Nơi neo giữ câu hát Sình ca

(VOV) - Sình ca là lối hát giao duyên của người Cao Lan được hát trong đám cưới, ngày hội, trong dịp Tết...

Người Cao Lan ở Tuyên Quang coi những làn điệu Sình ca như “báu vật” của dân tộc mình. Sau một thời gian lắng đi, gần đây, ở Tuyên Quang đã xuất hiện trở lại những Câu lạc bộ hát Sình ca ở những nơi có đông đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống. Ở thôn Đồng Mon, xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đang duy trì một câu lạc bộ hát Sình ca...

Chỉ mê câu hát

Từ thành phố Tuyên Quang xuôi về Hà Nội, đúng đến km 11 thì rẽ phải, đi vào chục mét nữa là đã đến thôn Đồng Mon, xã Thái Long. Chiều thu, nắng ong vàng rải trên những mái nhà sàn, trên những hàng cây, vườn chè xanh mướt... Hôm ấy, các cụ ông, cụ bà, cùng các phụ nữ trung tuổi, thanh niên và phụ nữ đã có mặt đông đủ ở nhà bà Lâm Thị Quang (năm nay 51 tuổi), để cùng nhau hát và dạy cho thế hệ trẻ những câu hát của cha ông truyền lại...

Cụ bà Hoàng Thị Nghiêm.

Cụ bà Hoàng Thị Nghiêm kể rằng, bà biết hát Sình ca từ năm 18 tuổi và hát đến năm 22 tuổi thì đi lấy chồng. "Hát Sình ca hồi còn trẻ là để tìm hiểu tình yêu. Hai người hát đối với nhau 2-3 lần thì ưng nhau, gửi thư đi lại tình cảm dạt dào tới mức không muốn đi lấy chồng nữa"- Cụ bà 73 tuổi kể. Bây giờ, hát lại, mỗi câu cất lên, bà lại nhớ thời tuổi trẻ của mình, vui lắm.

Cụ bà Âu Thị Nông (74 tuổi) thì bảo rằng: "Ngày xưa thanh niên đi ra ngoài đường trai gái gặp nhau thì hát. Lắm lúc ở nhà vui cũng hát. Bây giờ thấy ở tivi hát thì các bà cũng hát. Giọng bà ngày xưa hay lắm, bây giờ không còn hay nữa, vẫn thích hát". Cụ Nông nhớ lại thời xưa có lần cụ đi 3 ngày 3 đêm mới về, hát đến nỗi về đến nhà không ăn nổi cơm vì buồn ngủ quá.

Hát Sình ca (hát ví) là một thể loại dân ca trữ tình, nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, hấp dẫn, lâu đời của dân tộc Cao Lan, tỉnh Tuyên Quang. Sình ca là lối hát giao duyên giữa nam và nữ, hay tốp nam với tốp nữ; được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: hát trong đám cưới, ngày hội, hát khi Tết đến, Xuân về. Ngày xưa, các bài hát được ghi bằng chữ Nôm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, khi phiên dịch ra tiếng Việt thường được chuyển thành thể lục bát cho có vần, có điệu.

Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ hát Sình ca.

Theo lời các cụ cao tuổi ở thôn Đồng Mon, thì Sình ca chỉ có hai làn điệu là: hát giao duyên và hát ru con, nhưng lời bài hát thì vô cùng phong phú, gần gũi với đời thường, như hương đồng gió nội lan tỏa khắp bản gần, bản xa. Có rất nhiều đôi lứa thành vợ chồng sau những lần đi hát Sình ca trong lễ hội mùa xuân.

Bà Lâm Thị Quang kể rằng có lẽ từ trong nôi bà đã nghe mẹ ru các làn điệu Sình ca, nên cũng thuộc được nhiều bài. Mỗi bài hát Sình ca có nhiều phần. Chẳng hạn như: mới đầu gặp nhau hát về cỏ cây, hoa lá, thiên nhiên, sau đó chào nhau, hát đối đáp nhau, hát về tình yêu nam nữ. Bước qua giai điệu yêu nhau thì hát tỏ tình bằng Sình ca. Ngày cưới đón dâu cũng hát. Hoặc khi tập trung đến nhà nào đó để hát đối đáp, thì trước tiên phải hát xin phép chủ nhà cho được hát, rồi hát mời nước mời trầu, hát chúc cho chủ nhà vinh hoa phú quý, rồi mới hát giao duyên. Đi làm đồng thì mùa nào hát về mùa nấy. Tháng nào hát về tháng nấy...

Tìm cách truyền lại kho báu

Mấy em gái ở thôn Đồng Mon kể rằng, các cụ giờ cao tuổi trong thôn say hát Sình ca như bọn trẻ say chơi game vậy. Hát với bạn qua điện thoại suốt buổi tối, hát hết là cái sim điện thoại 100 nghìn đồng mới thôi. Có người cách đây hàng trăm cây số vì mê hát Sình ca mà chẳng quản đường sá xa xôi, tìm đến nhà nhau để hát cho thỏa...

"Những làn điệu truyền miệng ấy rất du dương, mộc mạc, chân thành"- Lý Thị Minh Nguyệt ở xã Thái Long, vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm cảm nhận như vậy. Và cô giáo trẻ này rất thích nghe hát Sình ca: "Mỗi khi em nghe các ông, các bà tập Sình ca em rất thích. Mỗi câu hát đều khuyên dạy các con cháu, cách sống và yêu thương nhau, vì vậy em rất muốn học những câu hát đó".

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Thạch, trưởng thôn Đồng Mon hồ hởi bảo "tôi cũng rất thích nghe hát vì Sình ca rất hay". Anh Thạch khoe trong thôn và toàn xã Thái Long năm nào cũng tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng. Thôn Đồng Mon có thế mạnh là hát Sình ca, năm nào cũng đoạt giải, không Nhất thì Nhì.

"Vừa rồi chúng tôi đã triển khai một đề tài khoa học về việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, trong đó có Sình ca của người Cao Lan. Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục có những bước nghiên cứu sâu thêm về vấn đề này. Các lễ hội của dân tộc Cao Lan hiện cũng được tỉnh rất quan tâm nghiên cứu_ - bà Vũ Thị Bích Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang.
Thôn Đồng Mon đông dân nhất xã Thái Long, với 124 hộ, hơn 450 khẩu. Đời sống của bà con cũng đã có nhiều chuyển biến do biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Đến nay trong thôn chỉ còn 6 hộ. Điều trưởng thôn Thạch quan tâm đó là bên cạnh việc chăm lo cho đời sống kinh tế của các gia đình khá lên thì cũng động viên bà con duy trì tốt Câu lạc bộ hát Sình ca, để các cụ cao tuổi truyền dạy cho các cháu thanh niên, thiếu nhi cũng biết hát.

Trong thôn Đồng Mon, ông Hoàng Minh Dục là người có công sưu tầm và chép lại lời hàng trăm bài Sình ca. Theo ông Dục, vì ngày xưa các cụ viết bằng chữ Nôm, giờ để tiện cho các con, cháu học hỏi, ông chép lại nghĩa các câu hát bằng chữ Kinh để con cháu đọc và hiểu, học thuộc dễ dàng hơn.

Cứ chiều chủ nhật, các cụ lại tập trung tại một gia đình để hát và dạy hát. Sau mỗi câu hát, các cụ lại giải nghĩa cho lớp trẻ hiểu. Lúc đầu nghe thấy lạ, thấy khó, nhưng sau nghe nhiều, em Trần Thị Hằng, năm nay học lớp 7 rất thích: "Cháu và các em nhỏ thấy hát Sình ca rất hay.  Cháu mong các ông các bà các cụ sẽ dạy lại cho cháu điệu hát này để sau này lớn lên biết hát Sình ca..."

Chúng tôi chia tay với Câu lạc bộ hát Sình ca thôn Đồng Mon khi nắng chiều đã nhạt. Vẳng câu hát bà ru cháu du dương mà mộc mạc: "Ru con con ngủ cho ngoan để mẹ lên nương hái cà hái dưa, để bố xuống ruộng đi cày bắt con tôm con cá...". Những câu hát Sình ca đọng lại mãi trong tôi với một dư âm ngọt ngào. Với bà con trong thôn Đồng Mon, "báu vật" Sình ca đang được nâng niu, gìn giữ và trao truyền.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Táo quân 2013" đã có tem, ngày 7/2 ra đĩa
"Táo quân 2013" đã có tem, ngày 7/2 ra đĩa

(VOV) - Sáng 5/2, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã chính thức ký cấp tem cho phép phát hành đĩa "Táo quân 2013" sau 4 lần chỉnh sửa nội dung.

"Táo quân 2013" đã có tem, ngày 7/2 ra đĩa

"Táo quân 2013" đã có tem, ngày 7/2 ra đĩa

(VOV) - Sáng 5/2, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã chính thức ký cấp tem cho phép phát hành đĩa "Táo quân 2013" sau 4 lần chỉnh sửa nội dung.

Tranh làng Sình - nét độc đáo của văn hóa Huế
Tranh làng Sình - nét độc đáo của văn hóa Huế

(VOV) - Tranh dân gian làng Sình có thể sánh ngang với tranh Đông Hồ.

Tranh làng Sình - nét độc đáo của văn hóa Huế

Tranh làng Sình - nét độc đáo của văn hóa Huế

(VOV) - Tranh dân gian làng Sình có thể sánh ngang với tranh Đông Hồ.

Nhà hát Chèo Hà Nội tưng bừng khai diễn đón Xuân
Nhà hát Chèo Hà Nội tưng bừng khai diễn đón Xuân

(VOV) - Nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013, Nhà Hát chèo Hà Nội có nhiều chương trình biểu diễn đón Xuân đặc sắc.

Nhà hát Chèo Hà Nội tưng bừng khai diễn đón Xuân

Nhà hát Chèo Hà Nội tưng bừng khai diễn đón Xuân

(VOV) - Nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013, Nhà Hát chèo Hà Nội có nhiều chương trình biểu diễn đón Xuân đặc sắc.

“Phố Ông đồ” Văn Miếu bày "mực tàu, giấy đỏ" đón Tết
“Phố Ông đồ” Văn Miếu bày "mực tàu, giấy đỏ" đón Tết

(VOV) - Những ngày giáp Tết, phố Văn Miếu (Hà Nội) lại nhộn nhịp những "ông đồ" cùng áo the, khăn xếp bày "mực tàu, giấy đỏ" cho chữ.

“Phố Ông đồ” Văn Miếu bày "mực tàu, giấy đỏ" đón Tết

“Phố Ông đồ” Văn Miếu bày "mực tàu, giấy đỏ" đón Tết

(VOV) - Những ngày giáp Tết, phố Văn Miếu (Hà Nội) lại nhộn nhịp những "ông đồ" cùng áo the, khăn xếp bày "mực tàu, giấy đỏ" cho chữ.