Nói không với “quá khổ”!

“Quá khổ” xét cho cùng là một hiện tượng rất nguy hại đối với đời sống xã hội.

Trước hết, nói về chuyện giao thông

34 tháng trước đây, Báo Nhân dân phản ánh, trên hầu hết các tuyến đường đều có tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông, làm cho những tuyến đường này bị xuống cấp nghiêm trọng. Bạn đọc nêu cụ thể một số tuyến đường và đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý, bảo đảm an toàn giao thông.

Đến ngày 2/5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có công văn gửi các sở giao thông, UBND các tỉnh, đề nghị tăng cường công tác kiểm soát, xử lý nghiêm xe chở hàng hóa vượt quá tải trọng tham gia giao thông đường bộ.

Và mới đây, Sở Giao thông Gia Lai đã “mở màn” bằng đợt ra quân xử lý xe quá khổ, quá tải. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng đã trực tiếp chỉ đạo các ngành chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông phải kiên quyết xử lý. Ai để cho những xe quá khổ, quá tải lưu thông ra khỏi địa bàn Gia Lai khi chưa hạ tải sẽ bị xử lý nghiêm.

Xe "quá khổ, quá tải" - hung thần trên đường (Ảnh: KT)

Chỉ hơn 1 tuần, dư luận đã xôn xao vì kết quả: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang dồn ứ 109 chiếc xe quá khổ, quá tải, hầu hết chở vượt 30% tải trọng so với thiết kế đăng ký, thậm chí có xe vượt 100% tải trọng. Câu trả lời cho tình trạng cầu đường Việt Nam xuống cấp nhanh chóng hiện lên, rõ như nhìn quả núi.

Xe quá tải, cầu đường quá tải, chi phí bảo trì giao thông tăng, hiện tượng mãi lộ tăng, tai nạn giao thông cũng tăng… Ai cũng biết, nhưng tại sao bây giờ mới làm mạnh, mà chỉ mới mạnh tay ở Gia Lai?

Giờ nói về chuyện “quá khổ” khác.

“Quá khổ” được hiểu là to quá mức bình thường cho phép. Từ chiếc áo rộng quá khổ, chương trình học quá sức học sinh, trụ sở to quá mức cần thiết… đến cán bộ không đủ đức, đủ tài để đảm đương chức vụ được giao. Tất cả những chuyện “quá khổ” này đều dẫn đến di hại cho người dân và xã hội.

Chuyện giáo dục thì từ trước đến nay dư luận đã luận bàn rất nhiều về chương trình, sách giáo khoa, về dạy thêm, học thêm; đã sửng sốt khi báo chí đưa tin một cháu học sinh lớp 4 ở TP HCM bị cong vẹo cột sống và gãy xương đòn do đeo cặp sách quá nặng đến trường.

Những ngày gần đây, dư luận lại đặc biệt quan tâm tới các vấn đề đang được đưa ra bàn thảo tại nghị trường Quốc hội, đó là tái cấu trúc nền kinh tế và Đề án Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Khi bàn đến tái cấu trúc nền kinh tế, nhiều ĐBQH đã nêu vấn đề, phải bắt đầu từ tái cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành kinh tế. Những con số thua lỗ, thất thoát từ các tập đoàn kinh tế, những vụ án tham nhũng gây nhức nhối dư luận, con số thống kê 30% doanh nghiệp Việt Nam đã phá sản hoặc dừng hoạt động chỉ trong 4 tháng đầu năm… như càng minh chứng cho vấn đề ĐBQH hội nêu ra.

Thảo luận về Đề án Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, ĐBQH đã tập trung vào trọng tâm bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Tựu chung, lại là vấn đề loại bỏ tình trạng “quá khổ” về trọng trách được giao đối với cán bộ lãnh đạo.

“Quá khổ” xét cho cùng là một hiện tượng rất nguy hại đối với đời sống xã hội. Không chỉ là đường sá xuống cấp, học sinh bị gù lưng, vẹo cột sống; mà sự “gù lưng”, “vẹo cột sống”, “xuống cấp” còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Những phát hiện khiến thiên hạ ngỡ ngàng trong tuần đầu xử lý xe quá khổ, quá tải ở Gia Lai đang cho thấy cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng “quá khổ” trong lĩnh vực giao thông nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung, đặc biệt là trong công tác cán bộ.

