Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam:

Nhặt sạn

Bên cạnh những thành công, Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam cũng còn một số điểm chưa hay.  

Công tác tổ chức không chuyên nghiệp khiến hội nghị chính và các hội nghị chuyên đề bị loãng ngay từ những phút khai mạc. Gọi là cuộc gặp gỡ các nhà văn trẻ nhưng nhiều người lại là lão làng cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề.

Sau 8 năm kể từ Hội nghị Quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần I diễn ra vào năm 2002, đến nay, chúng ta mới tổ chức lần 2. Nhiều người đã hy vọng vào bước đi mới cho việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới từ hội nghị này, sau những đúc rút kinh nghiệm cần thiết, cũng như sau những mở mang của thời kỳ đầu hội nhập. Tuy nhiên, ngay phút khai mạc, công tác tổ chức chưa chuyên nghiệp của hội nghị đã khiến nhiều người thấy mình đã quá kỳ vọng…

1. Không thể nói rằng hội nghị này thiếu thời gian chuẩn bị, vì từ năm 2008, đã thấy Hội Nhà văn Việt Nam rục rịch công tác chuẩn bị. Là hội nghị mang tầm quốc tế, được coi là một sự kiện văn hóa, với 150 đại biểu từ 31 quốc gia đến tham dự, đáng ra, khâu tổ chức phải rất chuyên nghiệp, với một kịch bản được xây dựng chi tiết, có sự cân nhắc kỹ càng của đội ngũ tham mưu rành việc. Song, phút khai mạc trịnh trọng qua rất nhanh, nhường lại là không khí loãng trong khán phòng, ngay từ bài tham luận của nhà văn Mỹ. Những tiếng hỏi nhau í ới giữa các hàng ghế: “Không dịch song song à”, rồi chỉ vài phút sau, các đại biểu đã lục tục bỏ ra ngoài trống cả khán phòng, để mặc khách độc thoại bằng tiếng Anh. Vì không có phiên dịch, đích thân Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân đã phải đọc lại tham luận này bằng tiếng Việt.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam (Ảnh:nhandan)

Hiểu rằng, nếu tiếp tục như thế này sẽ “vỡ” hội nghị, nên cũng đích thân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đang yên vị trên đoàn Chủ tịch, phải vội vã, tất bật… tìm người dịch tiếng Anh sang tiếng Việt. Đến khi một đại biểu người Trung Quốc phát biểu, Ban tổ chức mới giật mình hỏi xem ai là người dịch được từ tiếng Hoa sang tiếng Việt? May mà có những dịch giả nhiệt tình đã chữa cháy cho BTC. Song, chỉ riêng điều này cũng đủ thấy, công tác tổ chức cho hội nghị văn hóa lớn này là thiếu chu đáo, chưa xứng là một điểm hội tụ văn hóa của những nhà văn tên tuổi từ các nước.

Vì thế, bên trong hội trường, các diễn giả vẫn đọc tham luận, còn bên ngoài, số lớn đại biểu trò chuyện rôm rả, chả cần biết các diễn giả từ 4 phương trời xa lắc kia nói gì và muốn gì ở văn học Việt? Rõ ràng, sự luộm thuộm trong khâu tổ chức hội nghị thì có thừa, nhưng sức hấp dẫn lại thiếu.

2. Hội thảo chuyên đề “Gặp gỡ các nhà văn trẻ” đã thu hút nhiều phóng viên báo chí tham dự, vì theo nhà văn Trần Quang Quý thì đây là những đại diện tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách “108 vị anh hùng” được gọi là “nhà văn trẻ” thì không hiểu Hội Nhà văn định nghĩa chữ “trẻ” như thế nào? Vì “nhà văn trẻ” thường được dùng chỉ những người ít tuổi; hoặc người lớn tuổi nhưng mới xuất hiện trên văn đàn, còn ở đây, nhiều nhà văn lão làng cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề như Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Trần Anh Thái, Hồ Anh Thái, Phạm Ngọc Tiến, Hữu Việt, Nguyễn Xuân Hưng, Võ Thị Hảo, Tuyết Nga… cũng bị xếp vào hàng... nhà văn trẻ.

Hầu hết các ý kiến là của đại biểu Việt Nam, mà đều dài lê thê, trọng tâm của hội thảo thì ít, chủ yếu để trình diễn câu chữ là nhiều và nhất là, nói những điều không mới. Thiết nghĩ, lời phát biểu chỉ trong vài phút của ông Giám đốc một NXB Thụy Sĩ ngay đầu hội thảo: “Tôi đến đây với sự quan tâm tìm nguồn tài trợ và gương mặt mới!” đủ ý mà kiệm lời, cũng là điều mà các nhà văn Việt Nam nên tham khảo. 

Cùng với quảng bá văn học Việt, đây cũng là một dịp để học hỏi, giao lưu, nên lẽ ra, cần dành thời gian để lắng nghe xem các dịch giả quan tâm đến điều gì khi chọn sách dịch, cũng như cái mà bạn đọc ở nước ngoài thường hướng đến, để chúng ta vừa định vị được vị trí, vừa định hướng được bước đi mới của văn học Việt Nam. Cũng nên tìm hiểu, vì sao cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh lại gần như là đại diện của văn học Việt Nam ở nhiều nước, trong khi mỗi năm, số đầu sách của chúng ta ra đời vẫn rất nhiều.

3. Một hội nghị lớn, có tới hơn 30 quốc gia tham dự, nhưng lại không ai có đủ các bản tham luận của các đại biểu, nhất là khi cùng một buổi sáng, cả 4 hội thảo diễn ra cùng giờ. Giá như các hội thảo bố trí lệch giờ, có lẽ, nhiều người sẽ có cơ hội tiếp cận được nhiều hơn với văn học Việt Nam ở nhiều mảng: văn xuôi hiện đại, thơ hiện đại, văn xuôi cổ điển và vẫn được lắng nghe tiếng nói của các nhà văn “trẻ” Việt Nam.

Dường như câu hỏi “làm thế nào để đưa văn học Việt Nam ra thế giới” vẫn còn bỏ ngỏ?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên