NSND Lệ Ngọc: Dành trọn tình yêu với sân khấu kịch
VOV.VN -Hơn 40 năm cống hiến cho nghệ thuật sân khấu nước nhà, NSND Lệ Ngọc để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả với hàng trăm vai diễn.
Sống hết mình với niềm đam mê sân khấu kịch, NSND Lệ Ngọc còn đứng ra thành lập sân khấu tư nhân Lệ Ngọc với khao khát làm mới những vở diễn đồng thời đưa khan giả đến gần hơn với sân khấu kịch. Với chị, sân khấu kịch chính là tình yêu, là máu thịt của mình.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, hơn 40 năm cống hiến cho sân khấu nước nhà nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc đã nhận được không ít những lời khen của đồng nghiệp và lãnh đạo bởi sự miệt mài lao động nghệ thuật và khả năng sáng tạo đối với các vai diễn. Ngay cả khi phải chống chọi với những đau đớn chị vẫn chưa khi nào thôi tâm huyết với những vai diễn và cháy hết mình trên sân khấu .
PV: Được biết là dù bố mẹ phản đối và không muốn chị theo nghiệp diễn nhưng chị vẫn quyết định thi tuyển vào nhà hát Kịch Việt Nam. Điều gì khiến một cô bé 15 tuổi khi ấy lại dành một tình yêu lớn cho sân khấu như vậy?
NSND Lệ Ngọc: Tôi rất yêu sân khấu qua các vở diễn của bố và văn hoá, sân khấu, điện ảnh và du lịch là những điều tôi yêu thích từ bé. Có lẽ chính những điều đó đã hun đúc trong tôi một tình yêu đối với môn nghệ thuật này. Tuy rằng lựa chọn ngành này là vô cùng chông gai vì bố mẹ tôi là giáo viên, hơn nữa các cụ cứ nói là “Xướng Ca Vô Loài”, cho nên bố mẹ bảo vào ngành này khó lấy chồng nhưng tôi vẫn quyết định đi theo con đường này.
PV: Có thế mạnh về ngoại hình và bố lại có sức ảnh hưởng nhất định trong giới, chắc hẳn con đường vào nghề của chị có nhiều thuận lợi?
NSND Lệ Ngọc: Bố tôi là nhà viết kịch, viết văn. Cụ dạy về môn văn học nên tôi cũng ảnh hưởng nhiều bởi điều đó. Đây cũng là thế mạnh để cho bố có thể khuyên bảo, dạy dỗ và phân tích vai mỗi khi tôi đảm nhận các vai diễn của sân khấu. Bên cạnh thuận lợi thì cũng có nhiều khó khăn. Khi con tôi mới có 5, 6 tháng, tôi đã phải đưa con đi lưu diễn và không có thời gian chăm con. Nghề nghiệp nếu mà nói thì cực kì gian truân, vất vả nhưng vì đam mê đã giúp tôi có thể vượt qua được chứ với đồng lương và những thù lao ít ỏi thì làm sao có thể yêu được.
PV: Phải trải qua rất nhiều vai phụ, nhiều nhất là các vai trẻ con thì chị mới có thể chạm đến vai chính là vai Ngọc Chi trong “Người đá lạc đội hình”. Chắc hẳn vai diễn chính đầu tiên trong đời đã để lại cho chị nhiều kỉ niệm?
NSND Lệ Ngọc: Ở lớp tôi lúc đó có rất nhiều diễn viên, khoảng 4.000 người thi vào nhưng mà trường chỉ lấy có 32 người thôi. Hơn nữa, tôi lại có thân hình khá nhỏ bé, ảnh hưởng ít nhiều đến nghề nhưng chuyên môn cứng nên các đạo diễn rất quý. Các đạo diễn khi đã giao cho tôi một lần thì đều khẳng định một điều rằng Lệ Ngọc đã vào vai nào thì rất là chín và không ai có thể thay thế được.
NSND Lệ Ngọc trong "Ngũ biến" - màn diễn đặc biệt giúp chị mang về giải thưởng Hoa dâm bụt - giải thưởng cho nữ diễn viên xuất sắc nhất của Liên hoan sân khấu ASEAN tại Nam Ninh, Trung Quốc tháng 9/2016. |
PV: Những ai yêu thích sân khấu kịch thì sẽ không thể quên được các vai diễn để đời của chị như trong vở “Cải Lão Hoàn Đồng”, “Lâu đài cát”, “Kim tử” hay “Ngũ biến". Ở những dạng vai khác nhau thì đòi hỏi ở người diễn viên sự biến hóa, linh hoạt trong diễn xuất như thế nào?
NSND Lệ Ngọc: Mỗi một vai có một cái tính cách khác nhau, thể hiện nội tâm khác nhau. Chẳng hạn như trong vở mà tôi mang đi nước ngoài thì có khó khăn hơn là về bất đồng ngôn ngữ như vở “Ngũ Biến”, “Lâu đài cát” rồi đến những vở như “Chí Phèo Thị Nở” và gần đây là vở “Tấm Cám”. Chịu trách nhiệm về phần nghệ thuật cho nên, tôi yêu cầu chỉ đạo các em diễn viên là phải thể hiện nội tâm và thêm nữa là các động tác cử chỉ hành động chính xác. Nếu như người xem dù không hiểu ngôn ngữ nhưng thấy cử chỉ, động tác của mình diễn tốt thì họ vẫn có thể thích. Đó là những kinh nghiệm của tôi.
PV: Thưa chị, khi chị quyết định gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam thì thời điểm đó sân khấu đã qua thời hoàng kim, nếu không muốn nói là đã dần bắt đầu đi xuống vậy chị đã phải đối diện với những khó khăn như thế nào?
NSND Lệ Ngọc: Thời điểm của ngành sân khấu, gọi là sa sút và khán giả quay lưng đến bây giờ bởi sự ra đời của nhiều kênh thông tin truyền thông tốt, phát triển, mang tính giải trí, cạnh tranh cao. Đó là những khó khăn và gian truân đối với sân khấu lúc đó và đến bây giờ tôi nghĩ cũng không có gì hơn cả. Và nếu như mình không có những tác phẩm tốt thì chính mình sẽ tự “bóp chết” chính mình. Vì thế tôi vẫn lao vào bởi vì thật sự mà nói là càng khó khăn bao nhiêu thì những người vực dậy được sân khấu càng khẳng định được rằng phải có một tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng luôn thôi thúc phải làm thế nào góp một phần sức mình để cho sân khấu sáng dần lên và đưa khán giả về nghệ thuật kịch.
NSND Lệ Ngọc và bạn diễn trong "Cải lão hoàn đồng".
|
PV: Khoảng những năm 2004 khi chị đã có độ chín về diễn xuất cũng là lúc sân khấu lao đao nhất, khán giả quay lưng với sân khấu, kịch nghệ. Kịch bản hay không có tác phẩm sân khấu hay lại càng hiếm. Vậy là Trưởng đoàn của Nhà hát kịch Việt Nam khi ấy, chị đã làm thế nào để vực dậy sân khấu kịch?
NSND Lệ Ngọc: Tôi đã cùng Ban giám đốc và Hội đồng nghệ thuật tìm những kịch bản có chỉnh chu, đặc sắc. Khi đọc kịch bản, tôi thường đưa ra ý kiến phản biện đối với mọi người. Nhà hát Kịch Việt Nam là nhà hát Quốc gia vì thế những kịch bản được lựa chọn biểu diễn bên cạnh những yếu tố nghệ thuật còn phải đảm bảo sự chỉnh chu. Điển hình là chùm hài kịch của đạo diễn Lê Hùng, chúng tôi có mời anh hợp tác để vực dậy nhà hát. Hay vở diễn "Chia tay hoàng hôn" cũng được chúng tôi biểu diễn ở khắp các miền nam bắc.
PV: Là nữ nghệ sĩ duy nhất 3 lần đoạt giải thưởng diễn viên xuất sắc Liên hoan sân khấu ASEAN Trung Quốc, cháy hết mình trên sân khấu trong khi hàng ngày vẫn phải đối mặt vấn đề về sức khoẻ, dường như sân khấu kịch là cả cuộc đời của chị?
NSND Lệ Ngọc: Khi đã đam mê thì tôi không nghĩ đến những vất vả, sức khoẻ. Gia đình cứ nói là đổ quá nhiều sức lực cho nghề. Nhưng tôi nghĩ rằng, một nghệ sĩ chân chính không dốc hết mình, toàn tâm toàn lực và đam mê với nghề thì mình sẽ không bao giờ thu gặt được kết quả tốt đẹp.
Hình ảnh trong vở kịch "Tấm Cám". |
PV: Hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu, sau khi nghỉ hưu, chị cùng một số nghệ sĩ thành lập sân khấu Lệ Ngọc. Chị kì vọng điều gì ở sân khấu tư nhân này?
NSND Lệ Ngọc: Sân khấu tư nhân hay sân khấu nhà nước đều phải hướng tới khán giả. Vậy thì ai chiếm lĩnh được khán giả thì sẽ thắng. Vì thế sân khấu tư nhân càng phải phấn đầu nhiều hơn, khó khăn lựa chọn từ tác phẩm, đạo diễn, nghệ sĩ để mang đến những vở diễn mới, chất lượng.
Hành trình tìm lại khán giả cho sân khấu sẽ còn nhiều khó khăn song nghệ sĩ Lệ Ngọc và những cộng sự của mình vẫn nỗ lực hết mình để khơi dậy tình yêu của công chúng đối với nghệ thuật truyền thống. Không lựa chọn những kịch bản hời hợt, những vở diễn mang tính giải trí đơn thuần, con đường mà NSND Lệ Ngọc chọn lựa là xây dựng những tác phẩm sân khấu chất lượng, chạm đến trái tim của khán giả. Có như vậy mới thuyết phục được khán giả quay lại khóc cười cùng sàn diễn.
Với diễn viên trẻ Kim Oanh, chính những nỗ lực của chị là tấm gương cho lớp diễn viên trẻ sau này: "NSND Lệ Ngọc, người đã truyền một ngọn lửa rất lớn đối với những diễn viên trẻ như tôi và cô dù đã có tuổi rồi nhưng mà mỗi lần tập hay diễn, Lệ Ngọc đều cháy hết mình. Tôi rất nể phục tình yêu lớn lao đối với sân khấu của NSND Lệ Ngọc. Lao động không ngừng nghỉ và luôn sáng tạo trong dự án mới chính là điểm nổi bật của NSND Lệ Ngọc trong hành trình của nghệ sĩ như chứng minh rằng chỉ có niềm đam mê cháy bỏng mới có thể cho người nghệ sĩ động lực và sức khỏe để luôn đứng trên sân khấu và tỏa sáng với chị còn sống là còn cống hiến cho sự nghiệp sân khấu kịch"./.