NSND Lý Huỳnh: Khép lại cuộc đời võ thuật - điện ảnh

VOV.VN -NSND Lý Huỳnh là một trong những “nhân tố” làm nên diện mạo điện ảnh cách mạng Việt Nam từ sau năm 1975 đầy sinh động và đa màu sắc.

5h sáng, ngày 22/10, NSND Lý Huỳnh - võ sư đồng thời là diễn viên và nhà sản xuất phim điện ảnh Việt Nam từ trần tại nhà riêng tại TP Hồ Chí Minh, vì bệnh nặng, thọ 78 tuổi. Một cuộc đời đầy sóng gió và vinh quang trong nghề nghiệp võ sư-điện ảnh khép lại, mang đến nhiều tiếc thương trong công chúng yêu võ thuật và phim Việt.

Nghệ sĩ Lý Huỳnh tên thật là Lý Kim Tuyền, sinh năm 1942 tại tỉnh Vĩnh Long. Ông đã có một cuộc đời đáng sống với những thành công trong nghề võ và nghiệp điện ảnh. Về võ, ông là một trong “Nam Kỳ tứ tú”, về điện ảnh là một gia tài đồ sộ với trên 40 năm, ông đã góp mặt hơn 70 bộ phim với nhiều vai diễn thành công và chỉ đạo võ thuật cho 25 bộ phim.

Ngôi sao võ thuật trong “Nam kỳ tứ tú”

Võ sư Lý Huỳnh được cho là sở hữu "tài năng võ thuật thiên bẩm". Trong mắt Chưởng môn phái Tân Khánh Bà Trà, võ sư Hồ Tương, “võ sư Lý Huỳnh có tính cách hiền lành và khiêm tốn. Còn về chuyên môn võ thuật, võ sư Lý Huỳnh rất giỏi”.

Ông là ngôi sao võ thuật ở miền Nam trước năm 1975, xếp vào nhóm "Nam Kỳ tứ tú"- bốn ngôi sao sáng của Nam Kỳ. Đặc biệt, ông nổi tiếng với chiêu "Liên hoàn bát cước" - Tung người đá 8 cước trên không. Thuở nhỏ, ngoài việc học võ với cha, Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định và quyền Anh với các võ sư Hai Yến, Huỳnh Đạt Dân, Huỳnh Tiền...

Năm 1965, ông mở trường dạy võ, bắt đầu đào tạo nhiều võ sĩ giỏi. Bản thân là chưởng môn của lò võ Huỳnh Tiền danh tiếng ở Sài Gòn trước đây, từng đào tạo nhiều võ sĩ thượng đài với các võ sĩ người Pháp, Mỹ, Thái Lan... và đã đào tạo nhiều võ sĩ giỏi với tên gọi bắt đầu bằng hai từ "Lý Huỳnh", như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến…

Từ năm 1957 đến 1964, ông từng thượng đài sáu trận về quyền Anh và thắng ba trận. Năm 1958, khi mới 17 tuổi, Lý Huỳnh lần đầu lên võ đài và hạ knock-out đối thủ người Pháp Lyauté Francoise, võ sư vô địch quân đội Pháp nặng 70kg, hơn Lý Huỳnh 10kg- một võ sĩ da đen nổi tiếng. Ông còn thắng các trận với võ sĩ nổi tiếng Anh Thạch, Mạch Trung Phương vô địch 6 tỉnh miền Trung.

“Tôi xem ông Lý Huỳnh thượng đài rất nhiều. Trận đấu đáng nhớ nhất của ông ấy có lẽ chiến thắng trước Mạnh Trung Phương, nhà vô địch boxing miền Trung. Nếu không lầm, tôi nhớ ông Lý Huỳnh chưa từng thua trận nào trên sàn võ đài"- Chưởng môn phái Tân Khánh Bà Trà nói.

Năm 1973, ông còn nổi tiếng khi công khai thách đấu với “huyền thoại” Lý Tiểu Long trên truyền hình. Ông tin rằng với đòn tay quyền Anh, đòn đá Taekwondo, chỏ gối của võ tự do và bộ pháp di chuyển của Thiếu lâm nam phái thì sẽ khắc chế được Lý Tiểu Long. Sự kiện này được báo chí Việt Nam và Hong Kong thời đó đưa tin, trở thành giai thoại đẹp trong cuộc đời của Lý Huỳnh... Tuy nhiên Lý Tiểu Long chưa kịp nhận lời thì đã qua đời sau đó không lâu.

Võ thuật cũng như “hình với bóng” trong sự nghiệp điện ảnh của ông. Nhiều kỷ niệm trong khi diễn xuất đã từng được ông kể lại trước đây. Một trong những kỷ niệm khó quên là cảnh quay trong phim “Vùng gió xoáy”, NSND-đạo diễn Hồng Sến yêu cầu ông khi đang chạy trên chiếc xe ngựa thấy người bạn gặp nạn phải nhảy xuống dốc núi rồi nhảy tiếp xuống mặt đất để cứu người với độ cao gần 10m.

