Những người giữ gìn, lan tỏa văn hóa người Chăm
VOV.VN -Hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên... náo nức tham dự ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V năm 2019.
Hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng… của 9 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ và Nam Trung bộ đã về thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V năm 2019. Tại đây, các đoàn có dịp giới thiệu văn hóa, ẩm thực của dân tộc mình.
Các nghệ nhân biểu diễn trống Paranưng trong một trích đoạn lễ cưới của người Chăm Nam bộ. |
Tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần này nghệ nhân Nguyễn Văn Cư, tỉnh Ninh Thuận chuyên đánh trống gi năng, pa ra nưng trong các lễ hội truyền thống của người Chăm. Ông Cư từng có 20 năm gắn bó với Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm của tỉnh Ninh Thuận. Bây giờ, tuổi cao, ông về quê mở lớp, truyền nghề đánh trống cho thế hệ trẻ. Ông Cư tâm sự, những năm gần đây, công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa người Chăm được chú trọng. Lớp trẻ cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hiện, trong nhà ông Cư có 12 người trẻ theo học đánh trống ghi năng, pa ra nưng... Thỉnh thoảng, ông cũng được một số địa phương như Bình Thuận, Quảng Nam, Bình Định mời đến dạy cách đánh trống.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cư (người ngồi giữa đánh trống), chuyên đánh trống gi năng, paranưng của Đoàn Ninh Thuận. |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cư say sưa kể, 3 nhạc cụ gồm trống ghi - năng, pa - ra - nưng và kèn sa - ra - nai luôn đi kèm với nhau và không thể thiếu trong tất cả các lễ hội truyền thống của người Chăm. "Đất nước mình phát triển là người Chăm ngày càng phát triển và càng ngày càng văn minh. Trong văn minh đó, người Chăm chúng tôi không thể bỏ qua các lễ hội, tín ngưỡng nghi thức truyền thống người Chăm. Hôm nay, lớp hệ trẻ theo học nhiều. Tại vì họ thấy không thể bỏ được nên phải duy trì học tập", nghệ nhân Nguyễn Văn Cư cho biết.
Đã ngoài 70 tuổi nhưng đây là lần đầu nghệ nhân làm đồ gốm Đặng Văn Sơn, ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận được tham dự Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đồng bào Chăm. Ông rất vui khi được trình diễn làm đồ gốm, quảng bá sản phẩm của đồng bào quê mình. Ông Sơn cho biết, ở quê ông, phụ nữ thường hay làm gốm gia dụng phục vụ cho nhu cầu của bà con trong làng. Theo nghệ nhân Đặng Văn Sơn, người Chăm có nhiều đền tháp, mỗi tháp có đặc điểm, hình dáng, chi tiết khác nhau. Đến với ngày hội lần này, ngoài giao lưu học hỏi kinh nghiệm, ông Đặng Văn Sơn mong muốn được đi thăm và tận mắt chiêm ngưỡng Tháp Nhạn, từ đó nặn ra mô hình cho thật giống để giới thiệu với du khách.
Sản phẩm đồ gốm của tỉnh Ninh Thuận được trưng bày tại Ngày hội. |
"Ở làng thì làm gốm gia dụng, riêng tôi làm các loại tháp gốm. Trước đó, mấy trăm năm về trước những người lớn tuổi người ta đã làm gốm gia dụng rồi. Tôi là con cháu thế hệ sau tiếp nối nghề của cha ông. Sau này có nghề gốm mỹ nghệ phát triển, mình làm vì đam mê, với lại tôi thấy mình cũng có năng khiếu. Tôi làm để mọi người đến xem thôi", nghệ nhân Đặng Văn Sơn chia sẻ.
Tham dự Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm không chỉ có các nghệ nhân lớn tuổi mà còn có rất đông các bạn trẻ người Chăm ở các địa phương khác nhau. Qua giao lưu, các bạn trẻ hiểu hơn về sự đa dạng, phong phú của văn hóa, ẩm thực đồng bào mình. Ca sỹ trẻ Ali Samat ở tỉnh Tây Ninh tự hào khi được thể hiện ca khúc tự sáng tác “Gửi em người thiếu nữ Chăm” thể hiện bằng tiếng Chăm./.