyện tôi bắt đầu cảm thấy hơi nhức đầu và bắt đầu lẫn. Thường thì các truyện trinh thám chỉ có 1 đến 2 tuyến vụ án. Nhưng ở "Trại hoa đỏ" tôi đã đặt ra 3 tuyến vụ án lồng vào nhau với nhiều đầu mối. Điều này tạo nên sự hấp dẫn cho độc giả nhưng khiến người viết phải có sự khổ công không kém. Tôi đã phải viết ra giấy, vẽ sơ đồ trong đầu. Cứ hết một chương, một nhân vật nào chết, tôi lại phải lấy bút đỏ gạch chéo, hệt như... một sát thủ chuyên nghiệp vẫn làm vậy.
* Đọc "Trại hoa đỏ" cảm giác như tác giả là một người cực kỳ sành điệu và từng trải?
Có truyện mình viết về gameonline, có truyện tôi viết về ngón nghề cờ bạc bịp. Cố nhà thơ Trần Hoà Bình có lúc đã nói vui với tôi: "Sau khi đọc "Canh bạc ma" anh thực sự thấy sợ em vì em rất sành cờ bạc.
Mỗi một truyện tôi đi sâu vào một lĩnh vực khác nhau. Bản thân tôi là người rất ưa tìm hiểu. Như trước khi thực hiện truyện "Cocktail" tôi đã mê pha cocktail. Sau một hồi phá phách thì tôi ra được cuốn truyện này. Hầu như những gì người khác tham gia thì tôi đều tham gia. Tôi không từ chối một buổi nghe nhạc từ dân gian đến, hip hop, âm nhạc bác học, cổ điển tôi đều tìm thấy sự hứng thú. Người viết văn, viết báo, có thể là không thích cái này cái kia nhưng phải biết nó như thế nào, từ "thượng vàng" đến "hạ cám", để thích nghi một cách thoải mái. Tôi là người có khả năng thích nghi tốt.
* Nếu cứ nhìn vào lý lịch của một nhà văn như Di Li, có thể rút ra một điều: không cứ phải học trường viết văn mới có thể trở thành nhà văn?
Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành nhà văn hay cô giáo như bây giờ. Tất cả những gì tôi đang làm hiện giờ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đều không hề nghĩ tới. Khi còn học cấp III, tôi thích mình trở thành nhà thiết kế thời trang, rồi đạo diễn điện ảnh. Tôi có thể may vá và vẽ tốt. Giống như là cái duyên, là định mệnh. Cái gì đến ắt sẽ đến.
Tôi viết đến đâu được chấp nhận đến đấy, gặp may mắn từ những bước đầu tiên.
Tôi nghĩ trong sáng tạo nghệ thuật thì đầu tiên phải có năng khiếu. Học sẽ rất tốt khi ta có năng khiếu. Nhưng nếu không có năng khiếu thì tốt hơn là không nên học nghệ thuật làm gì. Trước kia tôi cũng có ý định học trường viết văn Nguyễn Du, nhưng có người nói đùa: Học xong có khi còn viết tệ hơn. Dù sao tôi vẫn muốn mình được học viết lách một cách bài bản. Mới đầu viết báo tôi cũng không phân biệt được đâu là phóng sự đâu là ký sự. Hầu như tôi viết lách theo bản năng. Trong mọi lĩnh vực thì đều cần phải học. Nếu không có cơ hội học ở trường thì học ngoài đời. Và tôi cũng là một người "học mót" rất giỏi.
* Trong cuộc đời, đôi khi cái gì đến với ta mà không thể tính trước, giống như một cái duyên, một định mệnh. Có bao giờ chị bất ngờ với chính mình vì những gì đã làm được?
Đúng là có lúc cũng hơi bất ngờ thật. Mọi người nói tôi không có tướng nhà văn, hay nhà giáo. Hồi học cấp 3 tôi cũng chưa từng nghĩ mình làm được những công việc như bây giờ. Trong giảng dạy tôi cũng thu được nhiều thành tựu khi được nhiều giải giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, ở trong trường được coi là giáo viên có chuyên môn vững, được nhiều khen thưởng đấy.
* "Trại hoa đỏ" mang đậm chất xi nê, chị có ý định chuyển thể tác phẩm này thành kịch bản phim?
Ngay từ đầu tôi đã nghĩ đến điều này rồi. Vì tôi cũng đã từng mơ ước mình sẽ trở thành một đạo diễn điện ảnh. Có một số đạo diễn cũng đã đề nghị tôi như vậy. Hôm họp báo ra mắt cuốn sách, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã có mặt và ông cũng muốn làm một bộ phim như vậy.
* Xin cảm ơn Di Li và chúc chị nhiều thành công!