NS Doãn Nguyên và ý tưởng đưa nhạc không lời bán cổ điển lên sóng phát thanh

"Chúng tôi muốn bù đắp 1 phần nào sự thiếu hụt trên thị trường âm nhạc chủ yếu là ca khúc. Thông qua làn sóng Đài chúng tôi muốn tạo ra một địa chỉ để thính giả có điều kiện tiếp xúc gần hơn nữa, nhiều hơn nữa dòng nhạc này"

PV: Xin chào nhạc sĩ Doãn Nguyên! Anh có thể chia sẻ về ý tưởng thực hiện chương trình đưa nhạc không lời bán cổ điển lên làn sóng phát thanh?

Nhạc sĩ Doãn Nguyên: Như chúng ta đều biết, âm nhạc có hai thể loại là thanh nhạc và khí nhạc; nhưng hiện nay thị trường âm nhạc Việt Nam lại có sự chênh lệch giữa hai thể loại này. Thanh nhạc chiếm tỉ lệ lớn, đặc biệt là các ca khúc. Phần lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên các sân khấu biểu diễn, chủ yếu là các ca khúc. Bên cạnh đó, lâu nay khán giả Việt Nam chưa có thói quen cũng như nhu cầu nghe nhạc giao hưởng, thính phòng, nhạc không lời. Vì vậy, để một tác phẩm khí nhạc đến với công chúng cũng khá tốn kém.

Xuất phát từ những yếu tố này, Nhà hát Đài TNVN đang chủ trương đẩy mạnh thể loại nhạc không lời bán cổ điển lên làn sóng phát thanh. Nhạc sĩ của Đài nói chung, trong đó có tôi, theo đuổi mảng nhạc không lời này từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, do rất nhiều lý do mà đến giai đoạn này mới quyết tâm và có nhiều điều kiện hơn để thực hiện niềm đam mê của mình. Bởi vì Nhà hát Đài TNVN hiện tại với 1 đội ngũ nhạc sĩ, nhạc công rất mạnh, có hai dàn nhạc là dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc mới. Chủ trương của nhà hát là bên cạnh đẩy mạnh thanh nhạc thì muốn đẩy mạnh khí nhạc.

PV: Ngoài lý do là, hiện nay, thị trường âm nhạc Việt Nam còn rất thiếu những địa chỉ nghe khí nhạc, đặc biệt là thể loại nhạc không lời bán cổ điển; còn lý do gì mà Nhà hát quyết định thực hiện ý tưởng này?

Nhạc sĩ Doãn Nguyên: Nhà hát Đài TNVN chủ trương đẩy mạnh nhạc không lời, đặc biệt là âm nhạc dành cho dàn nhạc bán cổ điển. Theo chúng tôi thì, thể loại này phù hợp với đa số người dân, đặc biệt là giới trí thức. Từ xưa đến giờ, chúng ta và rất nhiều thính giả đã nghe một số tác giả tác phẩm của dòng nhạc này, cũng rất được công chúng Việt Nam mến mộ; ví dụ như Paul Mauriat, Richard Clayderman. Chính vì vậy Nhà hát đài TNVN chủ trương xin ý kiến của lãnh đạo Đài và kết hợp với Hội nhạc sĩ Việt Nam để đẩy mạnh nhạc không lời, đặc biệt là dòng nhạc bán cổ điển.

Nhạc sĩ Doãn Nguyên (đứng giữa) (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

 PV: Vậy thì Nhà hát đã chuẩn bị như thế nào cho chương trình này?

Nhạc sĩ Doãn Nguyên: Xuất phát điểm thì đây là niềm đam mê của cá nhân tôi cũng như anh chị em nhạc sĩ trong Nhà hát Đài, cộng với sự thiếu hụt trên mặt bằng âm nhạc Việt Nam. Chúng tôi muốn góp 1 phần công sức nhỏ bé để bù đắp mảng còn thiếu trong âm nhạc Việt Nam, đó là khí nhạc.

Tuy nhiên, với 1 lực lượng có hạn, chúng tôi hướng đến việc định hướng tốt cho công chúng, thính giả của đài. Đầu tiên là vận động anh em nhạc sĩ, vì để thực hiện việc này thì phải có tác phẩm. Ngoài những tác phẩm viết mới, chúng tôi còn có hướng chuyển soạn những ca khúc đã nổi tiếng cho dàn nhạc bán cổ điển, biến nó thành nhạc không lời. Đấy cũng là bước tiếp cận dần dần với công chúng để họ có thói quen nghe 1 chương trình âm nhạc, nghe tác phẩm nhạc không lời.

PV: Như anh vừa giới thiệu thì thể loại âm nhạc mà Nhà hát muốn đẩy mạnh và đưa lên làn sóng phát thanh nhiều hơn là nhạc không lời bán cổ điển. Vậy anh có thể giới thiệu sơ lược về thể loại nhạc này?

Nhạc sĩ Doãn Nguyên: Để đi sâu vào nhạc không lời, cụ thể cho dàn nhạc bán cổ điển thì cũng hết sức phong phú. Có thể dùng với dàn nhạc cổ điển thuần túy với nhạc cụ cổ điển của phương Tây, kết hợp với nhạc cụ điện tử để đưa đến công chúng 1 tác phẩm bán cổ điển. Ngoài ra còn có sự kết hợp với những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam hòa tấu cùng dàn nhạc bán cổ điển. Đó cũng là hướng chủ trương của nhà hát để anh em tập trung vào viết, làm sao mà đáp ứng với dàn nhạc hiện có.

PV: Như anh nói, nhạc không lời bán cổ điển là niềm đam mê của anh cũng như các anh em nhạc sĩ của Nhà hát. Vậy anh đã hưởng ứng chương trình này như thế nào?

Nhạc sĩ Doãn Nguyên: Để hưởng ứng chủ trương của Nhà hát Đài viết cho nhạc không lời, tôi cũng vừa mới hoàn thành tác phẩm với tiêu đề “Cánh thư ra đảo xa”. Đây là tác phẩm viết cho dàn nhạc bán cổ điển hòa tấu, cùng với 2 nhạc cụ là sáo trúc và đàn tranh của Việt Nam. Tôi cũng lấy chất liệu của làn điệu Lý tình tang, dân ca Bình trị thiên làm chất liệu. Đây cũng là sự gửi gắm của cá nhân tôi đối với những người lính đang ngày đêm đứng ở đầu sóng ngọn gió, giữ cho sự bình yên của tổ quốc. Hy vọng có dịp gần đây, tác phẩm này được vang lên trên làn sóng Đài TNVN.

PV: Còn các anh chị em nhạc sĩ khác trong Nhà hát đã hưởng ứng chương trình này như thế nào?

Nhạc sĩ Doãn Nguyên: Hiện tại một số anh chị em nhạc sĩ của nhà hát đã bắt tay vào viết. Chúng tôi nhận được một vài tác phẩm như ca ngợi vẻ đẹp của quê hương của nhạc sĩ trẻ Vũ Mạnh Cường viết cho kèn saxophone solo với dàn nhạc bán cổ điển với tiêu đề “Trở về miền quê yêu dấu”. Hiện nay tác phẩm thuần túy bán cổ điển hòa tấu: “Khúc ngẫu hứng bên chiếu chèo”, lấy chất liệu chèo của nhạc sĩ Nguyễn Hùng. Đây là những tiềm năng của các nhạc sĩ Đài TNVN.

PV: Bản thân nhạc sĩ Doãn Nguyên cũng như Nhà hát Đài TNVN mong muốn điều gì khi thực hiện chương trình đẩy mạnh nhạc không lời bán cổ điển trên làn sóng phát thanh?

Nhạc sĩ Doãn Nguyên: Mục đích của chúng tôi khi thực hiện chương trình nhạc không lời này là trau dồi chuyên môn để phục vụ tốt nhất trên làn sóng, bù đắp 1 phần nào sự thiếu hụt trên thị trường âm nhạc chủ yếu là ca khúc. Để có những chương trình hòa nhạc theo đúng nghĩa nhạc không lời thì không phải ai cũng được thưởng thức. Thông qua làn sóng Đài chúng tôi muốn tạo ra một địa chỉ để thính giả có điều kiện tiếp xúc gần hơn nữa, nhiều hơn nữa dòng nhạc không lời bán cổ điển.

Thực tế là bây giờ, ngay cả Đài TNVN hay các đài truyền hình, có rất nhiều chương trình đòi hỏi có phần nhạc nền và thường lấy nhạc không lời. Nhưng kho nhạc không lời của Việt Nam thì rất thiếu. Có những chương trình nói về lịch sử của Việt Nam trên truyền hình trung ương thì lấy nhạc của Nhật, thậm chí nhạc của Trung Quốc.

PV: Vậy, kế hoạch dài hơi hơn của Nhà hát đối với chương trình nhạc không lời cổ điển này là như thế nào?

Nhạc sĩ Doãn Nguyên: Trước mắt, chúng tôi phát động anh em nhạc sĩ trong Nhà hát và những nhạc sĩ có khả năng viết nhạc không lời gửi về. Sau đó, chúng tôi sẽ dàn dựng, đầu tiên là phục vụ trên làn sóng.

Như chúng ta biết là Đài TNVN có những đêm nhạc Tiếng hát Việt Nam, bây giờ là Tiếng hát Việt Nam 4 tại 58 Quán Sứ; chúng tôi sẽ dần đưa vào 1 số tác phẩm không lời viết cho dàn nhạc bán cổ điển hoặc là những tác phẩm ca khúc được chuyển soạn cho dàn nhạc. Đấy là những bước tiếp cận đầu tiên. Sau đấy, kết hợp với Hội nhạc sĩ mở rộng ra toàn quốc, thì các nhạc sĩ trên toàn quốc có thể gửi bài về. Căn cứ trên những tổng phổ chúng tôi sẽ dàn dựng. Mỗi năm chúng tôi sẽ có những tổng kết. 

PV: Cảm ơn nhạc sĩ Doãn Nguyên về cuộc trò chuyện này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên