Nhạc sĩ Lê Tịnh: Không thể viết cái gì khác hơn là đồng đội của mình

Những kỷ niệm, những suy nghĩ cứ rực cháy khi NS Lê Tịnh viết về đề tài người lính, đất nước.

PV: Trước hết, xin chúc mừng nhạc sĩ vừa nhận được giải thưởng của Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

NS Lê Tịnh: Được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng về Văn học – Nghệ thuật là một vinh dự, càng vinh dự bao nhiêu, tôi càng thấy trách nhiệm của mình lớn hơn. Mặc dù bây giờ tuổi đã cao nhưng tôi vẫn phải cố gắng, nỗ lực làm việc, lấy việc làm làm niềm vui và cũng đáp lại tất cả những gì mà Đảng và Nhà nước, nhân dân tạo cho mình.

PV: Nghĩa là nhạc sĩ thấy có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống. Điều đó đã được thể hiện trong ý thức sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ như thế nào?

NS Lê Tịnh: Trước tiên là phải nắm rất chắc những gì thuộc về học thuật, về sáng tạo âm nhạc. Trong đó, điều đầu tiên là không được tùy tiện hay ngẫu hứng một cách không ý thức đối với khí nhạc và dàn nhạc giao hưởng. Tôi phải chuẩn bị những việc đó rất đầy đủ. Khi đã viết thì phải viết cụ thể. Ví dụ viết về nhân dân, về quân đội, về các em bé, về những người nghèo khó, bão lụt, về tất cả những gì của cuộc sống đều phải có đề tài cụ thể.

Nghe trò chuyện với NS Lê Tịnh

PV: Tất cả đều là những đề tài xã hội?

NS Lê Tịnh: Đúng là viết về đề tài xã hội mới thấy mình có trách nhiệm với người dân, với đất nước. Còn dĩ nhiên, mình có thể dựa vào cái gì đó rất thiên nhiên để nói về đất nước, về Tổ Quốc, nói về con người cụ thể.

PV: Cụm 6 ca khúc của nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng Nhà nước bao gồm các bài: “Sông Đà lúc nắng chiều”, “Chiều rừng đỏ”, “Mưa sương”, “Hương hoa lộc biếc biên thuỳ”, “Đường nào xa mấy”, “Tổ khúc Hương trầm tháng chạp”. Vậy nhạc sĩ có khó khăn gì khi lựa chọn 6 trong hàng trăm ca khúc của mình để tham gia xét giải thưởng Nhà nước năm nay?

NS Lê Tịnh: Thực ra cũng không khó khăn gì mấy vì dù được nhiều giải thưởng nhưng lựa chọn ra 6-7 ca khúc rất đơn giản. Thời gian sáng tác xa xa một tí, giữa giữa một tí và cuối cùng là gần đây nhất. Chọn như thế nên cũng rất thoải mái.

Còn về tiêu chí nghệ thuật, tôi lựa chọn những ca khúc nói về người lính vì tôi suốt đời ở bộ đội, đi bộ đội và nghỉ hưu cũng là bộ đội. Ví dụ như bài “Chiều rừng đỏ”, đây là “Đường nào xa mấy”, đây là “Sông Đà lúc nắng chiều”, “Hương hoa lộc biếc biên thuỳ”, hay là “Tổ khúc Hương trầm tháng chạp”; những tác phẩm này đều nói về người lính.

PV: Trong số 6 ca khúc được xét tặng giải thưởng Nhà nước Việt Nam của nhạc sĩ, có tác phẩm nào gắn liền với một kỷ niệm mà ông khó quên không?

NS Lê Tịnh: Đấy chính là Hương trầm tháng chạp, nơi Bộ Tư lệnh đánh B52 tập trung vào tháng chạp năm 1972. Tôi viết tác phẩm này phải đến đấy mấy lần và rất tâm đắc. Tôi kính phục Bộ Tư lệnh chỉ huy đã đành nhưng những người công binh làm cái hầm này thật quá tuyệt vời. Nó giống như là phố ở trong lòng núi đá, đấy không phải là chuyện đùa.

Hành khúc sư đoàn Không quân

Sáng tác: Lê Tịnh

Thể hiện: Tốp ca nam đoàn nghệ thuật KQ

PV: Thưa nhạc sĩ Lê Tịnh, trong cụm tác phẩm được trao giải thưởng Nhà nước của nhạc sĩ thì có thể thấy: có hai mảng sáng tác, sáng tác ca khúc và sáng tác khí nhạc. Nhạc sĩ cảm thấy mình nặng lòng với lĩnh vực nào hơn?

NS Lê Tịnh: Chắc chắn tôi nặng lòng với nhạc giao hưởng thính phòng hơn cả. Tôi viết đến nay đã là 7 bản giao hưởng và 4 tổ khúc giao hưởng rồi. Đó là cái trăn trở, nặng lòng vì nó yêu cầu phải sắp xếp và thông thạo rất nhiều thứ. Ví dụ như phải hết sức thuần thục tính năng nhạc cụ rồi cứ thế mà viết. Còn các bài hát thì không cần phải chú ý nhiều đến mức tư duy đắm đuối. Khi định viết đề tài về người lính, về đất nước; tự nhiên nó cháy lên trong đầu mình, thế là mình viết được ngay. Chứ nhạc không lời, phải suy nghĩ, phải có bố cục rất chặt chẽ nên mình nặng lòng nhiều với nó.

