Nhật Bản sẽ tham dự Festival nghề truyền thống Huế
Trang phục truyền thống của người dân Saijo và ẩm thực Nhật Bản với trà đen Ishizuchi của thành phố Saijo sẽ được trưng bày tại Festival.
Ngày 9/3, ông Phan Cảnh Việt Cường, Phó Trưởng Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế lần thứ V cho biết: Festival nghề truyền thống tại Huế lần này sẽ có sự tham gia trưng bày, giới thiệu một số hình ảnh về trang phục truyền thống của người dân Saijo và ẩm thực Nhật Bản với trà đen Ishizuchi của thành phố Saijo (Nhật Bản). Các hoạt động nói trên của thành phố Saijo được tổ chức tại Nhà Trưng bày tác phẩm nghệ thuật - số 4 Hoàng Hoa Thám, Huế từ ngày 26/4 đến 1/5.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại đã có hai nước cử đại diện đến trao đổi, hợp tác và tổ chức các hoạt động tại Festival nghề truyền thống Huế 2013. Trước đó, đoàn chuyên gia Pháp đã thống nhất tham gia trưng bày "Di sản trong quá trình biến chuyển", giới thiệu thêm 5 kỹ thuật khéo léo về ngành dệt may của Pháp như lụa tơ tằm theo phong cách Ly-ông của nhà máy Prelle (từ 1880); các sản phẩm dệt với kích thước nhỏ (dây ruy-băng) của Saint Etienne de la Satab; nhung và kỹ thuật tạo nếp nhăn trên vải của xưởng Benoit Toscan d’Amiens kế thừa từ Công ty Royales d’Amiens; thảm Aubusson và các sáng tạo mang hơi thở đương đại; sáng kiến về ngành dệt được đưa ra tại triển lãm Lille và cải tiến mới trong ngành dệt của Pháp.
Phụ nữ Nhật Bản trong trang phục kimono truyền thống |
Festival Nghề truyền thống Huế (xen giữa hai kỳ Festival Huế) lần thứ 5 với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt" sẽ được tổ chức từ ngày 27/4 - 1/5, hướng đến việc phát triển nghề và làng nghề gắn với du lịch. Cùng với các nghệ nhân và làng nghề ở Huế như gốm sứ, thêu, dệt lụa, mây tre, sơn mài, pháp lam, nón lá, mỹ nghệ gỗ và kim hoàn, mỹ nghệ đồng, bạc, hoa giấy, tranh mộc bản, ẩm thực... còn có sự tham gia của các nghệ nhân và các làng nghề tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, An Giang, Ninh Thuận, Bình Dương...
Đặc biệt, tại Festival nghề truyền thống Huế lần này còn trưng bày các cổ vật, tinh hoa bàn tay người thợ thủ công hàng trăm năm trước và sự xuất hiện lần đầu tiên tại Huế một bảo tàng cổ vật tư nhân với hàng ngàn hiện vật có giá trị quí hiếm, được xem là báu vật quốc gia. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật và lễ hội hỗ trợ khác với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Huế./.