Và cũng giống như chuyện xử lý xe quá khổ, quá tải ở Gia Lai, để loại trừ tình trạng “quá khổ” đang tồn tại và đang gây tai hại trong đời sống xã hội, cần phải có thái độ kiên quyết “nói không” với “quá khổ”./.

Chống "quá khổ" nhưng lực lượng quá mỏng: Ngày 2/5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn gửi các sở giao thông, UBND các tỉnh, đề nghị tăng cường công tác kiểm soát, xử lý nghiêm xe chở hàng hóa vượt quá tải trọng tham gia giao thông đường bộ. Sở Giao thông Gia Lai bắt đầu xử lý xe quá tải, quá khổ từ năm 2010, song vì lực lượng quá mỏng (11 cán bộ thanh tra), lại phụ trách nhiều nhiệm vụ, trong đó quản lý trên 1.000km đường nên không thể quán xuyến hết.

Theo ông Võ Văn Văn, Phó Giám đốc Sở GT-VT Gia Lai, hễ có chiến dịch kiểm tra thì tình hình tạm yên ổn, song sau đấy lại nhanh chóng tái diễn nạn xe chở quá khổ, quả tải. Do đó, nếu cả nước đồng loạt, liên tục thực hiện việc này thì tình hình mới chuyển biến tích cực, bền vững được.

Hơn 100 xe quá khổ bị buộc hạ tải: Từ ngày 26/5 - 1/6, Sở GT-VT Gia Lai mở đợt kiểm tra, phát hiện 109 xe tải chở gỗ từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y về nhập cảng Quy Nhơn, đều chở vượt tải trọng trên 30%, thậm chí có xe vượt đến 100% tải trọng cho phép. Để tránh bị xử phạt, nhiều tài xế đã dừng xe tại xã Trà Đa, đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku), dọc theo các quán ăn, cây xăng trên quốc lộ 19 và đường vào nhà máy mì Mang Yang (huyện Mang Yang), không lưu thông nữa. Các tài xế đều cho rằng, nếu hạ tải sẽ phải tốn thêm gần 10 triệu đồng một xe.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GT-VT Gia Lai khẳng định, nếu không giảm tải xe thì sẽ rất nguy hiểm, vì cả đoàn trên 100 xe đều phải đổ 2 đèo Mang Yang và An Khê rất hiểm trở, tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể, đường sá của tỉnh cũng vì thế mà nhanh chóng xuống cấp, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước khi phải bỏ nhiều tiền duy tu sửa chữa.

Tạm giữ hàng chục xe chở gỗ quá khổ tại Kon Tum: Ngày 7/6, ông Nguyễn Ngọc Doãn, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum, cho biết, đơn vị đang tạm giữ không cho lưu hành và lập biên bản xử lý vi phạm 51 xe đầu kéo vì chở gỗ quá khổ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Ngoài ra, tại cửa khẩu Bờ Y hiện đang có 30 xe đầu kéo đang đậu, chưa xuất phát.

Trước thông tin cho rằng các lái xe chỉ chịu nộp phạt, không chịu hạ tải phần gỗ quá khổ (vì tốn kém, không thể cắt ngắn vì lái xe chỉ chở gỗ thuê), ông Doãn nói: “Chúng tôi kiên quyết buộc các xe hạ tải phần vi phạm và tiến hành xử phạt mới được tiếp tục lưu thông”.

“Theo thống kê của chúng tôi, có đến 109 xe chở gỗ quá tải, quá khổ. Những xe này đang nằm lại Gia Lai. Ngày 1/6, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng đã trực tiếp chỉ đạo vấn đề này. Theo đó, các ngành chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông phải kiên quyết xử lý. Hơn 100 xe quá khổ quá tải trên địa bàn sẽ bị xử phạt và buộc hạ tải trước khi tiếp tục vận chuyển. Ai để cho những xe này lưu thông ra khỏi địa bàn Gia Lai khi chưa hạ tải sẽ bị xử lý nghiêm”. (Ông Võ Văn Văn, Phó Giám đốc Sở GT-VT Gia Lai).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên