Thứ trưởng Vương Duy Biên:

Nhiều nhạc sĩ phàn nàn về cách thu bản quyền âm nhạc của VCPMC

VOV.VN - Người phụ trách Cục NTBD hiện nay cho hay, nhiều nhạc sĩ tự nguyện để công chúng thưởng thức các tác phẩm âm nhạc của họ.

Câu chuyện về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vẫn đang vấp phải những phản đối gay gắt từ phía các khách sạn và các đơn vị bị thu.

Thứ trưởng Vương Duy Biên. Ảnh: Thể thao văn hóa

Mới đây, chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc VCPMC tiếp tục khẳng định, đơn vị này sẽ tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc ở các bệnh viện có yếu tố kinh doanh, bãi gửi xe... Tuyên bố của người đứng đầu VCPMC càng gây nên những lo ngại và bức xúc từ các chủ khách sạn, doanh nghiệp có các hoạt động sử dụng âm nhạc nhằm mục đích kinh doanh.

Về vấn đề này, Cục Bản quyền Tác giả, Bộ VH-TT&DL phải vào cuộc phân xử, giải thích. Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ việc thu tác quyền âm nhạc ở các cơ sở dịch vụ kinh doanh kể trên là đúng. Tuy nhiên, thực tế việc thu chưa được minh bạch. Thậm chí, có ý kiến còn đặt ra về việc, Trung tâm của nhạc sỹ Phó Đức Phương thời gian qua đã làm quá thẩm quyền.

Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan theo đánh giá của Cục Bản quyền Tác giả “cơ bản tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích hoạt động sáng tạo cũng như bảo hộ thành quả lao động sáng tạo”. Tuy nhiên sau hơn 10 năm, một số điều khoản của Luật này vẫn gây tranh cãi, cần hướng dẫn cụ thể hơn.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng có những chia sẻ thẳng thắn. Người phụ trách Cục NTBD hiện nay cho hay: “Những quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ cần phải xem xét. Nếu có những tồn tại thì phải điều chỉnh. Trước đây, khi đưa ra các điều luật này, chúng ta có tham khảo các điều luật về Sở hữu trí tuệ của thế giới. Tuy nhiên, có những nội dung chưa phù hợp khi áp dụng tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết thêm, có nhiều nhạc sĩ đã gửi những phản ánh liên quan đến những lùm xùm về vấn đề tác quyền. Nhiều nhạc sĩ tự nguyện để công chúng thưởng thức các tác phẩm âm nhạc của họ.

“Tôi đồng ý với VCPMC trong việc thu tiền tác quyền ở những nơi, những chương trình mang tính kinh doanh âm nhạc, nghệ thuật. Còn đối với bệnh viện hay sảnh khách sạn hay thu tiền tác quyền qua tivi thì vô lý quá. Không ai vào bệnh viện để nghe nhạc mà là để chữa bệnh, cũng không ai đứng ở sảnh khách sạn chỉ để nghe nhạc. Sảnh khách sạn đâu chỉ có nhạc mà còn có cả tranh, ảnh, tượng được trưng bày. Nếu cứ chiếu theo quy định, giờ nhìn, nghe cái gì thì mất tiền cái đấy à? Trong khi, sảnh có phải là nơi người ta làm những việc đó, mà chỉ là nơi làm thủ tục check in, check out. Thu tiền ở đó là vô lý. Cách thu này đi ngược lại với nguyên tắc của chính VCPMC là dùng cái gì thì trả tiền cái đấy. VCPMC đang làm việc bằng cách đổ đồng , kiểu khoán, rất ẩu.

Việc sử dụng tivi, các chủ khách sạn đã trả tiền cho truyền hình cáp. Nếu giờ bắt họ chịu thêm cả phí tác quyền thì 1 cái tivi phải chịu mấy loại thuế, rất vô lý”, ông Biên nói.

Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, việc thu tiền tác quyền cần được cân nhắc, bàn bạc và nghiên cứu kỹ lưỡng bởi mới đây, trong kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân có nhắc đến vấn đề này.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, nếu các chủ khách sạn cứ đòi hỏi VCPMC đưa ra các loại giấy ủy quyền của các tác giả thì đơn vị này sẽ phải dùng xe tải mới chở hết được.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, điều này sẽ hết sức đơn giản nếu sử dụng phần mềm để quản lý trên trang thông tin điện tử. “Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói rằng phải dùng xe tải mới chuyển hết số hồ sơ của 4.000 tác giả. Tôi cho rằng, ông ấy không cần phải chuyển đi đâu. Chỉ cần cập nhật trên website điện tử của trung tâm.

Nhưng điều này sẽ đơn giản hóa nếu sử dụng phần mềm để quản lý trên website của trung tâm. Trung tâm nên có danh sách, danh mục để kiểm tra, đối soát. Phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi thu tác quyền. Phải cập nhật danh sách các tác giả âm nhạc ủy quyền khai thác tác phẩm cho VCPMC để các đơn vị khai thác nắm rõ thông tin.

Bao nhiêu tài liệu ở các cửa khẩu, thông tin hàng triệu khách hàng nhưng chỉ cần bấm nút là có tên mình, người ta vẫn làm được. Vậy thì 4.000 hồ sơ tác giả ở VCPMC hoàn toàn có thể giải quyết”, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Thắt chặt việc thu tiền tác quyền âm nhạc đối với quán cà phê”
“Thắt chặt việc thu tiền tác quyền âm nhạc đối với quán cà phê”

VOV.VN - Sau vụ thu tiền tác quyền qua tivi gây tranh cãi, VCPMC tiếp tục bị phản ứng khi thu tiền tác quyền ở quán cà phê.

“Thắt chặt việc thu tiền tác quyền âm nhạc đối với quán cà phê”

“Thắt chặt việc thu tiền tác quyền âm nhạc đối với quán cà phê”

VOV.VN - Sau vụ thu tiền tác quyền qua tivi gây tranh cãi, VCPMC tiếp tục bị phản ứng khi thu tiền tác quyền ở quán cà phê.

Giám đốc CISAC nói về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc ở Việt Nam
Giám đốc CISAC nói về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc ở Việt Nam

VOV.VN - Giám đốc CISAC, Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế lên tiếng về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc tại Việt Nam.

Giám đốc CISAC nói về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc ở Việt Nam

Giám đốc CISAC nói về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc ở Việt Nam

VOV.VN - Giám đốc CISAC, Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế lên tiếng về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc tại Việt Nam.