Nhiều người hiểu sai bản chất tục thắp hương ngày Tết
VOV.VN - Điều cơ bản và quan trọng nhất của nghi lễ thắp hương chỉ có 2 thứ là: hương và hoa.
PV: Xin chào nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Lê Thái Bình. Thưa anh, trong những ngày cận Tết chúng ta thấy gia đình người Việt nào cũng dùng hương. Văn hóa dùng hương của người Việt nói riêng và người châu Á nói chung có nguồn gốc thế nào?
Nhà nghiên cứu Lê Thái Bình: Thắp hương là tục lệ và nét đẹp văn hóa tồn tại hàng nghìn năm trong mỗi gia đình Việt. Chúng ta tin rằng, nén nhang là cầu nối liên thông đến một thế giới khác, kết nối chúng ta với thần phật gia tiên tiền tổ. Người ta thường thắp hương vào ngày rằm, mùng một, lễ Tết, trong nhà có hiếu – hỷ, cũng như khi cần mong muốn một điều gì đó.
Nhà nghiên cứu Lê Thái Bình. |
Người xưa quan niệm rằng nén hương là thứ quan trọng nhất trong 6 bước lễ. Những câu văn cổ, những câu dùng để cúng khấn đều có sự xuất hiện của nén hương, ví dụ như “hương đăng” hay là “hương trà quả thực”. Khi thắp lên một nén hương, những làn khói bay lên, người ta cho đấy là cầu nối giữa ý thức người trần (niệm) với các bậc bề trên để có thể truyền tải thông tin, những lời cầu khấn hoặc suy nghĩ của họ.
PV: Tục lệ thắp hương là một phong tục đẹp thể hiện phần nào đó văn hóa tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt. Nhưng trong thời buổi hiện nay, một số người hiểu chưa đúng về thắp hương. Vậy qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu của mình, anh thấy đâu là những cái sai cơ bản, phổ biến nhất của người Việt khi thực hành nghi lễ thắp hương trên bàn thờ gia tiên những dịp trọng đại như ngày Tết?
Nhà nghiên cứu Lê Thái Bình: Chúng ta đang ở trong thời đại 4.0, những giá trị văn hóa truyền thống căn cốt đã bị mai một ít nhiều ! Nhiều người quan niệm thắp hương phải đậu tàn, cuốn tàn… tuy nhiên đấy là quan niệm sai lầm. Thứ hai là phải thắp rất nhiều hương, hoặc đồ thờ cúng thì phải rất đồ sộ, hoành tráng… Tư duy bây giờ quan niệm “trần sao âm vậy” nên khi ông bà tiên tổ về trời thì người ta hay đốt những đồ vật ở thời điểm hiện tại như: xe máy, ô tô, tivi, tủ lạnh, máy tính bảng, điện thoại di động… Tuy nhiên, tục lệ thắp hương truyền thống có từ xa xưa, khi chưa có những thứ như thế, nên làm như vậy cũng là sai.
Điều cơ bản và quan trọng nhất của nghi lễ thắp hương chỉ có 2 thứ thôi: hương và hoa. Hoa phải thật đẹp, thật tươi; hương thì phải thơm làm từ những loại linh mộc tinh túy của trời đất như trầm hương, hoàng đàn… Điều đó thể hiện giá trị tinh thần rất lớn. Người ta hy vọng rằng, thông qua những mùi hương, những thứ tinh túy của trời đất, họ sẽ gửi đến các bậc bề trên, những người tôn kính để hưởng trọn những tinh túy do con cháu dâng lên.
PV: Vậy để có nghi lễ thắp hương chuẩn theo đúng giá trị tốt đẹp, truyền thống cốt lõi của dân tộc Việt thì nghi lễ thắp hương cần có những bước như thế nào?
Nhà nghiên cứu Lê Thái Bình: Để thắp hương đúng nghi lễ truyền thống của Việt Nam thì có nhiều công đoạn rất phức tạp. Bước đầu tiên là phải chọn hương. Văn hóa cổ truyền Việt Nam gồm rất nhiều loại hương: hương bài, hương quả trám, hương trầm… Thường thì hương làm bằng trầm hương hoặc các loại linh mộc khác như ngũ linh thần mộc. Sau đấy mới đến bước chọn những đồ thờ cúng.
Ảnh minh họa. |
Sau khi chọn được hương rồi thì sẽ “bao sái đàn tràng”, tức là lau chùi ban thờ, đàn lễ cẩn thận cho sạch sẽ để mời các vị bề trên về ngự. Sau đó tùy thuộc vào quan niệm tôn giáo để thắp hương cho phù hợp. Thông thường số que hương là số lẻ: chín nén, bảy nén, năm nén, ba nén, một nén. Chín nén thể hiện 9 phương trời 10 phương chư phật, thường dùng tế lễ trong đàn Phật.
Năm nén thể hiện ngũ hành âm dương: kim – mộc – thủy – hỏa – thổ, thường thắp trong những đàn lễ Tứ phủ, những đàn lễ cầu mưa thuận gió hòa.
Ba nén thường dùng thắp hương gia tiên hoặc ban thần linh, tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân.
Một nén thể hiện sự nhất niệm. nhất tâm của người thắp hương với các bậc bề trên.
PV: Xin cảm ơn nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Lê Thái Bình./.