Nếu cắt cảnh thì dễ, nhưng đạo diễn muốn quay liền một cú máy, thế là Lý Huỳnh trổ tài. Lần đó, cả phim trường đều im phăng phắc bởi nếu Lý Huỳnh nhảy không chính xác thì chắc chắn sẽ bị thương nặng. Và ông diễn “một đúp ăn ngay” bởi sự khéo léo và nhanh nhạy của mình.

Hay phim “Ông Hai Cũ” có cảnh Lý Huỳnh (vai Hai Cũ) đá cú “Hàng long cước” vào tên sĩ quan Nhật, sau đó nhảy từ xe lửa nhảy xuống để thoát thân. Đây được xem là cảnh mạo hiểm bởi quay trên một toa xe lửa thật. Ven đường ray toàn là gạch đá lởm chởm. Không ai ngờ, Lý Huỳnh tung cước chính xác ngay huyết hầu của tên Nhật (diễn viên), rồi lách người nhảy từ xe lửa xuống đất. Cả đoàn phim đều “đứng hình”, bởi cú nhảy của ông “ngọt” ngoài sức tưởng tượng.

Trong phim hợp tác với Hồng Kông “Kế hoạch 99”, để chuẩn bị cho cảnh quay trận đối đầu sinh tử giữa tên trùm ma túy (Lý Huỳnh thủ vai) và một cảnh sát quốc tế (Lý Hùng con trai), chuyên gia chỉ đạo võ thuật Đài Loan hướng dẫn ông cách cầm súng, di chuyển và bắn cảnh sát theo kiểu… người già, vì thấy Lý Huỳnh đã nhiều tuổi.

Sau khi nghe hướng dẫn, Lý Huỳnh “xin” góp ý sửa lại vài chi tiết như thay vì cầm súng bắn thẳng phía trước, ông cầm ngang để tạo ấn tượng; thay vì đứng yên bắn, ông “xin” chạy 4 bước tung lên không xoay 180 độ rồi từ trên không bắn xuống, rồi tung cú song phi hạ gục người cảnh sát, và phải thêm vài chiêu quái nữa mới… bị bắt. "Ông trùm phải chết kiểu ông trùm, chứ đơn giản quá còn gì uy thế!''. Chuyên gia chỉ đạo võ thuật Đài Loan tròn mắt ngạc nhiên hơn khi Lý Huỳnh thể hiện kỹ thuật đấm đá và dùng súng thành thạo cứ như một sát thủ chuyên nghiệp.

Một gia tài điện ảnh đồ sộ

Khi còn sống, NSND Lý Huỳnh từng chia sẻ, trong số hơn 50 phim đã đóng, ông thích nhất 4 vai diễn là ông trùm “Ba búa” trong phim “Mối tình đầu” (đạo diễn Hải Ninh), ông Hai Cũ, Đại úy Long và đặc biệt là Hai Lúa.

Từ năm 1972, ông chuyển sang đóng phim và làm nhà sản xuất, và là người đầu tiên đưa võ thuật vào phim ảnh Việt. Những bộ phim mang đậm dấu ấn của NSND Lý Huỳnh như “Long hổ sát đấu”, “Quái nữ Việt Quyền Đạo”, “Báu kiếm rửa hận thù”, “Hải vụ 709”… và có một lượng fan khổng lồ vào thời đó.

Vai đầu tiên trong phim điện ảnh cách mạng của ông là đại tá Hoàng - sĩ quan quân đội Sài Gòn, trong phim “Cô Nhíp” - đạo diễn Khương Mễ, Đây cũng là vai diễn gây ấn tượng mạnh đối với người xem. Trong phim, vai đại tá Hoàng phải thể hiện nội tâm giằng xé khi chọn lựa giữa trốn chạy hay ra trình diện chính quyền cách mạng. Phim đoạt giải Bông sen Bạc.

Từ sau phim đó, Lý Huỳnh là một trong những diễn viên được các đạo diễn tin tưởng giao cho một loạt vai phản diện sĩ quan cấp tá, tướng của chế độ Sài Gòn trong những phim đề tài chiến tranh cách mạng. Các vai diễn ấn tượng, lột tả chân thực tính cách phản diện cùng những diễn biến tâm lý nội tâm như vai Bách - “Đứa con bị từ chối”, Long “râu” - “Con mèo nhung”, thiếu tá Y Vế - “Ngọn lửa Krông Jung”,  đại úy Long - phim "Mùa gió chướng", trung úy Xăm - phim “Hòn Đất”…

Năm 1977 trong phim “Mùa gió chướng” của đạo diễn Hồng Sến, đại úy Long do NSND Lý Huỳnh thủ vai, đại diện cho phe chống đối cách mạng nên tích cực tổ chức các cuộc hành quân càn quét để không cho cách mạng có điều kiện thuận lợi "bám rễ" trong dân. Cũng năm này ông tham gia một vài vai diễn trong phim “Mối tình đầu” của đạo diễn Hải Ninh.

Năm 1981 trong vai ông Hai Lúa phim “Vùng gió xoáy”, thuộc thành phần trung nông nhưng là gia đình cách mạng. Hai Lúa trong phim hiện lên là một người yêu đất, thương đất, làm ruộng giỏi. Vai diễn này mang đến cho NSND Lý Huỳnh giải Bông sen vàng, "Nam diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI.

Một vai diễn chính diện ấn tượng khác của ông là ông Hai Cũ trong bộ phim cùng tên do đạo diễn Hồng Sến thực hiện năm 1982. Năm 1983 trong phim “Hòn Đất” - đạo diễn Hồng Sến, vai Trung úy Xăm do NSND Lý Huỳnh vào vai đã  lột tả cái ác không thể cảm hóa của nhân vật, giúp ông giành được Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VII. Ngoài ra ông còn góp mặt trong loạt phim đình đám: “Mùa gió chướng”, “Cánh đồng hoang”, “Ngọn cỏ gió đùa”…

Khi điện ảnh Việt Nam qua thời bao cấp, xuất hiện các nhà làm phim tư nhân bước vào thị trường phim chiếu rạp thập niên 1990, Lý Huỳnh cũng là người năng động, mạnh dạn bỏ vốn thực hiện các phim thu hút khán giả đến xem như: “Lửa cháy thành Đại La”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Nước mắt học trò”…

Ông cũng đã thực hiện được nhiều phim hợp tác với điện ảnh Hồng Kong, Đài Loan, như: “Hồng hải tặc”, “Kế hoạch 99”, “Cảnh sát đặc khu”, “Lưới trời lồng lộng”… mang đến cho điện ảnh Việt làn gió mới, tạo cho các nhà sản xuất khác cũng theo đó để tự tin hơn.

Phim cuối cùng ông tham gia với vai trò đạo diễn là “Tây Sơn hào kiệt”- 2010, phim đề tài lịch sử - cổ trang, kịch bản của Cao Đức Trường - Phạm Thùy Nhân. Có thể nói ông đã dồn tâm huyết thực hiện phim điện ảnh này, đầu tư 12 tỷ đồng, để kể lại câu chuyện chiến thắng trận Ngọc Hồi - Đống Đa do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy dẹp tan 20 vạn quân Thanh, thể hiện hùng khí dân tộc.

Năm 2012, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Một cuộc đời không hề yên tĩnh nhưng thật có ý nghĩa. Ông ra đi đã để lại niềm thương tiếc không chỉ với gia đình mà còn với các đồng nghiệp, các khán giả phim điện ảnh Việt. Đặc biệt, ông là một trong những “nhân tố” làm nên diện mạo điện ảnh cách mạng Việt Nam từ sau năm 1975 đầy sinh động và đa màu sắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NSND Lý Huỳnh – người thành công trong việc đưa võ thuật vào điện ảnh
NSND Lý Huỳnh – người thành công trong việc đưa võ thuật vào điện ảnh

VOV.VN - NSND Lý Huỳnh đã cống hiến công sức trong gần 60 bộ phim, cả vai trò diễn viên và đạo diễn mà vai diễn nào cũng để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.

NSND Lý Huỳnh – người thành công trong việc đưa võ thuật vào điện ảnh

NSND Lý Huỳnh – người thành công trong việc đưa võ thuật vào điện ảnh

VOV.VN - NSND Lý Huỳnh đã cống hiến công sức trong gần 60 bộ phim, cả vai trò diễn viên và đạo diễn mà vai diễn nào cũng để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.

NSND Lý Huỳnh qua đời ở tuổi 78 sau thời gian dài chữa bệnh
NSND Lý Huỳnh qua đời ở tuổi 78 sau thời gian dài chữa bệnh

VOV.VN - Nghệ sĩ nhân dân Lý Huỳnh - người từng thách đấu công khai với huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long đã qua đời vào sáng nay (22/10), tại nhà riêng ở TPHCM.

NSND Lý Huỳnh qua đời ở tuổi 78 sau thời gian dài chữa bệnh

NSND Lý Huỳnh qua đời ở tuổi 78 sau thời gian dài chữa bệnh

VOV.VN - Nghệ sĩ nhân dân Lý Huỳnh - người từng thách đấu công khai với huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long đã qua đời vào sáng nay (22/10), tại nhà riêng ở TPHCM.