Nhiếp ảnh gia đi gần 7.000 km để chụp ảnh rác thải nhựa
VOV.VN - Triển lãm "Hãy cứu biển- Save our seas" trưng bày hơn 100 bức ảnh về rác thải do nhiếp ảnh gia Hùng Lekima thực hiện khi anh đi dọc chiều dài đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày Đại dương thế giới (8/6), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Đại sứ Đại dương xanh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đồng tổ chức triển lãm ảnh rác thải nhựa "Hãy cứu biển - Save our seas".
Triển lãm khai mạc vào ngày 4/6 và mở cửa tự do đến hết Chủ nhật 9/6, tại 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bức ảnh "Phơi cá" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng - Hùng Lekima được trưng bày tại triển lãm. |
Với thông điệp “Chỉ có hành động mới mang lại sự thay đổi”, thông qua các bức ảnh, triển lãm nhằm mục đích nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về rác thải nhựa, gợi mở một số giải pháp có thể thực hiện và kêu gọi sự chung tay hành động của các cấp bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và người dân để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam.
Ảnh: Bán hàng rong |
Triển lãm trưng bày hơn 100 bức ảnh được lựa chọn từ hơn 3.000 bức ảnh chụp dọc theo hơn 3.000 km bờ biển, tại 28 tỉnh, thành phố và hơn 100 cửa sông. Các bức ảnh được sắp xếp theo từng nội dung, địa điểm, và thời gian chụp để người xem có thể hình dung một bức tranh tổng thể về thực trạng rác thải nhựa xuyên suốt bờ biển Việt Nam.
Ảnh: Thế giới trẻ thơ. |
Với hơn 3.000 km đường bờ biển dọc theo chiều dài đất nước, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa qua 112 cửa sông. 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Các con số cho thấy, chúng ta phải hành động ngay trong cuộc chiến chống rác thải nhựa nhằm cải thiện tình trạng trên.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu trong lễ khai mạc triển lãm. |
Kể về cảm hứng của bộ ảnh về rác thải nhựa được trưng bày tại triển lãm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Cách đây 5 năm, khi nhận tin mẹ tôi bị ung thư, bác sĩ nói căn nguyên của bệnh xuất phát từ ảnh hưởng độc hại của hạt vi nhựa, tôi đã “lang thang” trên mạng để tìm hiểu, đọc đi đọc lại nguyên nhân căn bệnh này và thật ngỡ ngàng khi biết Việt Nam đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng cảnh báo về rác thải nhựa của thế giới. Là một nhiếp ảnh gia và dạy nhiếp ảnh, tôi hiểu giá trị của từng bức ảnh qua sự chân thật, thông tin và cảm xúc chúng mang tới. Ảnh có thể thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành động của người xem. Chính vì vậy, tôi quyết định lên đường”.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Hùng Lekima) |
Cũng theo nhiếp ảnh gia Hùng, mặc dù mãi đến cuối thế kỷ 19, nhựa mới được phát minh và việc sản xuất đại trà chỉ được thực hiện từ những năm 1950 của thế kỷ trước, loài người "đã kịp" tạo ra khoảng 9,2 tỷ tấn nhựa, trong đó hơn 6,9 tỷ tấn đã trở thành rác nhựa, và có tới 6,3 tỷ tấn trong số rác đó không được xả và xử lý đúng cách (số liệu 2017, National Geographic). Rác thải nhựa đã thực sự trở thành mối nguy hại toàn cầu, gây tổn thất nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe con người, đe dọa môi trường biển nói riêng và sự tồn tại của trái đất nói chung. Trong 5 nước đứng đầu thế giới về lượng rác nhựa gây ô nhiễm môi trường biển, chiếm hơn 50% lượng rác nhựa thải ra đại dương, Việt Nam đứng thứ 4.
Những hình ảnh của chuyến đi hồi tháng 8, 9 năm 2018 có mặt trong triển lãm “Hãy cứu biển - Save our seas”, cho thấy muôn mặt sống chung với rác thải.
Để thực hiện dự án chụp ảnh rác, Hùng Lekima đã độc hành bằng xe máy qua 28 tỉnh, thành phố từ Bắc tới Nam với tổng số gần 7.000km, trong đó có 3.260km bờ biển./.
Rác thải nhựa là rác thải hay tài nguyên?
Tuổi trẻ Quân cảng Sài Gòn thu gom hơn 4 tấn rác thải