Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Trong 2 tác giả, có 1 người ăn cắp
VOV.VN -Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: Cả chị Huyền Thư và P.N Thường Đoan phải tiếp tục tìm chứng cứ để đi đến tận cùng sự việc.
Liên quan đến việc Hội nhà văn Hà Nội thu hồi giải thưởng của nhà thơ Phan Huyền Thư, phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều |
Ông Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Chị Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Qua vụ việc này, Hội Nhà văn Việt Nam vô cùng buồn và đáng tiếc. Bởi vì, trong việc nhìn nhận và xem xét văn bản của 2 bài thơ này, trên tất cả khía cạnh, tôi phải nói rằng, cả hai bài thơ này đều là một. Cho nên, một trong 2 tác giả này là người đạo thơ, ăn cắp bài thơ đó. Bây giờ, ai là người ăn cắp, chúng ta phải đợi một thời gian nữa và 2 người phải đưa ra những chứng cứ cụ thể”.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về việc Hội nhà văn Hà Nội đã rút lại giải thưởng đối với nhà thơ Huyền Thư?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi cũng theo dõi và được biết, chiều 20/10, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã họp khẩn cấp, quyết định thu hồi giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 đối với tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư.
Tôi cũng chưa hiểu tại sao Hội Nhà văn Hà Nội lại đưa ra quyết định đó? Và Hội Nhà văn Hà Nội đã dựa chứng cứ nào để bãi bỏ giải thưởng đó hoặc Phan Huyền Thư suy nghĩ gì mà chị ấy lại đồng ý chấp nhận và từ chối giải thưởng đó.
Nhưng dù Hội Nhà văn Hà Nội đã loại giải đó ra, và nhà thơ Phan Huyền Thư có thể chối từ, trả lại giải đó thì cuối cùng sự việc vẫn phải làm đến tận cùng để một trong hai người phải là người chủ chính thức được công bố công khai trong dư luận là tác giả của bài thơ đó. Một trong hai người đó phải là người chịu trách nhiệm mình là người đã đạo bài thơ đó để biến thành của mình mà không được phép. Tôi nghĩ rằng, vụ việc này chưa dừng lại ở đây và phải tiếp diễn cho đến lúc ngã ngũ ai là tác giả chính thức của bài thơ đó.
PV: Về phía cá nhân ông, ông nghĩ sao về diễn biến vụ việc, đặc biệt là các chứng cứ hai nhà thơ đã đưa ra?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chị Phan Ngọc Thường Đoan đã đưa ra những chứng cứ rất rõ ràng là tập sách được in trước và đã có bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Còn Phan Huyền Thư thì không. Đấy là tính về mặt pháp lý hiện nay mà chúng ta có được. Theo như thông tin đăng tải trên mạng và báo chí, Phan Huyền Thư có nói: chị sáng tác bài thơ này từ năm 1996 và theo thông tin trên mạng, chị đã viết tay bài thơ này.
Về quan điểm của riêng tôi, dù có bản viết tay thì cũng là một phần của chứng cứ nhưng bản viết tay này nếu sau này đưa ra để phân định, định ra tuổi và thời gian của nó có đúng không. Vì vậy, tôi nghĩ, cả hai phía đều phải nỗ lực để đưa ra chứng cứ xác đáng, nghiêm minh và chắc chắn. Nếu một trong hai người để xảy ra căng thẳng hay không xin lỗi về việc đó sẽ phải đưa ra tòa án. Nếu đưa ra tòa án, những chứng cứ liên quan sẽ xem xét một cách cẩn thận, minh bạch để đảm báo tính chính xác của nó.
Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang tiếp tục lắng nghe, quan tâm và sẽ theo dõi vụ việc này vì cả hai người đều là hội viên Hội Nhà văn, và trong quá khứ đã có những đóng góp nhất định cho phong trào sáng tác văn học trong nước.
Nhà thơ Phan Huyền Thư: “Tôi viết bài thơ gốc từ năm 1996”
PV: Với tư cách là người sáng tác và là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, theo ông chúng ta cần có những biện pháp nào để bảo vệ đứa con tinh thần của mình để tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc như vụ việc này và một số vụ việc đã xảy ra thời gian qua?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Lâu nay chúng ta đều nói rằng: sống và làm việc theo pháp luật. Nhưng thực ra chúng ra rất thờ ơ với nguyên tắc để phát triển, một lối sống đảm bảo minh bạch, rõ ràng và có luật định rõ ràng với xã hội. Không chỉ trong lĩnh vực của văn học nghệ thuật mà cả lĩnh vực khác, luật pháp của Việt Nam chưa được chấp nhận, chưa được thực thi một cách nghiêm túc. Đối với các nhà văn, kể cả những người bắt đầu viết, từ trước đến nay chúng ta chưa quan tâm nhiều đến bản quyền và có thể nói là rất ít. Đây là một thói quen đáng trách. Đấy là cách sống chưa theo luật pháp lắm.
