Nhớ Lưu Quang Vũ!
Cuộc đời của Lưu Quang Vũ tuy ngắn ngủi, nhưng ông đã sống và làm việc hết mình; đóng góp không nhỏ cho đời sống văn học Việt Nam ở nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, kịch...
Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh. Tuổi thơ của Lưu Quang Vũ là những năm tháng sống êm đềm tại Phú Thọ cùng cha mẹ.
Năm 1954, khi hoà bình lập lại, gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội. Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của ông đã sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê trung du Bắc Bộ đã in dấu trong các sáng tác của ông sau này.
Nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ |
Từ 1965 đến 1970 ông nhập ngũ, phục vụ trong quân chủng Phòng không-Không quân. Đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ. Ông kết hôn với diễn viên điện ảnh Tố Uyên vào năm 1969.
Từ 1970 đến 1978, Lưu Quang Vũ xuất ngũ. Sống trong thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực; Lưu Quang Vũ phải làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Từ làm ở Xưởng cao su đường sắt do Tạ Đình Đề làm Giám đốc, làm hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường đến vẽ pa-nô, áp-phích...
Cũng trong giai đoạn này, Lưu Quang Vũ li hôn với diễn viên Tố Uyên và kết hôn lần thứ 2 với nữ thi sĩ Xuân Quỳnh vào năm 1973.
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh |
Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ.
Các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng Việt Nam; nổi bật lên từ những năm sau chiến tranh, đặc biệt là những năm 80. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông.
Với tuổi đời còn khá trẻ, ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch. Hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Rất nhiều các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu Việt Nam thời kỳ đó như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita…
Vở kịch đầu tay "Sống mãi tuổi 17" được trao tặng Huy chương vàng Hội diễn sân khấu. Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu.
Giữa lúc tài năng đang vào độ chín, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.
Lưu Quang Vũ và những vần thơ trữ tình
Thơ, là nơi khởi hành cuộc đi tìm lớn nhất, mang sâu sắc nhất ý nghĩa triết học của một người làm thơ - cuộc đi tìm cái tôi thi sĩ qua những nghiệm sinh phải trải trên đường đời thăm thẳm và cũng là nơi hành hương trở về lớn nhất – trở về bản thể thi sĩ của chính mình. Thơ với Lưu Quang Vũ là tất cả sự hàm ơn, ân cần riêng của tâm hồn ông với đời sống.
Trong bản chất sáng tạo của con người tài hoa son trẻ Lưu Quang Vũ, thơ là hồn cốt thâm hậu, chứ không phải kịch nghệ, báo chí, văn xuôi hay hội hoạ - những mảnh đất mà ông từng thử nghiệm, gieo trồng và gặt hái.
Nghe ngâm thơ: Tiếng Việt - Thể hiện: Hồng Quang, Lê Tâm |
Thế nhưng, trong thơ của Lưu Quang Vũ lại có chất lạ lùng, vừa phóng khoáng vừa sâu thẳm. Chính bởi vậy, thơ của Lưu Quang Vũ kén độc giả và không phải ai đọc cũng hiểu; thơ không mang tính đại chúng cao. Để cảm nhận được thơ của Quang Vũ thì độc giả phải là người có nội tâm khá đặc biệt.
Kết hôn với hai người phụ nữ, 2 cuộc tình đi qua đời chàng thi sĩ trẻ để lại biết bao xúc cảm và đau thương. Những bài thơ cuối đời của Lưu Quang Vũ là sáng tác dành cho người vợ thứ 2 Xuân Quỳnh.
Thư viết cho Quỳnh trên máy bay Có phải vì mười lăm năm yêu anh Trái tim em đã mệt? Cô gái bướng bỉnh Cô gái hay cười ngày xưa Mẹ của các con anh Một tháng nay nằm viện
Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng Một mình em với giấc ngủ chập chờn Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật Vẫn là gã trai nông nổi của em Người chồng đoảng của em 15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài
Người yêu ơi Có nhịp tim nào buồn khổ vì anh? Thôi đừng buồn nữa, đừng lo phiền Rồi em sẽ khoẻ lên Em phải khoẻ lên Bởi ta còn rất nhiều dặm đường phải đi Nhiều việc phải làm nhiều biển xa phải tới
Mùa hè náo động dưới kia Tiếng ve trong vườn nắng Và sau đê sông Hồng nước lớn Đỏ phập phồng như một trái tim đau Từ nơi xa anh vội về với em Chiếc máy bay dọc sông Hồng Hà Nội sau những đám mây Anh dõi tìm: đâu giữa chấm xanh nào Có căn phòng bệnh viện nơi em ở?
Trái tim anh trong ngực em rồi đó Hãy giữ gìn cho anh Đêm hãy mơ những giấc mớ lành Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất Dành cho em, chưa kịp viết tặng em Tấm màn nhung đỏ thắm Mới bắt đầu kéo lên Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát Trái tim hãy vì anh mà khoẻ mạnh Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh... |
Năm 2010, Công ty cổ phần văn hóa Nhã Nam vừa xuất bản tuyển tập thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” của nhà viết kịch, nhà thơ quá cố Lưu Quang Vũ với hơn 100 bài thơ. Đây được xem là tuyển tập thơ đầy đủ, công phu và kỹ lưỡng nhất của nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa nhưng đoản mệnh này.
Tuyển tập thơ đem lại cho độc giả cái nhìn khá toàn diện về hành trình thơ của Lưu Quang Vũ, mỗi sáng tác đều in dấu những suy nghĩ, xúc cảm của tác giả về những biến động của lịch sử, xã hội trong những thập niên cuối của thế kỷ trước./.