Những cái giếng “có hồn” ở phố cổ Hội An

(VOV) - Người dân Hội An không bao giờ lấp giếng vì họ bảo rằng, cũng giống con người, mỗi cái giếng đều có phần hồn...

Những cái giếng rêu phong, ẩm ướt ẩn hiện sau những căn ngõ nhỏ, lắt léo trong mình phố cổ Hội An như những giọt nước mắt không bao giờ khô cạn. Cho dù cuộc sống hiện đại hôm nay, một phần trong số hàng trăm cái giếng cổ có niên đại vài trăm năm tuổi đó đã bị bỏ quên, số còn lại thành phế tích, cây cỏ mọc che khuất cả…, nhưng bằng một niềm tin mãnh liệt nào đó, người dân ở Hội An không bao giờ lấp giếng. Họ bảo rằng: Cũng giống con người, mỗi cái giếng đều có phần hồn…

Giữa một ngày mưa tháng 6, chúng tôi đến thăm giếng cổ Bá Lễ - một trong những giếng cổ ở Hội An được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Giữa các con ngõ chằng chịt, giếng cổ Bá Lễ nằm nép mình ở góc của một con hẻm nhỏ lẻ loi. Xung quanh, các ngôi nhà mọc lên san sát, chỉ chừa lại cho chiếc giếng có lịch sử vài trăm năm tuổi này một khoảng nhỏ chừng 10m2. Mặc dù vậy, quanh thành giếng này, những câu chuyện về cuộc sống, về mưu sinh của những người phu nước giống như chiếc gầu nước kia, chưa lúc nào vơi đi.

Giếng cổ Bá Lễ

Giếng Bá Lễ có cấu trúc hình vuông, thành lát gạch, đáy lát gỗ, sâu khoảng 12m. Theo các nhà nghiên cứu thì giếng Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa (khoảng từ thế kỷ thứ VIII-IX). Chất liệu làm giếng cổ bằng gạch mà không dùng vôi vữa kết lại. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. Tương truyền khoảng vào thế kỷ XX, có một người đàn bà giàu có tên là Bá Lễ bỏ hơn 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu giếng Chăm này và từ đó giếng cổ có tên Bá Lễ.

Ông Trần Trung Mẹo – 50 tuổi, đã có thâm niên hơn 12 năm chở nước cho các nhà hàng, khách sạn tại Hội An kể rằng: Hồi còn nhỏ, đây là nơi vui chơi, tắm rửa của những đứa trẻ trong khu vực này. Cứ mỗi buổi chiều, sau khi đi học về, ông Mẹo lại cùng với mấy người bạn ra đây gánh nước sinh hoạt đỡ ba mẹ. Nước giếng ngọt, trong veo…dường như khiến cho bữa cơm gia đình của những người dân ở Hội An thêm đậm đà.

Người Hội An cũng tin rằng: khi mới chào đời, đứa trẻ nào được tắm bằng nước giếng Bá Lễ thì da dẻ sẽ hồng hào, trắng trẻo và đặc biệt là không bao giờ bị rôm, sẩy. Cũng vì niềm tin đó mà những đứa con nhà ông Mẹo khi sinh ra đều được ông đích thân đến giếng Bá Lễ lấy nước và tự tay tắm cho chúng. 

Nhắc đến giếng cổ Bá Lễ, người dân quanh khu vực này vẫn nhắc tới đôi vợ chồng già 50 năm qua sống bằng nghề gánh nước thuê. Đó là ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Lễ. Quen và lấy nhau tại TP Hồ Chí Minh, vì đói khổ quá mà phải dắt díu nhau về đây từ những năm 1975, ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Lễ đã chọn cho mình một công việc không mấy nhàn hạ. Đó là nghề gánh nước thuê.

Ông Nguyễn Đường kể rằng: Lúc đó nghèo đói quá, đến manh áo mặc còn khó nói gì đến căn nhà. Nhưng ông bà may mắn vì có được những người hàng xóm tốt bụng. Họ cho 2 vợ chồng ở nhờ, cưu mang đứa con thơ dại ngây ngô của ông bà. 3 xu một gánh nước, hễ ai thuê thì gánh. Hồi trước đa phần là những người dân quanh vùng thuê để lấy nước sinh hoạt. Sau này, những nhà hàng, khách sạn mọc lên, họ cần nước giếng để pha trà, pha cà phê cho khách. Bởi chỉ có thứ nước trong lành ở giếng Bá Lễ mới khiến cà phê dậy mùi và trà không đóng váng…

50 năm qua, mỗi ngày trên đôi vai nhỏ bé của bà Lễ, ông Đường và người con trai bị bệnh tâm thần, những gánh nước mưu sinh đó vẫn đong đầy những niềm vui, nỗi buồn của một kiếp người. Và nụ cười nhẹ tênh của ông Nguyễn Đường cùng ánh mắt trong veo, đầy yêu thương của bà Nguyễn Thị Lễ khi nhìn đứa con trai hơn 50 tuổi nhưng vẫn như lên mười…giữa cơn mưa mùa hạ mới thấy hóa ra con người cũng giống như giếng nước, càng sâu càng trong, càng sâu càng ngọt.

Giếng tộc họ Trần

Nếu như các giếng công cộng có một đời sống khá phong phú thì những chiếc giếng nằm trong khuôn viên của các gia tộc lại chứa đựng trong đó nhiều câu chuyện thú vị về nếp nhà của cư dân phố Hội.