Ở các nước khác, bất kỳ một cái gì được thể hiện trên báo chí hay công khai hay công bố trên một phương tiện nào đó đều có cách thức để đảm bảo hồ sơ cho tác quyền đó. Còn ở Việt Nam thì chưa và bỏ ngỏ. Ngay bây giờ - những chuyện này xảy ra, có nhiều nhà văn, nhà thơ mới giật mình là phải đăng ký bản quyền. Chúng ta đã có những cơ quan bản quyền- ngay ở Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta đã có Trung tâm bảo vệ tác quyền thì các nhà văn Việt Nam được kêu gọi, động viên, lý giải về lợi ích của bản quyền đó. Và đến nay, không phải tất cả các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã thực thi điều đó.
Các cơ quan quản lý bản quyền cũng phải tăng cường hoạt động của mình. Và luật pháp phải có những điều khoản thật cụ thể và xử phạt rõ ràng. Ở các nước khác, họ coi việc ăn cắp bản quyền là một tội và Việt Nam cũng phải đưa vào như thế. Ăn cắp bản quyền xong, chỉ một lời xin lỗi mà bỏ qua việc đó là không được. Vấn đề tác quyền đã đến lúc báo động, nó không chỉ đảm bảo vật chất mà còn bảo vệ danh dự cho chính người sáng tạo nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!
Huyền Thư phải tiếp tục đi tìm bằng chứng để khẳng định tác quyền bài thơ
Trả lời VOV.VN, ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết: Chiều 20/10, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã họp khẩn cấp, quyết định thu hồi giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 đối với tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư trên cơ sở những phát hiện mới nhất về việc nghi đạo một số bài thơ của Phan Huyền Thư.
Phân tích nguyên nhân về quyết định thu hồi này, ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết: “Từ khi có vụ việc xảy ra, chúng tôi rất quan tâm. Tác phẩm là của nhà thơ nhưng giải thưởng là do Hội Nhà văn Hà Nội trao cho nên chúng tôi phải quan tâm sâu sát đến sự việc. Cho nên, chúng tôi đề nghị nhà thơ Phan Huyền Thư phải giải trình rõ về vụ việc này. Mặt khác, chúng tôi cũng quan tâm đến dư luận của báo chí. Khi chị Phan Huyền Thư cho biết, bài thơ này không phải là đạo mà sáng tác năm 1996 và được gửi trong một tập bản thảo gồm nhiều bài thơ khác ra nước ngoài cho các tạp chí văn học nghệ thuật của người Việt ở hải ngoại cho nên chúng tôi phải tìm hiểu, xác minh thông tin theo hướng này.
Trước mắt, xét về mặt văn bản, bài thơ của P.N Thường Đoan có trước và Phan Huyền Thư có sau. Chị Thư cũng đã thừa nhận chưa có một chứng cứ nào về mặt văn bản để xác định bài thơ của mình có từ năm 1996. Trước dư luận trong mấy ngày qua, chúng tôi đã có một quyết định là thu hồi giải thưởng của tập thơ. Sau đó, chị Thư cũng có thư xin lỗi gửi đến Hội Nhà văn Hà Nội và đề nghị rút giải thưởng.
Chúng tôi xác định rằng, việc tìm ra chứng cứ và pháp lý những bài thơ của chị Thư sẽ cần phải có nhiều thời gian. Bản thân chị Thư cũng xác định như vậy. Vì không muốn để vụ việc ảnh hưởng đến giải thưởng cũng như uy tín của Hội Nhà văn Hà Nội, cùng với ý kiến của Ban Chấp hành và mong muốn của chị Huyền Thư nên chúng tôi đã quyết định rút giải thưởng. Chị Thư phải tiếp tục đi tìm bằng chứng để khẳng định bài thơ của mình viết từ năm 1996. Chúng ta phải nghe cả hai bên một cách khách quan. Chúng ta cũng phải nghe ý kiến của chị Thư nói vì chị ấy đã đặt cược cả uy tín của mình vào vụ việc này. Biết đâu khi tìm được chứng cứ, bản chất vụ việc sẽ lật ngược trở lại”./.