PV: Nhạc sĩ có khá nhiều các tác phẩm khí nhạc dành được giải thưởng cao như giao hưởng “Cổ tích vũ trụ” giành giải nhì của TP. HCM; giao hưởng thơ “Níu vào mùa thu” cũng đã giành được giải nhì, giải âm nhạc của hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1996. Ngoài ra, còn có giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm 1990 cùng với nhiều tác phẩm viết cho nhạc múa, nhạc sân khấu, nhạc phim. Vậy thì sáng tác khí nhạc được ông đặt ở vị trí như thế nào trong sự nghiệp âm nhạc của mình?

NS Lê Tịnh: Sự nghiệp âm nhạc đối với một nhạc sĩ mà nói thì khí nhạc là hàng đầu; vì cái đó mang tính tổng hòa, làm cho ta phải suy nghĩ nhiều mặt cùng một lúc chứ không phải như ca khúc. Ca khúc nó đi hàng ngang, còn giao hưởng đi theo rất nhiều chiều, rất nhiều trạng thái, nhưng khi âm nhạc vang lên thì lại hoàn toàn làm rung động trái tim.

PV: Tâm huyết và nặng lòng với sáng tác khí nhạc, hiện tại, nhạc sĩ cũng đang đầu tư viết một số các tác phẩm khí nhạc. Có một thực tế hiện nay là, những tác phẩm nhạc khí được các nhạc sĩ bỏ công sức, thời gian để viết nhưng lại không có kinh phí để đầu tư dàn dựng và cũng không có điều kiện để vang lên tới thính giả. Thậm chí, khi mà có điều kiện để đưa đến thính giả rồi thì người ta nghe, nhiều người họ cũng không thể cảm nhận được. Vậy thì nhạc sĩ có suy nghĩ gì về thực trạng này?

NS Lê Tịnh: Điều này là nỗi buồn và cũng là điều khó khăn cho đất nước chúng ta. Tôi nghĩ rằng, một phần phụ thuộc vào kinh tế. Giá mà nó thấy rằng, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật của văn học nghệ thuật nói chung là con đường đi rất gần với quần chúng. Nó biểu dương được rất nhiều gương tốt trong xã hội, những tấm lòng của con người đối với xã hội. Tôi thấy rằng, cơ chế của mình chưa mở ra được. Nhà nước bao giờ cũng quan tâm nhưng mà vì lý do gì đó, khí nhạc vẫn chưa đến được với công chúng.

PV: Ông có thấy rằng người viết khí nhạc rất thiệt thòi và nhiều khi là không nhận được sự khuyến khích đúng mức mà họ đáng phải nhận được. Các nhạc sĩ viết khí nhạc chủ yếu là viết bằng sự nhiệt huyết, tình yêu đối với âm nhạc chứ còn những đứa con tinh thần của mình khi chào đời thì vẫn không biết gửi gắm vào đâu và cũng không biết đến bao giờ mới có thể vang tới công chúng. Vậy thì có bao giờ nhạc sĩ cảm thấy thiệt thòi về điều này không?

NS Lê Tịnh: Phải nói một câu thật lòng là hết sức thiệt thòi. Tôi là một trong những người viết khí nhạc có may mắn thi thoảng được nhận giải thưởng. Nhưng, bây giờ cũng vậy, cố gắng hoàn thành xong giao hưởng thứ 7 nhưng mà cứ viết cho mình thế thôi.

PV: Thưa nhạc sĩ, nhiều năm phục vụ trong quân đội, đã từng có mặt trên nhiều chiến trường; những trải nghiệm đó đã giúp ông như thế nào trong công việc sáng tạo nghệ thuật?

NS Lê Tịnh: Điều giúp cho tôi nhiều nhất chính là sự hy sinh lớn lao của từng con người một. Hơn 9 năm, mỗi một năm tôi cũng phải đi ít nhất là 2 lần sang chiến trường Lào. Cứ có chiến dịch là chúng tôi, những anh em ở trong đoàn văn công khu Tây Bắc lên đường. Có những con người, có những số phận rất khó khăn. Ngày hôm qua tôi còn chơi với người bạn, ngày hôm sau thì người bạn ấy đã ra đi rồi. Tôi viết “Hương hoa lộc biếc biên thuỳ” chính là để khắc vào trong mình một tình yêu con người như thế.

Ngày nay, biên thuỳ Tây Bắc, Việt Bắc rồi Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều nấm mồ rải rác. Cái đẹp và cái mất mát, cái đau khổ, cái thiệt thòi nó cứ chen nhau, đan nhau và tạo nên cảm hứng sáng tác cho tôi. Tôi là một người lính, tôi không thể viết cái gì khác hơn là đồng đội của mình,

PV: Cho đến hôm nay nhạc sĩ vẫn tiếp tục tâm huyết viết những tác phẩm về đề tài người lính?

NS Lê Tịnh: Hiện nay, tôi sắp hoàn thành xong trường ca nói về một anh hùng đã chiến đấu tại Bắc Lào. Đến hôm nay cũng rất may là người lính này vẫn khoẻ mạnh, vẫn đang hoạt động sôi nổi tại địa phương. Trường ca có tên là “Mặt trời trắng”, nói về tình hữu nghị anh em mà vĩ đại, ấm cúng giữa Việt Nam và Lào.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Tịnh. Xin chúc nhạc sĩ sức khoẻ để tiếp tục có những cống hiến đóng góp với những sáng tạo nghệ thuật mới phục vụ công chúng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên