Nơi nuôi dưỡng dân ca

Được thành lập từ năm 1995, trong những năm qua, Chi hội Văn nghệ dân gian Đài Tiếng nói Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và truyền bá vốn âm nhạc dân gian của dân tộc.

Tích cực sưu tầm dân ca

Trong những năm qua, Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ dân gian Đài TNVN cùng các hội viên đã đi đến nhiều vùng miền, kể cả vùng sâu vùng xa, để sưu tầm những bài dân ca của các địa phương về tuyên truyền trên làn sóng phát thanh Đài TNVN. Chi hội còn mời các nghệ nhân hát xẩm, ca trù, quan họ… tới Đài TNVN nói chuyện và phân tích sâu về những thể loại này với thính giả cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, góp phần vào việc phổ cập âm nhạc dân gian.

Trong những năm gần đây, các hội viên của Chi hội ở Phòng Dân ca Đài TNVN cũng tích cực tuyên truyền về ca trù, quan họ, góp sức cùng các cơ quan hữu quan hướng tới việc để UNESCO công nhận hai lối hát này. Mặc dù BCH Chi hội nhiệm kỳ III chỉ có 3 người: NSƯT Dân Huyền, Ngọc Phan, Thúy Đạt, đều đã nghỉ hưu cũng rất bận với việc riêng của mỗi người nhưng họ đã hết mình với hoạt động của Chi hội. Chi hội đã duy trì đều đặn chương trình Kể chuyện cổ tích và hát ru cho con Bắc Trung Nam trên làn sóng Đài TNVN, được các em nhỏ rất yêu thích và háo hức đón đợi vào mỗi tối. Mỗi năm, Chi hội tổ chức một sự kiện âm nhạc tương đối lớn là chương trình biểu diễn “Hát cho nhau nghe”. Tuy nhiên, chương trình thành công nhất và tạo ra dấu ấn trong hoạt động của Chi hội là việc cho ra đời và duy trì “CLB đàn và hát dân ca”.


Chi hội Văn nghệ dân gian Đài TNVN vừa tổ chức Đại hội lần thứ IV. NSƯT Dân Huyền đã tái cử chức Chủ tịch Chi hội. NSƯT Dân Huyền cho biết về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Chi hội là tiếp tục góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Thời gian tới, Chi hội cũng sẽ có kế hoạch bồi dưỡng để giới thiệu Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kết nạp vào hội những người trẻ tuổi có năng lực, yêu nghề; Bồi dưỡng và đề nghị Trung ương Hội xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho hội viên trong Chi hội.

Thương hiệu “CLB đàn và hát dân ca”

Người đề xướng ra “CLB Đàn và hát dân ca” chính là NSƯT Dân Huyền và NSƯT Ngọc Phan. NSƯT Dân Huyền thường nói với hội viên của mình: “Đây là một hình thức sinh hoạt và phổ cập dân ca, dân nhạc đầy ý nghĩa và có hiệu quả...". Thành lập tháng 12/1997, 13 năm qua, “CLB đàn và hát dân ca” đã duy trì được hoạt động đều đặn với số học viên thường xuyên là 100 người đủ mọi lứa tuổi, từ cháu bé lên 9 tới cả các cụ già 83 tuổi từ mọi miền Tổ quốc.

NSƯT Dân Huyền
Vào sáng Chủ nhật hàng tuần, các hội viên tụ hợp về Đài TNVN để tập luyện dưới sự hướng dẫn tận tình, giàu kinh nghiệm của thầy Dân Huyền, Ngọc Phan và một số thầy cô khác. Thầy Huyền, thầy Phan là hai thầy giáo rất có uy tín, có quan hệ thân thiết với các nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật từ 30-40 năm trước nên khi cần, hai thầy có thể mời các thầy cô về dạy cho các thành viên CLB, hoàn toàn xuất phát từ tình cảm chứ không phải vì tiền (có nhiều thầy cô khi được trả tiền bồi dưỡng đã tặng lại cho CLB).

NSƯT Trang Nhung cho biết, chị rất khâm phục, ngưỡng mộ tài năng, nhân cách, trí tuệ của nhạc sĩ Dân Huyền và Ngọc Phan. Chị cho rằng, hai anh đúng là kho tàng sống về dân ca, nên dù công việc bận nhưng khi các anh yêu cầu là chị sẵn sàng đi dạy cho các hội viên, dù là dạy không công.

Ngoài việc duy trì sinh hoạt đều đặn vào sáng Chủ nhật hàng tuần, “CLB đàn và hát dân ca” đã in được 32 tập “Bài hát dân ca quen thuộc” có ghi đủ nhạc cho từng điệu cùng 32 băng cassete + 32 đĩa CD và 2 đĩa CD nhạc không lời để phục vụ cho việc dạy hát và để học viên về cơ sở biểu diễn khi không có dàn nhạc dân tộc đệm.

Kể từ khi thành lập đến nay, CLB đã dạy được hơn 1.000 bài hát dân ca các miền. Riêng trên làn sóng Đài TNVN, CLB đã đào tạo và giúp đỡ 5 tác giả thường xuyên viết lời có chất lượng cho Đài. CLB cũng cộng tác với Đoàn ca nhạc Đài TNVN biểu diễn những chương trình lớn trong các cuộc thi hát dân ca do Đài TNVN tổ chức. Nhiều học viên CLB đã trở thành nòng cốt của phong trào hát dân ca của thành phố, quận, huyện… đoạt nhiều huy chương vàng, bạc trong các hội diễn. Nhiều học viên trở thành sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Trường Sân khấu điện ảnh, Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia, trở thành ca sĩ của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp... CLB thường đi giao lưu với các làng dân ca ở các vùng miền, nhiều nhất là làng quan họ Bắc Ninh.

PGS. TS Đỗ Thị Hảo, Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: “CLB đàn và hát dân ca" của Chi hội Văn nghệ dân gian Đài TNVN là CLB được thành lập sớm nhất và hoạt động rất hiệu quả, xứng đáng là CLB đàn anh cho các CLB khác noi theo”. Ông Mai Thúc Long, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN cho rằng, sự phát triển của những hội như Chi hội Văn nghệ dân gian Đài TNVN, những CLB như “CLB đàn và hát dân ca” sẽ góp phần đầy lùi cái xấu, bảo tồn vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc và phát triển văn hóa nước nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên