“Nhiều bài học để Thanh Hóa bảo tồn Thành Nhà Hồ”
(VOV) -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt tin tưởng, Thành Nhà Hồ sẽ là điểm đến hấp dẫn trong tương lai gần.
PV: Sự kiện Thành Nhà Hồ đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa Thế giới có ý nghĩa đặc biệt. Là người trực tiếp tham gia và chứng kiến công trình kỳ vĩ được ghi danh, ông có suy nghĩ như thế nào?
Ông Vương Văn Việt: Việc Thành Nhà Hồ (ở huyện Vĩnh Lộc) được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới là niềm vui, niềm tự hào không chỉ cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh mà chính là của nhân dân cả nước. Bởi lẽ, đây là một di sản mà bằng công sức, trí tuệ cha ông đã tạo dựng nên cách đây nhiều thế kỷ, giờ được thế giới công nhận với giá trị có tính nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực.
Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt |
Trong điều kiện tư liệu không còn nhiều, cùng với những hiện vật có được qua những đợt khảo cổ, chúng ta đã dựng được một bộ hồ sơ đảm bảo được tính chân thực, tính khoa học và có sức thuyết phục lớn. Trí tuệ, công sức của cha cùng với công sức và trí tuệ của thế hệ hôm nay đã đưa Thành Nhà Hồ trở thành di sản văn hoá của nhân loại.
Trách nhiệm của chúng ta là phải tiếp tục phát huy giá trị di sản để tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống văn hoá, lịch sử của dân tộc, truyền thống đấu tranh về dựng nước và giữ nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Niềm tự hào đó là động lực để chúng ta có thể phát huy trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước nói chung và xây dựng Thanh Hoá nói riêng.
PV: Phát huy di sản cần có sự đầu tư khoa học. Thanh Hóa đã có chiến lược như thế nào để phát huy giá trị công trình độc đáo này, thưa ông?
Ông Vương Văn Việt: Việc xây dựng hồ sơ đề cử và bảo vệ hồ sơ tại UNESCO là một việc rất khó khăn nhưng chúng ta đã thành công. Song quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản này theo tôi còn khó khăn hơn nhiều.
Khi bảo vệ hồ sơ, về phía tỉnh Thanh Hoá có cam kết 10 điểm với UNESCO, với Uỷ ban Di sản thế giới. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như Uỷ ban UNESCO Việt Nam cũng đã có đề nghị với Uỷ ban Di sản thế giới rằng, với một di tích như Thành Nhà Hồ rõ ràng cần phải tiếp tục có đầu tư để làm sao quản lý, bảo vệ một cách tốt nhất.
Do đó, chúng ta phải xây dựng một quy hoạch tổng thể cấp quốc gia về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận. Cùng với đó, chúng tôi đã lập một quy hoạch tổng thể khai quật khảo cổ học một số khu vực trong tổng thể di sản Thành Nhà Hồ.
Có thể nói rằng, ngoài những phần đã lộ trên mặt đất như tường thành, đàn tế Nam Giao độc nhất vô nhị thì nhiều điều bí ẩn đang nằm trong lòng đất. Còn biết bao dấu vết của các cung điện, những hạng mục công trình trong Thành Nhà Hồ chưa được làm rõ. Mục tiêu chúng tôi phải hướng tới khai quật để có thêm những tư liệu làm cho hồ sơ di sản này ngày càng phong phú hơn, đồng thời có thể biến nó thành một công viên khảo cổ học, tức là khai quật đến đâu phải áp dụng công nghệ hiện đại để bảo tồn hiện vật phục vụ du khách.
Ngoài ra, chúng tôi phải xây dựng một chiến lược về truyền thông quảng bá di sản. Vì hiện tại Thành Nhà Hồ vẫn chưa được nhân dân trong nước và du khách quốc tế biết đến rộng rãi, cụ thể. Làm tốt điều này sẽ có tác động tích cực, không chỉ đối với Thanh Hóa mà còn đối với ngành du lịch của cả nước.
Một điều quan trọng nữa là phải bảo vệ được cảnh quan môi trường vốn được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Theo hồ sơ thì Thành Nhà Hồ là khu vực 1 với 155,5 ha chỉ là khu lõi, trong khi vùng đệm của nó là rất rộng lớn. Ông cha ta ngày xưa chọn nơi xây thành có vị trí cảnh quan thiên nhiên gắn kết với nhau tuyệt đẹp.
Tỉnh cũng đã ra một số quyết định về cấm khai thác các mỏ đất, mỏ đá, mỏ cát, rồi các tài nguyên ở trên vùng di sản này và công tác bảo vệ sẽ còn được tăng cường.
Ngoài ra chúng tôi cũng phải tính đến xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường như thế nào, xử lý nước thải ra sao, bài toán về phòng chống thảm họa thiên tai… Cạnh Thành Nhà Hồ là sông Mã và sông Bưởi nên dứt khoát chúng ta phải xử lý tốt về phòng chống bão lũ, gia cố đê điều để không cho nước lũ xâm nhập.
Trên quan điểm di sản phải sống trong lòng cộng đồng, phải được cộng đồng tham gia bảo vệ và phát huy di sản, tỉnh sẽ hết sức quan tâm đến đời sống dân sinh của nhân dân khu vực này, trong đó phải tính đến đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân, để người dân được thụ hưởng từ giá trị di sản và góp phần bảo vệ di sản.
Du khách tham quan Thành Nhà Hồ |
PV: Có một thực tế là công tác bảo tồn, trùng tu tôn tạo di tích ở nước ta đang có vấn đề, vô hình chung “làm mới”, làm giảm giá trị vốn có của di tích. Thanh Hóa nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Vương Văn Việt: Đó là những bài học. Mà không những ở nơi khác mà ngay ở Thanh Hóa khi thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích, do yếu về quản lý, sự hiểu biết của cán bộ ở cơ sở, kể cả cán bộ chuyên về lĩnh vực văn hóa nhưng không am tường về di sản đã dẫn đến việc làm không đúng, thậm chí vi phạm Luật.
Việc trùng tu tôn tạo các di tích và di sản nói chung phải đảm bảo được yếu tố gốc của nó. Có những cái không còn gốc nữa, thì mình phải đảm bảo yếu tố đồng kiến trúc. Luật đã quy định rõ, và nếu không đúng thì chắc chắn dẫn tới sự sai lạc, và khi sai lạc thì giá trị di sản không thể nói là phát huy được.
Trách nhiệm của chúng tôi đối với tất cả các di tích trên địa bàn là phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức; bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ làm công tác văn hóa, du lịch, sau đó là cán bộ cơ sở nơi có di tích hiện hành, rồi ban quản lý di tích của từng cấp để người ta hiểu và thực hiện đúng.
Tỉnh sẽ phải ban hành những quy định rất cụ thể, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, công dân phải thực hiện một cách nghiêm túc. Đây là công việc cực kỳ khó khăn.
Nhận thức về bảo tồn di tích là không đồng đều. Do đó cần tuyên truyền, giáo dục để nhân dân làm đúng. Làm được như thế không những chúng ta giữ được di tích, phát huy được di tích mà bản thân người dân cũng hưởng lợi. Điều này phải được thực hiện từng bước, có sự quan tâm sát sao và phải quyết liệt.
PV: Việc huy động các nguồn lực được Thanh Hóa đặt ra và có chủ trương như thế nào, thưa ông?
Ông Vương Văn Việt: Sau khi Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 27/6/2011, du khách trong nước và quốc tế đến với Thành Nhà Hồ tăng 4-5 lần và đang có xu hướng tăng nhanh. Và chắc chắc trong thời gian ngắn tới, công tác phục vụ chưa thể đáp ứng tốt. Đây là vấn đề đặt ra đối với Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Lộc và cần sự hỗ trợ của các ngành.
Đương nhiên về tỉnh có chủ trương giao cho các ngành làm việc với các bộ có liên quan để tính đến đầu tư hạ tầng, có chính sách kêu gọi đầu tư, cùng với đó là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức về văn hóa nói chung, du lịch nói riêng. Công việc này Sở VH-TT-DL đang phối hợp với các sở ban ngành có liên quan và UBND huyện Vĩnh Lộc để thực hiện.
Khi thực hiện tốt công tác bảo vệ quản lý, thì chắc chắn phải có các dự án về đầu tư bảo tồn, không để nguyên như hiện tại. Ví dụ xây dựng công viên khảo cổ học trong thành chẳng hạn hay có những cái làm được như khôi phục Hào Thành- hệ thủy của Thành Nhà Hồ…
Ngoài ngân sách mục tiêu của Trung ương, thì Thanh Hóa phải tính đến sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế trong vấn đề đào tạo hướng dẫn các chuyên gia của Việt Nam- những người quản lý trực tiếp di sản. Ngoài ra chúng ta cũng phải cần đến sự hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ bảo tồn các di sản văn hóa thế giới.
Chúng ta khai thác tốt nội lực nhưng đồng thời cũng tranh thủ ngoại lực để không chỉ là bảo vệ, bảo tồn mà phải phát huy được giá trị di sản.
Phía trong Thành, nhiều khả năng sẽ có một công viên khảo cổ học phục vụ khách tham quan |
PV: Với những gì hiện có và một số kết quả khả quan đã đạt được, ông có cho rằng Thành Nhà Hồ sẽ là điểm đến hấp dẫn trong tương lai?
Ông Vương Văn Việt: Tôi tin tưởng điều đó sẽ đến, vì thực thế sau khi chúng ta tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ thì diện mạo di sản này cũng đã khác so với trước theo chiều hướng tích cực.
Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ được Thanh Hóa xác định là sự kiện tiêu biểu nhất, nổi bật nhất của Thanh Hóa trong năm 2012 và là điểm nhấn trong chuỗi sự kiện Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ- Huế 2012.
Với Thanh Hóa, Thành Nhà Hồ được xác định như là điểm đến hấp dẫn trong tương lai gần, với sự đầu tư một cách đồng bộ và tổng hợp.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.