Ông Trần Vinh – 77 tuổi ở phố Trần Hưng Đạo kể: Cái giếng gắn liền với cả dòng họ Trần ngay từ ngày đầu lập nghiệp trên mảnh đất này, cách đây đã ngót 200 năm. Cả tộc Trần, dễ đến hàng chục hộ gia đình đều dùng nước để sinh hoạt ở chiếc giếng này. Giếng được xây bằng gạch theo kiểu hình tròn ở trên, hình vuông ở dưới.

Anh Trần Sơn – con ông Trần Vinh cho biết: bản thân đã xuống dưới giếng nạo vét nhiều lần và thấy ở đáy giếng vẫn còn nguyên 4 tấm ván bằng gỗ lim đen sì, chắc chắn. Đôi mắt đã không còn nhìn rõ, nhưng ông Trần Vinh vẫn nhớ thời thơ ấu, mỗi buổi chiều tà, ông đều ra giếng gánh nước phụ mẹ làm cao lầu bán đêm.

Từng giọt nước trong veo đó thấm vào những sợi mỳ làm cho vị cao lầu trở nên thanh thanh nhưng vẫn có sự đậm đà, đằm thắm. Nhờ vậy mà gánh cao lầu của gia đình ông được nhiều người ưa chuộng, là nguồn sống của gia đình trong thời khắc đói khổ của chiến tranh. Sau khi mẹ ông mất, gánh mỳ cao lầu cũng mất theo. Chiếc giếng của dòng họ Trần cũng qua thời kỳ vàng son của nó.

“Giờ người ta dùng nước máy, nước khoan cho nhanh, chứ hơi đâu mà còn kéo từng gầu nước! Cũng đúng thôi, vì bây giờ cái gì cũng vội. Nhưng đâu đó, trong giấc ngủ, tôi vẫn thấy hình ảnh mẹ mình bên gánh mỳ cao lầu cùng những gầu nước mát dội vào người trong đêm hè từ chiếc giếng ấy.” - ông Trần Vinh đau đáu nhìn về chiếc giếng cổ bị cây cối che phủ trong lãng quên bảo vậy.

Cũng giống như gia tộc họ Trần, giếng của tộc họ Lưu nay đã cạn. Người cháu nội của dòng họ Lưu, ông Lưu Hùng (năm nay gần 70 tuổi) cũng không nhớ được giếng được xây từ khi nào, vì khi sinh ra đã thấy có. Ông Hùng đã thuê một đội nạo vét giếng để tu sửa lại, nhưng không ai dám làm, vì họ sợ sẽ sập.


Giếng tộc họ Lưu

Từ đó đến nay, chiếc giếng vẫn để không, nhưng hễ cứ ngày 14 và 30 hàng tháng, đều đặn, ông Hùng đều ra thắp hương lầm rầm khấn thần Giếng. Ông bảo: Quan niệm của người Hội An có 5 vị thần gồm: thần Tài, thần Thổ công, thần Ngõ, thần Táo Quân và thần Giếng. Thần Giếng hay còn gọi là thần Long mạch với mong muốn vị thần này sẽ ban cho chiếc giếng có nước trong sạch quanh năm.

Khi được hỏi: Tại sao giếng đã cạn mà không lấp đi? Ông Hùng nói rằng: Đó là hương hỏa của gia tộc để lại, ngoài ra cũng giống như con người, mỗi chiếc giếng đều có một phần hồn của mình. Và với niềm tin đó, ông Lưu Hùng mong rằng một ngày nào đó, chiếc giếng này sẽ có nước trở lại.

Bên cạnh nhà cổ, đình, chùa, lăng, miếu, mộ... thì giếng cổ là một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa vật thể ở Hội An, góp phần tạo nên những đường nét độc đáo rất riêng cho văn hóa phố Hội. Theo thống kê chưa đầy đủ của trung tâm bảo tồn di tích Hội An thì hiện nay trên địa bàn phố cổ có gần 100 cái giếng có niên đại hàng trăm năm.

Anh Võ Hồng Việt – Phó phòng quản lý di tích, Trung tâm bảo tồn di tích Hội An cho biết: Hầu hết các giếng cổ ở Hội An phân bố tập trung ở khu vực dọc bờ bắc sông, trong khu phố cổ, số còn lại nằm rải rác ở nhiều nơi. Về cơ bản giếng cổ ở Hội An có 3 kiểu dáng: hình tròn (chiếm đa số), hình vuông, trên tròn dưới vuông, số ít còn lại là các hình dáng khác như hình lục giác.

Chất liệu để xây giếng chủ yếu là gạch, đá. Người xưa bố trí, sắp xếp vật liệu theo những cách khác nhau tùy theo từng kiểu và thường dùng khung gỗ lim ở dưới cùng để bảo vệ. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng bảo đảm tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài, không bị sụt lún. Thành giếng là những viên gạch được xếp chồng lên nhau, không có vữa kết dính, tạo ra những khe hở cho nước trong lòng đất chảy vào, duy trì mực nước trong giếng. Chúng thường nằm trong khuôn viên của các di tích tín ngưỡng như: hội quán, nhà thờ tộc, đình, miếu của người Hoa...

Cùng với giếng Bá Lễ, thì giếng Mái nằm ở ngã 5, trước cửa chợ Hội An và chùa Ông là một trong hai chiếc giếng cổ nhất trong khu vực phố cổ Hội An. Đây là giếng công cộng duy nhất ở phố cổ được lợp mái ngói vảy cá, là một biểu tượng quen thuộc gắn liền với dân cư trong khu phố cổ.

Hiện nay, giếng Mái đã được sửa chữa, tôn tạo. Tuy nhiên, trong những năm qua, nếu như các loại hình di tích khác được chú ý nghiên cứu, bảo tồn thì những chiếc giếng cổ này vẫn chưa được quan tâm đúng mức./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên