Nhạc sĩ Cát Vận: “Những cánh chim không mỏi”
Với ông, sáng tác là cách để đền ơn trả nghĩa với cuộc đời; viết để bày tỏ tấm lòng của mình với đất nước, với Đảng, với nhân dân và tất cả những gì tốt đẹp nhất.
Nghe trò chuyện với nhạc sĩ Cát Vận |
Hơn 40 năm hoạt động âm nhạc và báo chí, nhạc sĩ Cát Vận đã có những thành quả nhất định trong lĩnh vực âm nhạc và phát thanh. Những đóng góp của ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận với giải thưởng mà ông vừa được trao tặng. Tuy nhiên, đối với ông, niềm vui lớn nhất vẫn là được làm việc và cống hiến cho dù ở cương vị nào đi chăng nữa: một nhà báo, một nhạc sĩ hay nhà quản lý.
Ông vẫn luôn tận tâm hết mình với công việc. Dù đã ở tuổi thất thập nhưng người nhạc sĩ vẫn say sưa với những giai điệu, sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, dâng hiến cho đời, cho những người yêu nhạc. Vừa qua, ông đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng về văn học nghệ thuật.
PV: Xin chúc mừng nhạc sĩ vừa được nhận giải thưởng cấp Nhà nước về Văn học nghệ thuật, một phần thưởng hết sức quý báu mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho nhạc sĩ trong lĩnh vực âm nhạc.
NS Cát Vận:. Nhận được phần thưởng này, tôi phải cảm ơn Đài TNVN đã tạo điều kiện để tôi cất cánh trong những hoạt động nghệ thuật của mình.
PV: Trong cụm tác phẩm được trao giải thưởng của nhạc sĩ thì có 2 mảng sáng tác: sáng tác ca khúc và sáng tác khí nhạc. Ở mảng ca khúc có tác phẩm được trao tặng giải thưởng Nhà nước như: “Chân dung dũng sĩ”, “Đi dọc Việt Nam”, “Vòng tay hòa bình”, “Những cánh chim không mỏi”,… Ở mảng sáng tác khí nhạc có “Tình yêu của biển”. Phải chăng, đây đều là những tác phẩm tâm đắc của nhạc sĩ?
NS Cát Vận: Đúng vậy. Đây là những tác phẩm ghi lại dấu ấn trên chặng đường hoạt động nghề nghiệp của tôi. Có một điều tôi thấy tâm đắc là, tất cả tác phẩm tôi đều viết trong quá trình công tác hơn 20 năm ở Đài TNVN.
Nhạc sĩ Cát Vân (thứ hai từ bên trái) |
PV: Phải chăng, môi trường làm việc tại Đài TNVN đã chắp cánh rất nhiều cho cảm xúc của ông?
NS Cát Vận: Đài TNVN là cơ quan thông tin đại chúng lớn nhất của nước ta với tư cách là hệ thống thông tin quốc gia. Ngoài các hoạt động thông tin xã hội thì có các hoạt động rất đáng quan tâm về văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Âm nhạc trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam đã hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi trong hơn nửa thế kỷ qua; luôn luôn bám sát thực tế đời sống.
Sống trong môi trường luôn vang lên âm thanh, những tác phẩm mới của các nhạc sĩ từ khắp miền đất nước gửi về cũng như âm thanh của bạn bè quốc tế hát về Việt Nam. Với thực tế sinh động, nóng bỏng trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như xây dựng hòa bình; không phải mình tôi mà tất cả anh em công tác trong Ban biên tập Âm nhạc của Đài TNVN đều thấy rằng: việc sáng tạo nghệ thuật, viết bài mới để phục vụ những nhiệm vụ chính trị, của đất nước là yêu cầu tự thân. Không viết, không chịu nổi. Tôi trưởng thành trong môi trường này và viết như đền ơn trả nghĩa với cuộc đời; viết để bày tỏ tấm lòng của mình với đất nước, với Đảng, với nhân dân và tất cả những gì tốt đẹp nhất mà thời đại Hồ Chí Minh đã mang đến cho thế hệ chúng tôi.
Vừa qua, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đã công bố danh sách 27 nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng về văn học nghệ thuật với 27 tác phẩm và cụm tác phẩm ở cả 2 lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp to lớn của các nhạc sĩ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam; đồng thời cũng là niềm vui, niềm vinh dự của các nhạc sĩ cũng như giới nhạc trong cả nước. Một trong những nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng là nhạc sĩ Cát Vận. Ông nguyên là Trưởng ban Âm nhạc Đài TNVN; một nhạc sĩ, nhà báo có nhiều năm công tác tại Đài.
PV: Trong những ngày cao điểm của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các nhạc sĩ Đài TNVN đã luôn bám sát từng bước hành quân của quân đội ta và kịp thời cho ra đời những tác phẩm mang tính động viên, cổ vũ tinh thần người chiến sĩ. Nhạc sĩ Cát Vận cũng đã cho ra đời bài hát “Chân dung dũng sĩ” khi quân ta đang tiến vào giải phóng Tây Nguyên. Ông có thể chia sẻ về ca khúc này.
NS Cát Vận: Tháng 3/1975, trước sự tấn công vũ bão, mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Tây Nguyên; tôi cũng như nhiều nhạc sĩ khác, viết những bài hát về Tây Nguyên. Tây Nguyên trong tôi rất hùng vĩ, nó như dáng đứng của các dũng sĩ Tây Nguyên trên dãy Trường Sơn và tượng trưng cho sức mạnh Việt Nam. Tôi đã rung cảm trước thời điểm chính trị ấy và viết bài “Chân dung dũng sĩ”
PV: Là một nhạc sĩ nhưng cũng là một biên tập viên âm nhạc của Đài TNVN, ông có coi việc sáng tác những ca khúc phản ánh, bám sát những sự kiện trọng đại của đất nước cũng là nhiệm vụ của một người phóng viên âm nhạc?
NS Cát Vận: Lúc ấy, tôi vừa là biên tập viên âm nhạc, vừa là nhà báo. Việc phản ánh tất cả hiện thực sinh động của chiến tranh thông qua ngôn ngữ âm nhạc là nhiệm vụ rất nóng. Chúng tôi cũng rất hào hứng với nhiệm vụ này. Việc sáng tác là nhiệm vụ tự thân nhưng đồng thời cũng thể hiện tình cảm của chúng tôi. Trên góc độ nhà báo, chúng tôi luôn luôn cập nhật về tin tức, viết theo bước chân anh giải phóng. Với chúng tôi, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được trong sự nghiệp sáng tác của mình.
PV: Bên cạnh sáng tác ca khúc, nhạc sĩ còn thành công trong mảng sáng tác khí nhạc với những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao như “Mùa thu”, “Tình yêu của biển”. Đặc biệt, tác phẩm “Tình yêu của biển” được chọn làm nhạc hiệu, nhạc nền cho một số chương trình phat thanh. Nhạc sĩ có thể chia sẻ đôi chút về bản khí nhạc này?
Nghe tác phẩm: Tình yêu của biển Sáng tác: NS Cát Vận Thể hiện: Dàn nhạc Đài TNVN
NS Cát Vận: Với tôi, việc sáng tác khí nhạc cũng là điều khát khao, điều mong muốn. Tôi thích viết tiểu phẩm cho dàn nhạc và nhạc cụ như bài “Mùa thu” viết cho dàn nhạc dây và đàn thập lục, “Tình yêu của biển” viết cho piano và dàn nhạc dây.
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong chuyến tàu biển đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, khi đến miền Trung Việt Nam, thì một anh thủy thủ chỉ cho tôi Cù lao chàm. Hình ảnh sóng biển nhấp nhô, xa xa là bờ biển bật lên trong tôi một giai điệu. Tôi đã cố gắng ghi lại. Lúc đó, ở Đài TNVN cũng có một dàn nhạc mới được thành lập là dàn nhạc “Cây Vĩ cầm”. Tôi đã viết lại tác phẩm theo phong cách bán cổ điển cho dàn nhạc chơi. Bản nhạc này đã thể hiện tình cảm của tôi với biển đảo quê hương Việt Nam.
PV: Trước thực trạng nền âm nhạc hôm nay khi ca khúc thị trường lấn át ca khúc nghệ thuật; còn khí nhạc thì không có mấy nhạc sĩ mặn mà, quan tâm, đầu tư để viết thì nhạc sĩ có suy nghĩ trăn trở gì?
NS Cát Vận: Hiện nay, âm nhạc giải trí đang chiếm lĩnh thị trường. Nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với những thành tựu nhạc giao hưởng, nhạc kịch, nhạc thính phòng có rất nhiều tác phẩm tốt nhưng điều kiện vang lên lại rất hạn chế. Thời lượng chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng rất ít nhưng quan trọng là người nghe chưa được đào tạo. Vì vậy, việc đào tạo đối tượng người nghe rất quan trọng. Họ chính là môi trường để hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp phát triển. Tôi rất hy vọng, sau này chúng ta sẽ đưa việc giáo dục âm nhạc truyền thống, âm nhạc kinh viện vào hệ thống giáo dục phổ thông để chúng ta có đối tượng. Đồng thời cũng phải có điều kiện mà nhà nước đầu tư.
Nhạc sĩ Cát Vận trong buổi họp định kỳ của Câu lạc bộ Âm nhạc và Báo chí |
PV: Nhạc sĩ hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ Âm nhạc và Báo chí của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông có nhận xét gì trước thực trạng một lực lượng khá đông đảo nhà báo không có chuyên môn về âm nhạc nhưng lại tham gia viết những bài báo về phê bình âm nhạc hiện nay?
NS Cát Vận: Vấn đề phê bình âm nhạc hiện nay là một vấn đề rất lớn. Trong nghị quyết 23 của Bộ Chính trị có nói rất rõ: Công tác phê bình âm nhạc của chúng ta hiện nay vừa thiếu, vừa phân bổ không đều trong các ngành nghệ thuật. Trong đó, âm nhạc là một những khâu yếu nhất.
Phê bình âm nhạc là một công việc rất khó, đòi hỏi người phê bình âm nhạc phải có kiến thức của một người sáng tác, kiến thức về mặt nghiên cứu, phê bình; đồng thời phải có kiến thức về mặt báo chí. Trong các học viện âm nhạc ở cả nước ta không có khoa đào tạo phê bình âm nhạc nào. Còn những nhà phê bình âm nhạc hiện nay cũng làm nghề tay trái huống chi các nhà báo phê bình âm nhạc.
Đứng trên góc độ của người theo dõi, đồng hành với các nhà báo trong việc truyền tải thông tin âm nhạc, chúng tôi phải cám ơn các nhà báo đã đưa được thông tin mang tính cập nhật để khán giả biết được những gì đang diễn ra trong đời sống âm nhạc. Câu lạc bộ Âm nhạc và Báo chí mở ra để đồng hành cùng nhà báo, phối hợp cùng nhau nâng cao kiến thức về mặt âm nhạc, kiến thức về báo chí và để định hướng về các hoạt động âm nhạc.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Cát Vận về cuộc phỏng vấn./.